Xác định rõ vị trí, vai trò trọng yếu của mình là địa bàn trung chuyển hàng hóa giữa thủ đô Hà Nội với các tỉnh, thành phố lớn như: Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… trong năm qua, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại (GLTM) trên địa bàn.
Góp phần ổn định thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và đông đảo người tiêu dùng.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT), năm 2011, các đội QLTT đã kiểm tra trên 1.000 vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, phát hiện và xử lý 255 vụ vi phạm gian lận thương mại, gồm, 93 vụ hàng nhập lậu, 3 vụ hàng cấm, 7 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng, 35 vụ vi phạm về giá, 117 vụ vi phạm về đăng ký kinh doanh và các vi phạm khác như vi phạm về chất lượng, đo lường, quy chế ghi nhãn hàng hóa, sở hữu trí tuệ... Tổng số tiền thu phạt trên 1,6 tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước gần 1,2 tỷ đồng, chuyển giao hàng hóa làm công tác từ thiện trị giá trên 200 triệu đồng... Nhìn chung, công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều vụ buôn lậu gian lận thương mại có giá trị lớn bị phát hiện và xử lý kịp thời ngay trên khâu lưu thông đáp góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và làm trong sạch thị trường. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục QLTT thì trong năm qua, tình hình sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu trên địa bàn có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ vi phạm. Các đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn liều lĩnh, tinh vi, xảo quyệt hòng che mắt các ngành chức năng nhằm gây khó khăn trong việc trinh sát, kiểm tra và xử lý của lực lượng QLTT như: Sử dụng hóa đơn giả, quay vòng hóa đơn, sử dụng xe du lịch, xe buýt, thay biển số xe qua từng địa bàn để vận chuyển hàng lậu, sử dụng tem nhập khẩu giả, in ấn bao bì nhãn mác giả… Hầu hết các loại hàng hóa có nhu cầu tiêu thụ lớn và nhiều loại hàng hóa có thương hiệu đã bị làm giả như: Vải may mặc, quần áo, đồ chơi trẻ em, đồ dùng học sinh, đồ điện dân dụng, điện tử, thực phẩm, phụ tùng ô tô, xe máy, đường, mì chính hoặc không bảo đảm chất lượng, VSATTP như gia súc, gia cầm... Thậm chí đã có tình trạng các cá nhân và doanh nghiệp trong nước móc nối với các tổ chức nước ngoài để giả mạo xuất xứ của các thương hiệu có uy tín trên thế giới để tiêu thụ trong nước. Hoặc ngay cả tem chống giả cũng bị làm giả khiến cho việc chống hàng giả rất khó khăn.
Với quyết tâm ngăn chặn những vi phạm về hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu xuất hiện trên thị trường, bảo đảm sản xuất, kinh doanh đi vào nền nếp theo đúng quy định của pháp luật, góp phần vào việc bình ổn giá cả, làm lạnh mạnh thị trường, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, thời gian qua, Chi cục QLTT đã giao nhiệm vụ cho các đội QLTT chủ động trinh sát phối hợp với các ngành chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng hóa tại các chợ đầu mối, các tuyến đường giao thông, các địa điểm tập kết…
Gần đây nhất, ngày 2.5.2012, Đội QLTT số 3 đã phối hợp với Đội chống buôn lậu, phòng PC 46, Công an tỉnh kiểm tra phương tiện vận tải ô tô biển kiểm soát 30X – 2330 (xe buýt chạy tuyến Hải Dương – Hà Nội) do Vũ Văn Hải sinh năm 1976 điều khiển, trên xe vận chuyển 145 cây thuốc lá các loại do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Căn cứ vào các tài liệu điều tra xác minh, lực lượng chức năng xác định vụ việc trên có dấu hiệu của tội vận chuyển hàng cấm theo quy định tại Điều 155 BLHS nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm bởi số lượng thuốc lá chưa đến 150 cây theo quy định. Tuy nhiên, qua quá trình điều tra, xác minh, lực lượng chức năng chưa xác định được chủ hàng là ai và địa chỉ ở đâu, vì vậy Đội QLTT số 3 đã ra quyết định tạm giữ và lập biên bản tạm giữ hàng hóa vô chủ đối với 145 cây thuốc lá nói trên do không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Trong thời gian tới, tình hình tội phạm kinh tế sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, hoạt động buôn lậu, hàng giả, trốn thuế vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề. Theo đánh giá có 10 nhóm hàng được dự báo sẽ tiếp tục bị buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu gồm: xăng dầu; gia súc gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm; ma túy các loại; ngoại tệ và vàng; rượu và thuốc lá; khoáng sản; động vật hoang dã; gỗ và các sản phẩm lâm sản quý hiếm; văn hóa phẩm các loại và các loại hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho sản xuất và đời sống. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, ông Lê Văn Tư, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh cho biết: Thời gian tới, quá trình phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình thị trường và hoạt động chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại sẽ xuất hiện những yếu tố thuận lợi, đan xen những khó khăn thách thức mới. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tình trạng mất cân đối kinh tế vĩ mô và lạm phát sẽ tiếp tục gây ra những thách thức nghiêm trọng đối với nền kinh tế và những diễn biến phức tạp trên thị trường, nạn buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tiếp tục là mảnh đất sống còn của những đối tượng làm ăn phi pháp, kẽ hở cho những hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Cuộc đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại sẽ phức tạp hơn, các đối tượng làm ăn phi pháp sẽ có nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt, chống đối quyết liệt hơn, song với sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự chỉ đạo của Ban 127/TW, bằng sự nỗ lực của tất cả các ngành, các lực lượng, tin rằng Chi cục QLTT tỉnh sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.