Hiện nay, toàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 30 doanh nghiệp đang tham gia hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của ngành chức năng, năm 2011 toàn tỉnh có trên 4000 người đi xuất khẩu lao động.
Trong đó, các doanh nghiệp được tỉnh cấp phép hoạt động xuất khẩu lao động tham gia đưa trên 2.600 lao động đi XKLĐ. 3 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có trên 600 lao động đi XKLĐ. Những năm qua, trung bình mỗi năm có khoảng 3.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với nguồn ngoại tệ thu được từ xuất khẩu lao động trên 10 triệu USD. Với tốc độ xuất khẩu lao động như hiện nay, nguồn lao động có chất lượng cao trở về từ các nước cũng ngày càng tăng, XKLĐ ngày càng cho thấy hiệu quả “kép”. Hầu hết người lao động của tỉnh sang các nước làm việc thực hiện tốt hợp đồng lao động. Qua đó, nhận thức, tác phong làm việc, tính kỷ luật và trình độ tay nghề được nâng cao. Nhiều người đã được nâng lên về khả năng ngoại ngữ, kiến thức khoa học kỹ thuật công nghệ mới… Đây là hành trang cần thiết khi họ trở về xây dựng quê hương.
|
Ảnh minh họa (Nguồn: báo Hưng Yên) |
Đến nay, tuy có hàng chục thị trường XKLĐ, nhưng thời gian qua lao động Hưng Yên chủ yếu đi Malaysia, Đài Loan, các nước Trung Đông... Với người lao động, được đi làm việc ở một số thị trường như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc… là “mơ ước” vì lương cao, chế độ đãi ngộ tốt và học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Riêng thị trường Hàn Quốc, trung bình mỗi năm tỉnh có từ 200- 300 lao động đi làm việc có thời hạn, với thu nhập trung bình từ 25-30 triệu đồng/người/tháng. Nhiều người sau khi kết thúc hợp đồng được phía Hàn Quốc gia hạn thêm thời gian lao động hoặc được tái nhập cảnh... Tuy vậy, tại cuộc họp Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh mới đây, nhiều thành viên Ban chỉ đạo cho biết, phần lớn lao động của Hưng Yên được đánh giá tay nghề chưa cao, khả năng ngoại ngữ hạn chế nhưng có một nghịch lý là lại khá “kén chọn” thị trường lao động. Những thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc… với mức lương hấp dẫn luôn là lựa chọn đầu tiên của người có nhu cầu đi XKLĐ, thậm chí nhiều người có mong muốn "phải đi bằng được" những thị trường thu nhập cao. Nhưng đây cũng là những thị trường "khó tính", đòi hỏi về trình độ của người lao động khắt khe hơn… nên người lao động lại khó "với" tới.
Anh Đào Ngọc Thắng ở xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động) đã đi làm với mức lương trên 2,5 triệu đồng/tháng nhưng vẫn có nhu cầu đi XKLĐ. Nguyện vọng của anh là chỉ đi những thị trường cỡ từ Hàn Quốc… trở lên. Anh đã bỏ việc làm đi học tiếng Hàn và thi đạt chứng chỉ từ năm 2010. Tuy nhiên đến thời điểm này anh vẫn chưa được đi và tiếp tục chờ đợi… Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Đây là một trong những nguyên do khiến hiện nay các thị trường khác tuy có nhiều đơn đặt hàng như Ma Cao, Ả Rập… lương tháng từ 15 - 17 triệu đồng/tháng… nhưng người lao động cũng không “mặn mà”. Người lao động hiện cũng có xu hướng không mấy “nhiệt tình” với thị trường các nước Trung Đông do làm việc vất vả, lương thấp...
Tuy nhiên, ngay tại các thị trường được đánh giá “hấp dẫn”, một số lao động của tỉnh đã bỏ trốn ra ngoài làm việc hoặc hết hạn hợp đồng nhưng không về nước mà trốn ra cư trú bất hợp pháp, ảnh hưởng tới hoạt động XKLĐ của tỉnh. Hậu quả nhãn tiền là cuối tháng 12/2011, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã yêu cầu tạm thời không được thi tiếng Hàn đối với người lao động ở 2 xã Tân Quang (Văn Lâm) và thị trấn Trần Cao (Phù Cừ). Nguyên nhân do đây là những địa phương có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và có lao động bỏ trốn ngay khi nhập cảnh Hàn Quốc… Thực tế cho thấy, trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, ý thức chấp hành kỷ luật lao động của nhiều lao động trong tỉnh còn yếu. Tâm lý kén chọn thị trường lao động có thu nhập cao, trong khi năng lực, khả năng về trình độ tay nghề, ngoại ngữ… của người lao động còn hạn chế, đã và đang là những cản trở trong việc đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Hơn nữa tỉnh vẫn chưa có chính sách khuyến khích tạo nguồn lao động có chất lượng cao. Do đó lao động trong tỉnh chưa có nhiều cơ hội tham gia xuất khẩu vào thị trường các nước có thu nhập cao như: Canađa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc... Ngoài ra, có công ty tham gia hoạt động XKLĐ chưa đủ năng lực, uy tín gây mất niềm tin của người dân. Hiện tượng "cò" dụ dỗ người lao động nhẹ dạ vẫn còn tồn tại. Nhiều trường hợp người lao động qua các đường dây môi giới để đi xuất khẩu lao động dẫn đến phải nộp phí cao gấp nhiều lần quy định. Có những đơn vị được cấp phép hoạt động XKLĐ có những hoạt động thiếu minh bạch làm ảnh hưởng đến việc XKLĐ của tỉnh…
Trong kế hoạch giải quyết việc làm giai đoạn 2011 – 2015 do UBND tỉnh ban hành, công tác xuất khẩu lao động được coi là nhiệm vụ quan trọng. Phát triển thị trường XKLĐ theo hướng duy trì các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaixia… đồng thời khai thác và mở rộng các thị trường mới nhiều tiềm năng như Nhật Bản, các nước thuộc khu vực Trung Đông… là một trong những yêu cầu của kế hoạch. Thực tế, đòi hỏi của thị trường lao động ngày càng cao và khắt khe hơn cả về chất lượng lao động, trình độ ngoại ngữ, tinh thần trách nhiệm. Trước thực tế đó, để đẩy mạnh công tác XKLĐ, tỉnh cần có những cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện tối đa cho người lao động như: Xây dựng chính sách hỗ trợ đối tượng lao động nghèo xuất khẩu; tạo điều kiện để người lao động được vay vốn chính sách ưu đãi. Đào tạo nghề, học ngoại ngữ miễn phí bằng cách lồng ghép từ phần kinh phí dạy nghề cho nông dân để XKLĐ. Khi được đào tạo bài bản, lao động sẽ có thu nhập ổn định, hết thời hạn hợp đồng trở về cũng không lo thất nghiệp. Song song với đó, những thông tin về hoạt động xuất khẩu lao động cần được công khai minh bạch hơn nữa, những khuyến cáo kịp thời về các thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng cò mồi, môi giới thu tiền bất hợp pháp của người lao động... của ngành hữu quan sẽ giúp người lao động có thêm nhiều cơ hội cũng như hạn chế được các rủi ro…