Hưng Yên: Giải quyết cơ sở yếu kém ở Phù Cừ

Thứ hai, 30/07/2012 09:08

Làm đường giao thông ở xã Minh Tiến (Phù Cừ)
Ảnh: báo Hưng Yên
 

Hơn chục năm về trước, Phù Cừ (Hưng Yên) được biết đến là vùng quê nghèo, kinh tế - xã hội khó khăn với nhiều cơ sở yếu kém. Bằng quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, hệ thống chính trị, chung tay góp sức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, huyện đã có bước phát triển vượt bậc.

Đặc biệt, Phù Cừ từng bước giải quyết thành công cơ sở yếu kém, tạo tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, sánh vai với các địa phương khác trong tỉnh.

Bài 1. Khó khăn chồng chất

Vốn là huyện thuần nông có xuất phát điểm thấp, khi tái lập, Phù Cừ là một trong những huyện khó khăn nhất tỉnh Hưng Yên, tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, đời sống nhân dân khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém vào top đứng “đội sổ” trong tỉnh, nhất là 6 xã khu nam. Trường học, bệnh viện, trạm y tế hầu hết là nhà cấp 4 lụp xụp.

Trước khi tái lập huyện, Phù Cừ là địa bàn có nhiều cơ sở yếu kém trong huyện Phù Tiên. Một số cơ sở thuộc diện yếu kém triền miên, thậm chí có cơ sở từng được coi là "điểm nóng" của tỉnh Hải Hưng trước đây. Câu ca “Thứ nhất Tam Đa, thứ nhì Lệ Xá, thứ ba Minh Hoàng” để nói tới những địa phương phong trào yếu kém nhất trong 35 xã của huyện Phù Tiên khi ấy. Phù Cừ tuy chỉ có 14 xã nhưng đã có 2 xã nằm trong danh sách trên, chưa kể đến một số xã khác cũng nằm trong diện yếu kém như Đình Cao, Minh Tiến.

Biểu hiện chung của các cơ sở yếu kém là: nội bộ mất đoàn kết, có nơi dân khiếu kiện kéo dài. Công tác quản lý, sử dụng đất đai bị buông lỏng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân. Một vài cơ sở đảng tuy số lượng đảng viên đông nhưng không mạnh, không phát huy được vai trò lãnh đạo. Có thời điểm ở một vài xã, hoạt động của tổ chức chính trị và chính quyền gần như tê liệt. Chủ trương, nghị quyết chỉ nằm trên giấy, chưa khơi dậy được tính tiền phong gương mẫu của đảng viên; cán bộ chủ chốt thiếu năng lực, nhiệt huyết, uy tín. Nhiều tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở không xây dựng được quy chế hoạt động, hoặc có quy chế nhưng không được thực hiện nghiêm túc dẫn tới vi phạm nguyên tắc, không làm đúng chức năng, nhiệm vụ. Hệ thống chính trị hoạt động kém hiệu quả, không thu hút, tập hợp được quần chúng. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác tiếp giáp với huyện từ những năm đầu thập kỷ 90, tình hình nông dân, nông thôn nảy sinh những vấn đề phức tạp. “Sự kiện Thái Bình” xảy ra những năm 1997-2000, Phù Cừ là huyện giáp ranh nên ít nhiều chịu ảnh hưởng. Đến những năm 2000-2003, xã Phan Sào Nam và thị trấn Trần Cao vốn là những địa phương có phong trào khá lại nảy sinh nhiều vấn đề "nổi cộm". Thị trấn Trần Cao có sai phạm, vướng mắc về xây dựng cơ bản, một số công trình xây dựng nhiều năm không thanh quyết toán được. Xã Phan Sào Nam thì nội bộ mất đoàn kết, dân nợ đọng sản phẩm kéo dài, cán bộ lãnh đạo chủ chốt bị xử lý kỷ luật làm tình hình chung của huyện càng khó khăn hơn.

Bí thư Đảng ủy xã Minh Tiến Ngô Duy Nhất nhớ lại: Giai đoạn từ năm 1996-2000, bức tranh kinh tế, xã hội địa phương rất ảm đạm. Xã có hơn 50% số hộ nghèo, trong đó 5% số hộ thiếu ăn đến 2-3 tháng phải cứu tế. Vườn tược um tùm tre gai dứa dại, dưới ao ken đầy bèo tây, rau muống. Đường làng mưa xuống ngập ngụa bùn đất. “Trăm tội không bằng cái lội làng Rồng” (thôn Phù Oanh). Đường giao thông liên thôn, liên xã chỉ có vài đoạn được rải đá cộn, đang làm dở thì đơn vị thi công bỏ vì biết xã không có tiền trả. Công tác phát triển đảng gặp nhiều khó khăn. Có chi bộ hàng chục năm không kết nạp được đảng viên nào. Xã Đình Cao còn gian nan hơn. Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Chuốc cho biết: Đình Cao là xã lớn của huyện nhưng gần 15 năm thuộc diện yếu kém. Hàng chục năm xã không thu đủ chỉ tiêu thuế nông nghiệp. Tình trạng đơn thư khiếu kiện rất phức tạp. Những năm 90, Đình Cao còn là điểm nóng về tệ nạn ma túy, con nghiện vật vờ đầu làng cuối xóm. Dân giảm sút niềm tin vào cán bộ đến nỗi đưa ai lên làm lãnh đạo cũng bị dân kiện. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tam Đa Trần Văn Tiu có nhiều năm công tác ở địa phương nhớ lại: Dân quê hết mùa vụ chẳng biết làm gì ngoài đánh riu, đánh dậm. Nắng hạn không có nước bơm vì nợ đọng thủy lợi phí quá nhiều. Đời sống đã lam lũ, vất vả mà một số người còn a dua theo nhau đi khiếu kiện. Những năm 90, nhiều đảng viên xin ra khỏi Đảng. Đảng bộ xã chìm trong yếu kém. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo lúng túng, thiếu kiên quyết, cán bộ, đảng viên thiếu quyết tâm. Tình hình lúc đó bê bối lắm! Trong bối cảnh chung lúc đó, xã Minh Hoàng cũng khá rối ren. Là xã nghèo, cách huyện lỵ không xa nhưng Minh Hoàng được coi là “vùng sâu, vùng xa”. Đường đất hễ mưa xuống lầy lội, đi lại rất khó khăn. Cũng như nhiều cơ sở yếu kém khác, nợ đọng sản phẩm trong dân kéo dài. Ngân sách xã luôn thiếu hụt, cán bộ hàng năm chưa được trả lương và phụ cấp nên cũng vơi bớt nhiệt tình. Một số cán bộ tham ô, vi phạm pháp luật bị xử lý càng làm mất lòng tin của nhân dân…

Trước thực trạng đó, Ban Thường vụ Huyện uỷ Phù Cừ và các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện xác định điều mấu chốt là phải tập trung giải quyết dứt điểm các cơ sở yếu kém và những vấn đề nổi cộm ở cơ sở, xây dựng cơ sở đảng TSVM. Chỉ có như vậy mới quy tụ và phát huy "Tâm, trí, lực" của cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn huyện khai thác hiệu quả mọi nguồn lực đưa kinh tế - xã hội Phù Cừ tiến nhanh, mạnh, vững chắc.

(Còn nữa)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực