Công nghiệp hóa - hiện đại hoá đã đem lại nhiều thành quả về kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho con người. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế “nóng” đã có những tác động tiêu cực tới môi trường và về lâu dài nó sẽ trở thành rào cản, thách thức đối với công cuộc phát triển kinh tế.
Phát triển bền vững - tăng trưởng kinh tế hài hoà với lợi ích xã hội và bảo vệ môi trường - vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình phát triển. Để đạt mục tiêu này đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng xã hội.
Thông điệp ngày Môi trường Thế giới (5.6) năm nay là: Kinh tế xanh: có vai trò của bạn. Điều này đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng của mỗi cá nhân chúng ta trong việc bảo vệ môi trường.
Đầu năm 2000, những nhà máy, xí nghiệp đầu tiên xin cấp phép đầu tư tại Hưng Yên đã mở đầu cho công cuộc công nghiệp hoá. Từ đó đến nay, số dự án đầu tư vào tỉnh ta không ngừng tăng lên qua các năm. Đến nay toàn tỉnh đã có trên 800 dự án đầu tư, trong đó có gần 500 dự án đã đi vào hoạt động. Nhờ vậy, từ một tỉnh thuần nông, Hưng Yên đã nhanh chóng ghi tên mình vào danh sách các tỉnh có công nghiệp phát triển khá của khu vực và cả nước. Công nghiệp phát triển nhanh kéo theo đó là sự chuyển dịch mạnh mẽ của cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. Người dân giờ đây đã tiếp cận gần hơn, nhanh hơn với nhịp sống công nghiệp và nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Năng suất lao động không ngừng được nâng lên, đời sống được cải thiện cả về mặt vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, ngay sau niềm vui hân hoan vì đã gặt hái được những thành quả về tăng trưởng kinh tế con người đã phải đối mặt, trả giá ngay cho những vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường làm giảm chất lượng cuộc sống.
Từ năm 2005, khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành, vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường ngày càng nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và người dân. Thực tế đã cho thấy ở nhiều khu vực ô nhiễm, suy thoái môi trường đã diễn ra, đã tác động tiêu cực tới đời sống sản xuất, sinh hoạt của con người. Những biến đổi bất thường, cực đoan của thời tiết, khí hậu trong những năm gần đây chính là hệ quả của những tác động quá mức, không kiểm soát của con người lên cân bằng hệ sinh thái.
Trên diện rộng, ô nhiễm, suy thoái môi trường đã có những tác động khó lường gây hậu quả lớn. Đối với ô nhiễm cục bộ, ô nhiễm điểm cũng đang đặt ra những vấn đề nóng bỏng, nhức nhối trong xã hội, nhất là việc ô nhiễm môi trường tác động tới sức khỏe con người. Tại một số làng nghề ô nhiễm trên địa bàn tỉnh như: Minh Khai, Chỉ Đạo, Đại Đồng (Văn Lâm), Phan Bôi (Mỹ Hào), Liêu Xá (Yên Mỹ)… các vấn đề bệnh tật hiểm nghèo có liên quan hoặc có nguồn gốc do ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất của làng đã và đang đặt ra những thác thức cho chính cộng đồng dân cư đó trong phát triển kinh tế - xã hội. Anh Nguyễn Văn Hạnh, người dân thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm) tâm sự: “Làng Khoai (thôn Minh Khai) đã có nghề tái chế nhựa từ nhiều năm nay. Trong nhà, ngoài ngõ đâu đâu cũng là rác thải. Chỉ cần đi tới đầu làng đã thấy ngột ngạt, khó chịu bởi mùi của các cơ sở tái chế nhựa và cả không gian trong làng trở nên vẩn đục bởi khói, bụi. Hiện chưa có công trình nghiên cứu hay những công bố công khai đánh giá về tác động của nghề này với đời sống, sức khoẻ nhưng theo tôi thì không nói mọi người cũng có thể hình dung ra được sự độc hại của nó đối với sức khoẻ con người”.
Trước thực trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường đang ngày càng gia tăng ở nhiều nơi, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cũng đã tăng cường đầu tư cũng như thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và của người dân phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường đã tăng lên. Điều này thể hiện ở việc hiện toàn tỉnh đã có trên 100 bãi chứa và điểm tập kết rác thải sinh hoạt được xây dựng và đưa vào vận hành, 2 khu xử lý rác thải bảo đảm vận hành đúng qui trình kỹ thuật là khu xử lý rác thải thành phố Hưng Yên, khu xử lý rác thải Đại Đồng (Văn Lâm). Hàng năm tỉnh, huyện đã dành hàng chục tỷ đồng thực hiện công tác thu gom, giải toả các điểm tồn đọng rác thải gây ô nhiễm môi trường. Toàn tỉnh có trên 800 tổ vệ sinh môi trường tự quản tại các thôn, phố, khu dân cư... Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh việc ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, qui trình sản xuất “sạch hơn” đã trở thành xu thế.
Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra rằng, việc đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Ý thức của nhiều nguời dân, chủ doanh nghiệp chưa thực sự thấu đáo. Bảo vệ môi trường không phải là vấn đề của một hay một vài ngành, người nào đó mà phải là của toàn xã hội. Mỗi hành động của chúng ta đều có tác động tới môi trường. Do vậy việc của chúng ta là phải lựa chọn giữa hành động có tác động tiêu cực hay tích cực hoặc tác động tiêu cực thì ở mức nào và bằng phương pháp nào để hạn chế tới mức thấp nhất tác hại. Anh Trần Đăng Anh, Phó Giám Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Chủ đề ngày Môi trường Thế giới năm nay là nhằm tuyên truyền để mọi người dân nêu cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường. Mỗi người phải nâng cao vai trò, vị trí và tầm quan trọng của mình để góp phần tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống xã hội cũng như bảo vệ môi trường. Có như vậy mới bảo đảm phát triển bền vững cho cả hôm nay và mai sau”.