Lúc này, doanh nghiệp càng phải tạo dựng niềm tin với ngân hàng mới tiếp cận được nguồn vốn tín dụng và nhận được sự hỗ trợ từ phía ngân hàng. Đó là thông điệp từ các ngân hàng tại cuộc tọa đàm “Thực hiện chính sách tín dụng ngân hàng” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hưng Yên tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Lãi suất giảm, doanh nghiệp vẫn khó vay
Đại diện các doanh nghiệp phản ánh vấn đề sống còn đối với nhiều doanh nghiệp lúc này không nằm ở lãi suất mà nằm ở các khoản nợ phải thanh toán trước khi tính đến khoản vay mới. Thời gian qua cùng với lãi suất huy động tiền gửi hạ theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãi suất cho vay của các chi nhánh ngân hàng thương mại cũng liên tục giảm. Tuy nhiên động thái tích cực này chỉ đáp ứng được cho những doanh nghiệp có "sức khỏe" tốt, trong khi đó lại không mấy tác dụng đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn mà tình trạng tài chính không còn đủ chuẩn, hoặc không còn tài sản bảo đảm theo yêu cầu từ phía ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Đông, Giám đốc Công ty cổ phần Hoa Lan (Khu công nghiệp Phố Nối A, Hưng Yên) cho rằng: Phần lớn các doanh nghiệp này chưa mặn mà vay vốn vì phải thận trọng khi, mở rộng sản xuất trong bối cảnh nền kinh tế còn ảm đạm và không muốn bị đối tác chiếm dụng vốn. Còn một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp khác đang không tiêu thụ được sản phẩm, lượng hàng tồn kho quá lớn nên không có nguồn thu để trả nợ lãi vốn vay ngân hàng, rất khó có thể được ngân hàng tiếp tục cho vay mới. Điều doanh nghiệp mong muốn nhất trong lúc này là được ngân hàng khoanh nợ cho những doanh nghiệp sản xuất còn duy trì được hoạt động. Có như vậy doanh nghiệp mới vơi bớt khó khăn từ sức ép nợ, lãi vốn vay ngân hàng để tiếp tục sản xuất, kinh doanh và có tiền trả nợ ngân hàng.
Ông Toàn, Giám đốc công ty TNHH Phương Thảo (Mỹ Hào) kiến nghị: Ngân hàng không nên “cào bằng” các doanh nghiệp khó khăn như nhau mà cần làm việc với từng doanh nghiệp để biết rõ tình hình tài chính, sản xuất, kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Từ đó ngân hàng phân loại các doanh nghiệp thành từng nhóm tùy theo "sức khỏe" của các doanh nghiệp để có những chính sách cho vay, giải pháp cụ thể, phù hợp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn. Bên cạnh đó có thực tế là ngân hàng thường đánh giá thấp giá trị tài sản thế chấp của doanh nghiệp khi vay vốn. Điều này đang hạn chế mức độ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, khiến vốn vay được không như mong muốn.
Ngân hàng “Trông giỏ, bỏ thóc”
Lãnh đạo các chi nhánh ngân hàng đều khẳng định: Ngân hàng phát triển được nhờ doanh nghiệp phát triển và ngược lại doanh nghiệp gặp khó khăn thì ngân hàng cũng đối mặt với nhiều nguy cơ. Vì thế ngân hàng luôn đồng cảm và đồng hành cùng các doanh nghiệp. Thời gian qua, các ngân hàng rất nỗ lực tìm kiếm, vận dụng nhiều giải pháp để vốn tín dụng đến được các doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Bà Trịnh Thị Thắm, Giám đốc ngân hàng TMCP Công Thương chi nhánh Hưng Yên cho biết: Trước tình hình nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, ngân hàng đã linh hoạt có những giải pháp sát cánh, hỗ trợ doanh nghiệp. Những doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhưng có phương án, dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả có khả năng phục hồi được ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho tiếp tục vay vốn mới. Đồng thời ngân hàng cũng rà soát tình hình sử dụng vốn vay của các doanh nghiệp vay vốn và tiến hành cấu trúc lại dư nợ cho phù hợp.
Ông Đặng Sỹ Hòa, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương chi nhánh Mỹ Hào cũng khẳng định ngân hàng đang rất tích cực cùng với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn như: vừa qua ngân hàng liên tiếp giảm mạnh lãi suất cho vay xuống mức phổ biến hiện nay là 13,5-16,5%/năm tùy từng kỳ hạn. Thời gian tới ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất xuống với mức thấp nhất có thể là 12,5%/năm. Ngân hàng vừa tập huấn cho cán bộ, nhân viên toàn chi nhánh về 8 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn. Trong đó có giải pháp ngân hàng rà soát xác định rõ từng doanh nghiệp khó khăn như thế nào để cùng bàn bạc cách hỗ trợ phù hợp. Nhất là đối với những doanh nghiệp có nhiều hàng tồn kho, ngân hàng có thể xem xét gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ hoặc chia sẻ giảm lãi suất.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Bắc Hưng Yên, ngân hàng đã sớm đi đầu giảm lãi suất cho vay. Hiện nay lãi suất cho vay của ngân hàng đối với doanh nghiệp thuộc 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên là 12%/năm cho khách hàng xếp hạng A và 13% cho khách hàng xếp hạng bình thường. Ngân hàng vẫn duy trì dòng vốn tín dụng cho vay đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng có khả năng khắc phục và phục hồi.
Còn Ngân hàng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn cũng tích cực giảm lãi suất, chấp nhận lợi nhuận thấp với mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay chỉ có 2,86%. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, ngân hàng có thể tạo điều kiện cho vay vốn với lãi suất chỉ có 11%/năm. Ngân hàng tiếp tục cho doanh nghiệp vay vốn với dư nợ cho vay doanh nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng 35% trong tổng dư nợ của ngân hàng.
Tuy nhiên ông Dương Văn Tự, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn chi nhánh Hưng Yên cũng như lãnh đạo các ngân hàng khác đều khẳng định hoạt động tín dụng của ngân hàng trước hết luôn chấp hành các chính sách của Chính phủ, quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sự chỉ đạo của Ngân hàng cấp trên và dứt khoát không cho vay đối với những doanh nghiệp bị thua lỗ không có khả năng phục hồi. Nguồn vốn của ngân hàng chủ yếu là tiền vay, huy động từ nhân dân. Khi cho vay, ngân hàng phải “Trông giỏ, bỏ thóc” để bảo đảm bảo toàn nguồn vốn và ưu tiên nâng cao chất lượng tín dụng. Bởi vậy bản thân doanh nghiệp phải chủ động, tích cực nâng cao khả năng hấp thụ vốn vay, tạo được niềm tin với ngân hàng.
Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để ngân hàng có thể đặt niềm tin vào doanh nghiệp là tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải bảo đảm sử dụng vốn vay đúng mục đích, đặc biệt là minh bạch vấn đề tài chính để sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, giảm thiểu chi phí, rủi ro cho cả doanh nghiệp và ngân hàng. Đồng thời các doanh nghiệp cần nỗ lực nâng cao khả năng hấp thụ vốn vay bằng cách chủ động tìm hiểu, phân tích thị trường để chủ động xây dựng phương án, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh và chứng minh được tính hiệu quả của dự án với ngân hàng.
Trong điều kiện thị trường khó khăn hiện nay làm được điều này không dễ nhưng không phải không thể làm được. Mỗi doanh nghiệp phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các chủ trương, quy định của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước Việt Nam đối với hoạt động tín dụng và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Chỉ như vậy doanh nghiệp mới hiểu biết, chia sẻ với những khó khăn của ngân hàng để có được tiếng nói chung, cùng nhau bàn bạc thống nhất những giải pháp hỗ trợ để vượt qua khó khăn.
Lãi suất đã giảm mạnh, các ngân hàng rất tích cực vào cuộc đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Khi các doanh nghiệp tạo dựng được niềm tin, tìm được tiếng nói chung với ngân hàng chắc chắn dòng vốn tín dụng đến các doanh nghiệp sẽ được khơi thông thúc đẩy kinh tế phát triển.