Hưng Yên: Đền bù, hỗ trợ người dân có đất bị thu hồi tại Văn Giang như thế nào?

Thứ tư, 02/05/2012 17:11

(ĐCSVN) - Trả lời phỏng vấn phóng viên (PV) Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về cơ sở pháp lý của việc thu hồi đất đối với Dự án Khu đô thị Thương mại-Du lịch Văn Giang, đồng chí Bùi Huy Thanh - Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Hưng Yên cho biết:

Đồng chi Bùi Huy Thanh - Chánh văn phòng,
người phát ngôn của UBND tỉnh Hưng Yên.

Dự án Khu đô thị Thương mại-Du lịch Văn Giang được thực hiện theo phương thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo quy định Luật Đất đai năm 1993; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 1998 và năm 2001, tại Khoản 5 Điều 23 quy định: "1. Chính phủ quyết định giao đất trong các trường hợp sau đây: a) Giao đất có thu tiền sử dụng đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng theo Dự án; b) Giao đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh". Do vậy, sau khi được các Bộ, ngành hữu quan thẩm định và trình, ngày 30/6/2004, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 742/QĐ-TTg về việc giao đất để thực hiện Dự án xây dựng đường từ Cầu Thanh Trì đi thị xã Hưng Yên, đoạn từ huyện Văn Giang đến xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên theo phương thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, là hoàn toàn đúng với quy định Luật Đất đai.

PV: Vậy, chính sách đền bù, hỗ trợ người dân có đất bị thu hồi đối với Dự án này thế nào ?

Đồng chí Bùi Huy Thanh: UBND tỉnh đã xem xét đầy đủ các yếu tố về vị trí địa lý, tập quán canh tác và cây trồng của 3 xã vùng Dự án (Phụng Công, Xuân Quan, Cửu Cao) thuộc khu vực I có giá đền bù cao nhất tỉnh tại thời điểm (135.000 đồng/m2). Ngoài chính sách chung thực hiện theo quy định của Nhà nước, UBND tỉnh còn quy định một số cơ chế, chính sách chỉ áp dụng riêng cho Dự án này như sau:

- Hỗ trợ ổn định đời sống: Những hộ, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi lớn hơn 30% diện tích đất nông nghiệp được giao thì hỗ trợ 3 tháng với mức hỗ trợ bằng tiền cho 01 nhân khẩu/tháng, tương đương 30 kg gạo; bị thu hồi nhỏ hơn hoặc bằng 30% diện tích đất nông nghiệp được giao thì được hỗ trợ 1.000 đồng/m2;

- Giao đất dịch vụ liền kề để giải quyết việc làm cho nông dân có đất bị thu hồi chuyển sang làm dịch vụ, thương mại; là dự án duy nhất trong tổng số 920 dự án đã tiếp nhận vào đầu tư trên địa bàn tỉnh được giao đất dịch vụ liền kề.

Ngoài chính sách đền bù, hỗ trợ theo quy định của Nhà nước trên đây, nhà đầu tư còn hỗ trợ các khoản sau:

- Hỗ trợ 30 tỷ đồng lập quỹ hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp đã hết tuổi lao động của 3 xã (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi). Các xã rút lãi suất để chi trợ cấp cho những người hết tuổi lao động. Tháng 01/2012, các xã đã rút lãi suất chi hỗ trợ 1.044 người hết tuổi lao động, mỗi suất 980.000 đồng;

- Hỗ trợ địa phương vùng Dự án xây dựng đường liên xã; cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng của 3 xã;

- Xây dựng đê bối ngoài sông Hồng, đưa 400 ha đất của xã Xuân Quan, Phụng Công đi vào sản xuất ổn định (mức đầu tư hơn 2,1 tỷ đồng);

- Hỗ trợ thêm 6 triệu đồng/sào để những hộ dân chuyển hoa màu trên số diện tích đất đã nhận tiền đền bù và ký biên bản bàn giao đất;

- Hỗ trợ ổn định đời sống với mức 1 triệu đồng/sào/năm đối với các hộ dân có đất bị thu hồi, theo cơ chế: Thu hồi từ 1 đến 50% diện tích đất nông nghiệp được giao, được hỗ trợ 5 năm; thu hồi từ 51 đến 70% diện tích được hỗ trợ 7 năm; thu hồi từ 71 đến 100% diện tích được hỗ trợ 10 năm. Có thể nói, đây là Dự án có chính sách đền bù, hỗ trợ cao nhất và duy nhất được giao đất dịch vụ liền kề để chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

PV: Tỉnh Hưng Yên đã có chủ trương gì để tạo việc làm cho người nông dân trong vùng Dự án có đất bị thu hồi?

Đồng chí Bùi Huy Thanh: Ngay từ khi Dự án được phê duyệt, tỉnh đã có chủ trương triển khai xây dựng làng nghề gốm sứ tại xã Xuân Quan; phát triển mở rộng làng nghề mây tre đan tại thị trấn Văn Giang; đặc biệt, tỉnh đã tiếp nhận gần 40 dự án phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện Văn Giang để thu hút lao động, tạo công ăn việc làm cho người dân. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UBND huyện Văn Giang lập Kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân bằng nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra, nhà đầu tư đã có nhiều biện pháp tích cực đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân trong vùng Dự án, như: Hỗ trợ đào tạo nghề để giới thiệu đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài; nhận ngay mỗi hộ 01 lao động phổ thông sau khi hộ gia đình bàn giao đất; khi bàn giao xong đất dự án, nhà đầu tư cam kết tiếp nhận 3.000 lao động phổ thông và chịu trách nhiệm đào tạo, tập huấn theo mục tiêu sản xuất kinh doanh của Công ty. Riêng đối với xã Xuân Quan, tôi khẳng định rằng, tổng diện tích đất nông nghiệp thu hồi giao cho Dự án này chỉ có 107 ha/294,6 ha, chiếm 36,32% diện tích đất canh tác. Nông dân vẫn còn 63,68% đất để sản xuất nông nghiệp, chứ không phải bị thu hồi toàn bộ.

PV: Vì sao phải tổ chức hỗ trợ thi công và cưỡng chế giải phóng mặt bằng tại xã Xuân Quan?

Đồng chí Bùi Huy Thanh: Dự án Khu đô thị Thương mại-Du lịch Văn Giang được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tháng 3/2003 và chính thức ban hành Quyết định giao đất tháng 6/2004. Trong quá trình triển khai thực hiện, được Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương kiểm tra, thẩm định, rà soát kỹ lưỡng và đều thống nhất cao về chủ trương, biện pháp giải quyết; quá trình thực hiện đã tuân thủ đúng quy trình, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Năm 2009, tỉnh đã bàn giao đợt I cho nhà đầu tư 57,19 ha, trong đó, diện tích đất giao cho Dự án đô thị 49,87 ha, diện tích đất giao để làm đường giao thông liên tỉnh 7,32 ha. Đến nay, nhà đầu tư đã tiến hành đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thiện các hạng mục thuộc diện tích đất giao đợt I của Dự án đô thị và cơ bản hoàn thành tuyến đường giao thông liên tỉnh giai đoạn I. Để Nhà đầu tư đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện Dự án theo quy hoạch được phê duyệt, sau hơn 7 năm kiên trì tuyên truyền vận động và thuyết phục, ngày 24/4/2012, UBND huyện Văn Giang đã tiến hành hỗ trợ thi công và cưỡng chế giải phóng mặt bằng 72 ha đất nông nghiệp tại xã Xuân Quan để bàn giao cho nhà đầu tư thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật.

Ở đây, tôi xin lưu ý: Trong 72 ha đất bàn giao đợt này, chỉ có 5,8 ha đất nông nghiệp thuộc 166 hộ ở diện phải cưỡng chế; còn 66,2 ha của các hộ đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ, tự nguyện bàn giao đất rồi. Hầu hết trên diện tích bàn giao đất đợt này không còn hoa màu có giá trị vì người dân đã thu hoạch hoặc chuyển đi, chỉ còn lại một số cây xanh nằm rải rác trên diện tích 5,8 ha. Vì vậy, chúng tôi xác định hỗ trợ thi công là nhiệm vụ chính. 

                             Phối cảnh Khu đô thị Thương mại - Du lịch Văn Giang.

Quá trình tổ chức hỗ trợ thi công và  bắt buộc cưỡng chế đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Việc tổ chức hỗ trợ thi công và cưỡng chế giải phóng mặt bằng ở xã Xuân Quan được đông đảo nhân dân, cán bộ, đảng viên của huyện Văn Giang nói chung, vùng Dự án nói riêng cũng như dư luận xã hội đều đồng tình ủng hộ và cho rằng: Không thể vì một số người cố tình cản trở làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, của nhân dân và gây khiếu kiện kéo dài làm mất trật tự công cộng tại các cơ quan của Trung ương và địa phương.

PV: Hiệu quả kinh tế-xã hội của Dự án này thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Bùi Huy Thanh: Dự án này có quy mô đầu tư và hạ tầng tương đối đồng bộ, xây dựng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên và các công trình hạ tầng khác, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội không chỉ của huyện Văn Giang mà còn là của tỉnh Hưng Yên. Dự án thực hiện trên cơ sở quy hoạch phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên đến năm 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu phấn đấu trước năm 2020, Hưng Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; quy hoạch Vùng tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó, huyện Văn Giang phấn đấu đến năm 2020 trở thành đô thị loại IV, sau đó sẽ là thị xã.

Khu đô thị này được xác định là đô thị lõi để huyện Văn Giang trở thành đô thị loại IV sau này; góp phần tích cực, trực tiếp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân huyện Văn Giang. Khi trở thành đô thị loại IV thì căn bản người dân Văn Giang được chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp và kinh doanh dịch vụ thương mại; từ người dân nông thôn trở thành người dân đô thị. Thực hiện Khu đô thị này để có nguồn vốn đầu tư xây dựng tuyến đường và cầu (bắc qua sông Bắc Hưng Hải) nối Hà Nội với Hưng Yên, tuyến đường từ huyện Văn Giang đi xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu và các công trình hạ tầng khác, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, lưu thông hàng hoá không chỉ của huyện Văn Giang mà còn là của cả khu vực và của tỉnh, góp phần giảm bớt mật độ phương tiện giao thông trên quốc lộ 39A và quốc lộ 5 đang quá tải. Dự án này có sức lan toả lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi các đô thị trên địa bàn huyện Văn Giang và thủ đô Hà Nội.

Vì vậy, triển khai thực hiện Dự án Khu đô thị Thương mại-Du lịch Văn Giang là một chủ trương đúng đắn, có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, trực tiếp làm thay đổi diện mạo và nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân huyện Văn Giang nói chung, các xã trong vùng Dự án nói riêng.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực