|
làng nghề hương xạ Cao Thôn. Ảnh: báo Hưng Yên |
Về làng nghề nổi tiếng hương xạ Cao Thôn, xã Bảo Khê (thành phố Hưng Yên). Theo đường 39A, qua Dốc Lã, thôn Cao hiện ra trước mắt nằm sát đê tả sông Hồng với cảnh sắc thanh bình và hương trầm, mùi thơm của các vị thuốc Bắc thoảng trong gió.
Không khí sản xuất của làng nghề hương xạ vẫn hối hả. Từ những em nhỏ đang học tiểu học đến những cụ già tóc bạc ai nấy đều tất bật sản xuất hàng đáp ứng nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới, mùa làm hương tốt nhất trong năm. Hàng nghìn bó tăm hương 2 màu đỏ, trắng như những đóa hoa đang phơi mình đón nắng, gió. Trong sân, vườn từng phên hương mới được người dân Cao Thôn đưa ra hong khô. Trước “sóng gió”, làng nghề hương xạ càng khẳng định sức sống được vun đắp hàng trăm năm nay.
Anh Nguyễn Đình Ngọc, Chủ tịch hội làng nghề hương xạ Cao Thôn cho biết: Việc sử dụng hoá chất để xử lý tăm hương (như một số lời đồn đại gần đây - PV) là có thật nhưng chỉ xảy ra với khoảng 10-15% số hộ làm hương xạ Cao Thôn sản xuất hương đậu tàn. Nguyên nhân là 2, 3 năm trở lại đây, trước nhu cầu thị trường ưa chuộng, hương đậu tàn và một số cơ sở làm hương ở Hải Dương sản xuất được hương đậu tàn bằng cách xử lý tăm hương bằng hoá chất, một số hộ làm hương ở thôn Cao đã học theo cách làm đó đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Bản thân những người sản xuất này cũng không biết có độc hay không?! Ngoài hương đậu tàn, các sản phẩm hương của làng nghề như: hương vòng, hương sào, hương quế, hương nén bình thường… vẫn được làm theo phương pháp truyền thống. Ngay sau khi một số báo điện tử phản ánh việc sử dụng hoá chất độc hại để làm hương đậu tàn, hội làng nghề đã vận động các hộ sản xuất hương đậu tàn ngừng sử dụng hóa chất để làm hương, đồng thời lấy mẫu gửi Vụ Đo lường thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) để kiểm nghiệm, xác định rõ loại hóa chất được sử dụng và mức độ độc hại.
Những ngày qua, thông tin việc sử dụng hóa chất làm hương đậu tàn đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của làng nghề. Song phần lớn hộ làm hương chân chính ở làng nghề, nhất là những hộ đã xây dựng được thương hiệu hương vẫn vững vàng tâm niệm nghề làm hương liên quan đến tâm linh, lương tâm làm nghề không cho phép họ cẩu thả, làm hương giả, hương kém chất lượng; họ kiên trì theo đuổi phương pháp làm hương truyền thống, tiếp tục phát huy những giá trị của làng nghề để vượt qua thời điểm khó khăn này. Dẫn tôi đi thăm xưởng sản xuất và kho nguyên liệu chất đầy các loại thảo mộc, thuốc bắc, ông Đào Đức Cơ, chủ cơ sở sản xuất hương Thế Hưng hồ hởi giới thiệu với chúng tôi quy trình làm hương truyền thống. Để làm ra hương xạ cần tới hơn 30 vị thuốc Bắc, được phối trộn với nhau gồm: Đại hoàng, đinh hương, tế tân, hoàng đàn, tiểu hồi, sâm, xuyên khung, quế, quạ, tùng ta, tùng tàu, nhựa thau, xuyên đại hoàng, xuyên quy, trắc bách diệp, tùng bạch chỉ, mỏ quạ, gỗ trầm… Dây keo được mua từ Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa về rồi nghiền thành bột, trộn lẫn với các loại thảo mộc. Mỗi hộ có bí quyết riêng về công thức phối chế các loại thảo dược, vì vậy hương xạ của từng nhà cho mùi thơm riêng biệt. Để làm ra được thành phẩm hương phải mất rất nhiều công đoạn: Phát thuốc, nhúng nước, nhúng hương, phơi và đóng gói. Với hương làm bằng máy thì phát thuốc, ra quả, ra nén, phơi, đóng gói. Công đoạn cuối cùng trong khâu làm máy với hương vòng gọi là ra sợi, hương rút gọi là ra nén. Khi phơi hương, gặp trời nắng thì chỉ một ngày là khô, nhưng thời tiết âm u thì phải mất 3 ngày mới xong. Vì hoàn toàn dùng các loại thảo mộc để làm hương nên không thể dùng công nghệ sấy và lẫn tạp chất vì như thế hương sẽ bị mất mùi, giảm chất lượng. Sự chu đáo, nghiêm cẩn của người thợ trong từng công đoạn chính là bí quyết làm nên chất lượng và sự nổi tiếng cho hương xạ Cao Thôn. Bởi vậy hương xạ Cao Thôn vẫn giữ được những đặc tính mà ít loại hương nào sánh được với mùi thơm đặc trưng, thoang thoảng mà nồng nàn chứ không sực nức như nhiều loại hương khác. "Giữ vững truyền thống làm hương thì uy tín, thương hiệu của làng nghề hương xạ của chúng tôi ngày càng được vun đắp và không còn những “con sâu làm rầu nồi canh” - ông Cơ tâm sự.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo xã Bảo Khê khẳng định: Làng nghề hương xạ Cao Thôn có truyền thống lâu đời trải qua hàng trăm năm, sản phẩm hương xạ Cao Thôn đã nổi tiếng cả nước. Không thể vì một số hộ mà cho rằng cả làng nghề hương xạ Cao Thôn dùng hóa chất làm hương và tất cả các loại hương xạ Cao Thôn đều độc hại. Bởi sản phẩm hương xạ Cao Thôn có 4-5 loại, trong đó hương đậu tàn có sản lượng không nhiều. Hiện nay thôn Cao có 180 hộ dân làm hương xạ, tạo việc làm cho khoảng 250 hộ trong xã và 500-600 lao động ở các địa phương lân cận với thu nhập 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề góp phần chủ yếu đưa giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của xã chiếm tỷ trọng 45% trong cơ cấu kinh tế của xã. Việc giữ gìn uy tín và phát triển làng nghề hương xạ Cao Thôn có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh trách nhiệm của địa phương, người dân thì thông tin trên một số báo điện tử cần rõ ràng hơn. Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ mức độ độc hại của tăm hương được ngâm tẩm hóa chất. Đồng thời khuyến nghị những giải pháp phòng tránh. Như vậy mới tránh được tâm lý hoang mang cho người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ làng nghề hương xạ. Tuy nhiên đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những hộ dân làng nghề, đừng vì cái lợi trước mắt, chạy theo thị hiếu thị trường, đánh mất những giá trị tốt đẹp của làng nghề.