Thu nhập 500-600 triệu đồng/năm trên mỗi héc-ta đất canh tác, vượt xa những “cánh đồng 100 triệu đồng/ha” và biến những nông dân thành công nhân trên chính ruộng đồng của họ với lương tháng 2,5-3 triệu đồng/người.
Với kết quả này, mô hình liên kết “Hai nhà” Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm chất lượng cao Hải Hưng với nông dân xã Hiệp Cường (Kim Động, Hưng Yên) đã khẳng định mang lại hiệu quả kinh tế cao và mở một hướng phát triển trồng trọt tập trung quy mô lớn.
Cánh đồng Sủi của thôn Trà Lâm (xã Hiệp Cường) vốn là đồng màu chỉ quen với cây ngô và lạc. Nhiều năm qua đồng Sủi bị chia ra hàng trăm thửa cho các hộ dân canh tác. Ruộng của mỗi hộ nhỏ lẻ, manh mún và cây trồng cho hiệu quả kinh tế thấp khiến không ít hộ dân chẳng còn thiết tha với đồng ruộng. Việc phát triển trồng trọt theo hướng tập trung quy mô lớn nâng cao giá trị thu nhập trên 1ha đất canh tác vẫn là bài toán chưa có lời giải suốt nhiều năm qua. Bây giờ, đồng Sủi được Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm chất lượng cao Hải Hưng thuê 10 ha liền khu, liền thửa chuyên canh ớt, dưa bao tử và cà chua bi để chế biến xuất khẩu. Theo bờ kênh vào sâu trong đồng, chúng tôi thấy những tấm biển lớn ghi “Mô hình trình diễn trồng cà chua quả nhỏ theo VietGAP” hoặc “Mô hình trình diễn trồng dưa bao tử theo VietGAP” ở ngay đầu các khu ruộng theo dự án hỗ trợ của tổ chức Nông lương thế giới (FAO). Mặc nắng hè chói trang, từng nhóm công nhân vẫn nhanh tay thu hái ớt cuối vụ. Nghỉ tay làm việc, chị Đào Thị Dự (Trà Lâm) đon đả “khoe”: Tôi giờ là nông dân lại vừa là công nhân. Gia đình tôi cho công ty thuê 2,3 sào ruộng rồi công ty lại thuê tôi và những người có đất cho thuê trồng trọt, chăm sóc cây trồng của công ty trên chính đồng ruộng của mình. Thành ra tôi vẫn có ruộng, vẫn canh tác trên ruộng của mình nhưng lại đi làm ngày 8 tiếng và được hưởng lương tháng công ty trả 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Mô hình liên kết của công ty với nông dân chúng tôi thực sự mang lại nhiều lợi ích.
Tìm đến chủ nhân mô hình liên kết “Hai nhà” mới mẻ này, chúng tôi được anh Vũ Đình Duần, Giám đốc công ty cổ phần Chế biến thực phẩm chất lượng cao Hải Hưng cho biết: Công ty vốn là doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu. Thực tế những năm trước công ty nhiều lần không đáp ứng được đơn hàng của khách hàng nước ngoài bởi tình trạng tranh mua, tranh bán nông sản và năng lực của nông dân trong việc sản xuất, cung ứng nông sản nguyên liệu đầu vào cho công ty không ổn định. Bởi vậy với chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất tập trung ở Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, đầu năm 2011 công ty chọn xã Hiệp Cường để xây dựng mô hình điểm sản xuất nông sản tập trung theo hướng chuyên canh hóa, cơ giới hóa cao và quy mô lớn nhằm tạo nguồn nông sản ổn định bảo đảm các yêu cầu cao về số lượng, chất lượng cung ứng cho sản xuất chế biến của công ty. Thông qua sự giám sát của chính quyền xã, công ty ký hợp đồng thuê ruộng trực tiếp với 120 hộ nông dân trong phạm vi của mô hình liền khoảnh, liền khu rộng 10 ha ở cánh đồng Sủi. Tiền thuê đất hàng năm được trả 1 lần cho các hộ dân với mức tiền thuê 1 triệu đồng/sào/năm. Đồng thời công ty tổ chức những nông dân có đất cho thuê trồng các loại cây trồng phục vụ cho sản xuất chế biến của nhà máy trên khu ruộng của chính họ và trả lương cho họ hàng tháng. Theo đó, công ty liên kết với nông dân trồng ớt, cà chua, dưa bao tử theo kỹ thuật canh tác mới bảo đảm cho cây trồng sinh trưởng phát triển cho thu hoạch nông sản đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm khi sản xuất chế biến xuất khẩu. Sự phối hợp của công ty với nông dân trên mô hình tập trung có sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, đặc biệt là xã Hiệp Cường. Bên cạnh đó công ty kết hợp với các dự án của tổ chức Nông lương thế giới (FAO), Viện rau quả Trung ương chuyển giao những kỹ năng sản xuất ngoài đồng ruộng, kỹ năng xây dựng mô hình VietGap, kỹ năng gắn sản phẩm sản xuất với chế biến và tiêu thụ trong và ngoài nước.
Qua gần hai năm, mô hình liên kết giữa công ty với nông dân xã Hiệp Cường đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trên diện tích 10 ha, công ty tổ chức và hướng dẫn nông dân chuyên canh ớt chỉ thiên, chỉ địa; cà chua bi và dưa chuột bao tử theo những kỹ thuật và công nghệ tiên tiến như: cơ giới hóa 100% khâu làm đất kể cả lên luống; dùng các loại phân vi sinh của các viện nghiên cứu hoặc các dòng phân bón NPK phức hợp của các công ty danh tiếng của Đức, Pháp; sử dụng công nghệ giàn lưới thay cho giàn dóc trước đây để trồng dưa và công nghệ màng phủ để hạn chế cỏ dại. Công ty còn lên kế hoạch xây dựng hệ thống tưới tự động bằng nguồn nước ngầm qua xử lý. Những công nghệ này mang lại nhiều lợi ích làm giảm các chi phí về nhân lực, không làm cho đất bị chai sạn vì quá trình sản xuất chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, kiểm soát được tình trạng thừa nitơrat trong sản phẩm do tập quán của nông dân sử dụng đạm quá nhiều so với nhu cầu của cây trồng; kiểm soát được hồ sơ lý lịch của các nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, kiểm soát được tình trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản, tránh được các rủi ro về chất lượng hàng hóa khi chế biến xuất khẩu ra nước ngoài. Giống cây trồng được công ty lựa chọn ngay từ ban đầu theo yêu cầu của khách hàng ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hoặc theo các chương trình khảo nghiệm giống quốc gia. Những giống phù hợp với sản xuất chế biến và thị hiếu người tiêu dùng như: dưa lai F1 (Hà Lan); cà chua Thúy Hồng (Đài Loan); ớt lai 207… là những giống cây có tiềm năng năng suất cao, khả năng chống chọi sâu bệnh tốt. Điển hình là dưa bao tử giống lai F1 có sức phát triển mạnh, chống chụi sâu bệnh tốt, năng suất vượt trội cao hơn 10-15% so với các giống dưa thông thường hiện nay và chất lượng đang được người tiêu dùng ưa chuộng nhất. Ớt chỉ thiên 207 cho năng suất cao 20-25% so với các giống ớt thông thường khác, chống chịu sâu bệnh và phù hợp với các dạng chế biến khác nhau. Khả năng chống chịu sâu bệnh của các giống cây trồng này giúp công ty giảm đáng kể các chi phí bảo vệ thực vật, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhờ vậy, các loại cây trồng của công ty đều đạt năng suất cao. Điển hình như năng suất bình quân của ớt đạt 30 tấn/ha/năm. Chỉ tính riêng ớt với giá bán trung bình 18 nghìn đồng/kg (có thời điểm giá ớt 48 nghìn đồng/kg), công ty đã đạt doanh thu 540 triệu đồng/ha mỗi năm. Còn dưa bao tử trồng trong 6 tháng đạt năng suất 1-1,2 tạ/sào cho thu nhập khoảng 240-320 triệu đồng/ha. Song hiệu quả lớn hơn là với vùng nguyên liệu này, công ty chủ động và ổn định được giá cả, chất lượng và số lượng nguồn nông sản phục vụ chế biến xuất khẩu cho các đơn hàng của đối tác nước ngoài, đồng thời khắc phục phục triệt để tình trạng tranh mua tranh bán, nông dân phá hợp đồng tự bán cho nơi khác tạo ra cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại cho doanh nghiệp khi đã đầu tư bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, công ty đang xuất khẩu các sản phẩm đồ hộp, cấp đông sang Pháp. Sản phẩm của công ty có hồ sơ lý lịch rõ ràng và đầy đủ các chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật được kiểm soát qua cơ quan có thẩm quyền và đủ tư cách quốc tế tại Việt Nam nên được khách hàng tín nhiệm và ưa chuộng.
Với mô hình liên kết với nông dân ở xã Hiệp Cường, công ty thúc đẩy tích tụ đất tạo tiền đề cho sản xuất tập trung quy mô lớn từ đó nhân rộng ra những nông dân có khả năng về vốn, kinh nghiệm và kỹ năng, tổ chức sản xuất để dồn nhiều ruộng nhỏ của nông dân thành ruộng to có thể ứng dụng cơ giới hóa, chuyên canh hóa những loại cây trồng mà công ty đang có nhu cầu cho sản xuất chế biến. Theo đó công ty sẽ chuyển giao công nghệ, mô hình sản xuất tập trung cho các chủ trang trại có đủ khả năng với quy mô 2-2,5 ha/hộ và ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm tạo nên vùng nguyên liệu lên 300-500 ha. Khi đó sẽ hình thành mô hình liên kết “Doanh nghiệp-Nông dân” thực sự bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở hướng phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn.