Hưng Yên là vùng quê có truyền thống hiếu học, với Văn miếu Xích Đằng còn ghi danh 228 vị đại khoa người Hưng Yên xưa. Đây là niềm tự hào của quê hương về truyền thống văn hiến, là mạch nguồn nuôi dưỡng tinh thần hiếu học của các thế hệ người Hưng Yên hiện nay.
Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các đoàn thể xã hội và nhân dân trong tỉnh, những người con xa quê… luôn quan tâm hoạt động khuyến học, khuyến tài, chăm lo cho sự nghiệp“ trồng người” của quê hương. Hội Khuyến học tỉnh Hưng Yên được thành lập ngày 28.5.1998, nhiệm vụ ban đầu là khuyến khích, hỗ trợ phong trào dạy, học trong nhà trường. Đến nay, Hội khuyến học tỉnh đã qua 3 kỳ Đại hội, là 1 trong 11 hội có tính đặc thù trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh cho biết: "Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 02 - CT/Ttg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 07 - CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhiệm vụ lớn lao và cũng rất nặng nề của hội khuyến học tỉnh hiện nay là làm nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh".
|
Lãnh đạo hội khuyến học tỉnh Hưng Yên trao thưởng cho học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia. Ảnh: báo Hưng Yên |
Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Hội khuyến học của tỉnh đã trở thành một tổ chức xã hội rộng lớn với 10 huyện, thành Hội, 161 hội xã, phường, thị trấn; hơn 400 cơ sở Hội với hơn 100 nghìn hội viên. Hoạt động khuyến học đã được chỉ đạo và tổ chức có kế hoạch với những nội dung thiết thực, cụ thể. Hội Khuyến học tỉnh đã xây dựng các mô hình và quy trình xây dựng và công nhận gia đình hiếu học (GĐHH), dòng họ hiếu học (DHHH), cụm dân cư, phường xã khuyến học. Đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có khoảng 10 vạn gia đình hiếu học, 50 dòng họ hiếu học.. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và xây dựng quỹ khuyến học ở các cơ sở đã tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng phát triển và đem lại hiệu quả thiết thực. Bên chén trà nóng, trong ngôi nhà thờ của dòng họ Đỗ, xã An Viên (Tiên Lữ), ông Đỗ Văn Nhạ vui vẻ kể với chúng tôi: Dòng họ Đỗ thành lập Ban khuyến học từ năm 2003 nhằm khuyến khích con cháu phấn đấu học tập. Ban khuyến học vận động các gia đình trong dòng họ đóng góp xây dựng quỹ khuyến học. Số tiền quỹ đó được gửi ngân hàng, hàng năm lấy tiền lãi để chi khen thưởng các cháu đạt thành tích học sinh tiên tiến trở lên. Cứ vào dịp Quốc khánh 2.9, dòng họ tổ chức tuyên dương khen thưởng các cháu, phần thưởng thấp là vài cuốn vở, cao là 100 nghìn đồng, tùy theo thành tích học tập, nhưng cháu nào cũng thấy vinh dự, gia đình nào cũng thấy phấn khởi. Có lẽ đó cũng là một yếu tố thúc đẩy phong trào học tập của dòng họ. Dòng họ Đỗ tự hào mỗi năm có 5 - 8 cháu đỗ đại học, từ 20 - 30 cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến các bậc học. Hoạt động khuyến học của dòng họ thực sự mang ý nghĩa nuôi dưỡng tinh thần hiếu học của thế hệ trẻ. Đây chỉ là một trong số hàng trăm mô hình khuyến học hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Nhiều người nhận định, hoạt động khuyến học phải có "3 T", tức là: Tâm, tiền, tài. Có tâm huyết thì mới tham gia phong trào khuyến học; có tiền thì hoạt động mới thiết thực hỗ trợ, động viên học sinh nghèo vượt khó; có tài thuyết phục thì mới tranh thủ được sự ủng hộ về vật chất, tinh thần, thúc đẩy hoạt động khuyến học. Ở tỉnh Hưng Yên, cán bộ chuyên trách công tác khuyến học các cấp hội là đội ngũ cán bộ, nhà giáo hưu trí có năng lực, sức khoẻ, tâm huyết và có uy tín cao trong cộng đồng. Nhờ đó, công tác khuyến học, khuyến tài đã tạo được đồng thuận trong xã hội và có hiệu ứng tốt với sự nghiệp giáo dục của địa phương. Nhiều tổ chức, cá nhân tình nguyện ủng hộ xây dựng quỹ khuyến học và có những phương thức phù hợp nuôi dưỡng tinh thần hiếu học. Quỹ khuyến học toàn tỉnh hiện nay có hơn 12 tỷ đồng. Mỗi năm, hàng chục nghìn lượt học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó được nhận học bổng khuyến học, hàng nghìn lượt giáo viên giỏi các cấp được nhận phần thưởng khuyến học, khuyến tài. Từ đầu năm đến nay, hoạt động tặng quà, tặng học bổng cho học sinh giỏi, học sinh đỗ đại học; học sinh thuộc diện “nghèo, ngoan, giỏi” được các dòng họ, khu dân cư, đơn vị tổ chức và các cấp hội khuyến học tiến hành đồng loạt sôi động trong các địa phương. Điển hình như Công ty cổ phần May Hưng Yên tặng quỹ khuyến học tỉnh 100 triệu đồng; số tiền này được chuyển cho điểm mầm non thôn Phú Hòa, xã Bình Kiều (Khoái Châu) để tăng cường cơ sở vật chất trường học. Hội khuyến học tỉnh tặng 60 suất quà cho học sinh Trường THPT Chuyên tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia... Huyện Phù Cừ tổ chức lễ biểu dương gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học; gặp mặt học sinh đỗ đại học, học sinh giỏi, giáo viên giỏi cấp tỉnh năm 2012 tại đền thờ Lưỡng quốc Trạng Nguyên Tống Trân. Thành phố Hưng Yên tổ chức gặp mặt tặng quà cho học sinh đỗ đại học tại Văn miếu Xích Đằng… Những hoạt động này không chỉ động viên học sinh có thành tích học tập cao mà còn tác động tích cực đến từng gia đình trong việc quan tâm sự học của con cái, khơi dậy tinh thần hiếu học trong cộng đồng.
Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu nhiệm vụ mới, hoạt động khuyến học trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế là: tổ chức các cấp Hội Khuyến học chưa kiện toàn và phát triển chưa đều giữa các địa bàn, tỉ lệ hội viên toàn tỉnh chưa đạt quy định 10% số dân trong tỉnh. Quỹ khuyến học các cấp hội còn thấp so với các địa phương trong vùng, các phong trào khuyến học đang phát triển song chưa đều khắp. Hình thức khuyến học còn đơn điệu, chủ yếu vẫn chỉ là phát thưởng quà cho học sinh giỏi… Để công tác khuyến học của tỉnh phát triển theo chiều sâu, đạt hiệu quả cao, thiết nghĩ Hội Khuyến học tỉnh quan tâm tới các giải pháp là: Nhanh chóng kiện toàn tổ chức hội khuyến học các cấp, đẩy mạnh việc nghiên cứu, tổng kết và nhân rộng các mô hình và phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh. Tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng quỹ khuyến học, đặc biệt tranh thủ sự ủng hộ của các doanh nghiệp trên địa bàn. Hội khuyến học các cấp cần đổi mới hình thức khuyến học, ngoài việc tặng thưởng, với những học sinh giỏi, hoàn cảnh khó khăn có chương trình bảo trợ "dài hơi" trong quá trình học tập, đồng hành cùng học sinh nghèo đến trường. Hội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá, khảo sát tình hình quản lý và nội dung hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) từ đó hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động của các TTHTCĐ nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật cho các đối tượng nhân dân, từng bước xây dựng xã hội học tập.
Khuyến học khuyến tài là nét đẹp văn hóa, thúc đẩy tinh thần hiếu học trong mỗi gia đình, dòng họ và toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài là góp phần xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn hiện nay.