Hưng Yên: Doanh nghiệp vận tải “gồng mình” giữ giá

Thứ sáu, 31/08/2012 08:51

 

Xăng dầu giữ giá khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách
 trên địa bàn tỉnh càng thêm khó khăn. Ảnh: báo Hưng Yên

Cho đến thời điểm hiện nay, dù giá xăng dầu đã tăng mạnh nhưng giá cước vận tải trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn không có biến động nhiều. Nguyên nhân của việc giữ giá được các doanh nghiệp vận tải giải thích là do tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng cao nên các “nhà xe” phải “gồng mình” để giữ khách…

Theo thống kê, từ ngày 7/3/2012 đến 28/8/2012 đã có đến 11 lần biến động tăng giảm giá xăng dầu, với 6 lần tăng và 5 lần giảm, trong đó mức xăng tăng cao tới 6.050 đồng mỗi lít so với con số 3.200 đồng của 5 lần giảm giá. Đợt tăng giá xăng, dầu lần này đã thực sự khiến các doanh nghiệp vận tải phải “vò đầu bứt tóc” cân nhắc sẽ tăng giá cước hay không?

Ông Phạm Hồng Châu, Tổng giám đốc Tập đoàn vận tải Phượng Hoàng cho biết: “Việc tăng giá xăng, dầu cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không điều chỉnh giá cước trong thời điểm này. Một mặt là do tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh ngày càng cao, mặt khác nếu tăng giá vé để bù đắp tiền xăng dầu thì không biết người dân sẽ ra sao”.

Trả lời câu hỏi “Nếu giữ giá vé như hiện tại, doanh nghiệp hoạt động có lời không?”, ông Châu nói: “Bình quân chi phí tiền xăng dầu 1 ngày của tập đoàn lên tới hàng chục  triệu, trong khi đó xăng, dầu chiếm từ 40 - 60% trong tổng giá thành dịch vụ vận tải nên sẽ làm chi phí vận tải phải tăng theo. Ngoài ra, các yếu tố về tỷ giá, giá cả phụ tùng ô tô, lương thưởng cho lái xe, công nhân… cũng ảnh hưởng gián tiếp đến cước vận tải. Tuy nhiên, chúng tôi xác định sẽ phải bù lỗ vì mục tiêu của tập đoàn hướng tới đó là chất lượng phục vụ hành khách”

Cũng giống như Tập đoàn vận tải Phượng Hoàng, Công ty TNHH DVTM Về Nguồn Hưng Yên cũng đang “gồng mình” giữ giá. Ông Lê Trung Tuấn, Giám đốc công ty cho biết: “Điều chỉnh cước vận tải là điều cần thiết đối với mỗi đơn vị vận tải trong bối cảnh kinh tế khó khăn và sức ép cạnh tranh ngày càng cao. Vì vậy công ty phải tính toán kỹ lưỡng khi điều chỉnh tăng giá, chứ không thể mãi chạy theo giá xăng dầu.”

Theo ông Tuấn, hiện Về Nguồn  có hơn 100 đầu xe (taxi và tuyến đường dài) chi phí lập trình niêm yết giá mỗi xe taxi là trên 200 nghìn đồng. Rõ ràng mỗi khi thay đổi giá cước, chi phí này là cả một gánh nặng. Hiện nay, hầu hết các đơn vị vận tải hành khách tại Hưng Yên đã thực hiện việc khoán xăng cho tài xế. Mức hưởng chiết khấu của một tài xế taxi có thể lên đến 60% nếu một ngày thu về 2 triệu đồng trở lên. Điều này đồng nghĩa là, khi giá xăng tăng, công ty phải hỗ trợ bù lỗ nhưng khi giá xăng giảm, tài xế là người hưởng lợi”.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có duy nhất Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Hưng Yên điều chỉnh giá cước taxi, theo đó từ ngày 19.8, giá cước mới của hãng này chính thức được áp dụng. Cụ thể giá cước được điều chỉnh tăng từ 600 – 800 đồng tùy từng loại xe. Việc điều chỉnh giá cước của Mai Linh được áp dụng trên phạm vi toàn quốc chứ không riêng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Ông Ngô Anh Quân, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Hưng Yên cho biết: Đây là giai đoạn khó khăn do phải liên tục điều chỉnh giá cước theo giá xăng. Từ ngày 20.7 tới nay giá xăng đã được điều chỉnh tăng ba lần với mức tăng tổng cộng 2.400 đồng/lít (tương đương 11,6%) nên chúng tôi buộc phải điều chỉnh cước để bù đắp chi phí. Trong 6 tháng đầu năm 2012, liên tục Mai Linh Hưng Yên điều chỉnh giảm giá cước 2 lần theo giá xăng giảm. Với chủ trương để thị trường tự điều chỉnh giá xăng như hiện nay, các DN như Mai Linh liên tục phải chạy theo việc thay đổi giá cước theo giá xăng gây rất nhiều bất lợi cho doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT) cho biết: Việc liên tiếp trong thời gian qua, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng, giảm đưa doanh nghiệp vận tải vào lựa chọn tăng giá hay phá sản, rất khó hài hoà với lợi ích hành khách trong bối cảnh cạnh tranh. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có gần 40 doanh nghiệp vận tải tham gia khai thác (tăng 15 doanh nghiệp so với năm 2011), ngoài Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Hưng Yên điều chỉnh giá cước thì đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào xin đề nghị điều chỉnh giá cước. Vấn đề khiến giá xăng dầu liên tục biến động như hiện nay vẫn là do cơ chế giá. Thị trường xăng dầu vẫn đang là độc quyền của một số ít doanh nghiệp đầu mối thì Nhà nước phải có sự can thiệp, kiểm soát chặt chẽ về giá. Mặt khác, việc công khai giá vốn, chi phí, lượng hàng nhập và tồn kho của các đầu mối là hết sức cần thiết, để bảo đảm minh bạch lỗ lãi và xác định rõ mức tăng của các doanh nghiệp có thực sự hợp lý hay không.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực