|
Sản xuất mộc nội thất ở Hưng Yên. Ảnh: báo Hưng Yên |
Doanh nghiệp làng nghề (DNLN) hình thành và phát triển trong các làng nghề. Những năm qua, các làng nghề trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã khẳng định vai trò tích cực, quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập không nhỏ cho người dân.
Bởi vậy DNLN có bước phát triển tiến bộ trở thành nhân tố nòng cốt thúc đẩy nhiều làng nghề đổi mới và phát triển mạnh.
Hiện nay toàn tỉnh có 63 làng nghề sản xuất các loại sản phẩm khác nhau gồm: hàng thủ công mỹ nghệ (mây, tre đan; gốm sứ) -18 làng; chế biến, bảo quản nông, lâm, thuỷ sản - 20 làng; dệt may - 2 làng; mộc nội thất - 9 làng; sản xuất vật liệu xây dựng - 6 làng; tái chế các chất thải - 3 làng và ngành nghề khác - 5 làng. Các làng nghề tập trung nhiều ở huyện Văn Lâm 18 làng nghề, Mỹ Hào 11 làng nghề. Các huyện còn lại có từ 6-8 làng nghề mỗi huyện. Các làng nghề ước có hơn 10 nghìn cơ sở sản xuất TTCN và ngành nghề nông thôn, trong đó số lượng DNLN chiếm tỷ lệ 5-7%.
Những năm gần đây, các DNLN đã đi đầu trong việc nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường và năng động đổi mới phương thức sản xuất, nhất là đưa máy móc, phương tiện kỹ thuật vào sản xuất tại các làng nghề. Nhờ vậy nhiều làng nghề không chỉ “hồi sinh” mà còn phát triển mạnh như một số làng nghề: chạm bạc Huệ Lai, xã Phù Ủng (Ân Thi); tương Bần, thị trấn Bần Yên Nhân (Mỹ Hào); đúc đồng Lộng Thượng, xã Đại Đồng, tái chế nhựa Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh; dược liệu Nghĩa Trai, xã Tân Quang (Văn Lâm); mộc dân dụng, mỹ nghệ Thuỵ Lân, xã Thanh Long (Yên Mỹ)… Điển hình là các DNLN ở làng gốm sứ Xuân Quan đã tiên phong thay thế lò bầu đốt than bằng lò hộp nung gas, đồng thời chuyển từ sản xuất sản phẩm sứ phục vụ xây dựng sang gốm sứ mỹ nghệ phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Với hơn 20 doanh nghiệp và 1 HTX làm nòng cốt, làng nghề chạm bạc Huệ Lai (Ân Thi) đã phát triển năng động, sản phẩm có mẫu mã phong phú, phù hợp thị hiếu tạo được thương hiệu trên thị trường và được tiêu thụ 80% ở các tỉnh trong nam, ngoài bắc, Trung Quốc và Campuchia. Có thể khẳng định các DNLN đóng vai trò quan trọng tạo nên sự phát triển mới về chất, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng chủng loại, mẫu mã kiểu dáng sản phẩm cho các làng nghề. Các sản phẩm của DNLN trên địa bàn tỉnh khá đa dạng và đã có thị trường tại địa phương, trong nước và một phần xuất khẩu như: chế biến lương thực, thực phẩm; sửa chữa cơ khí, may da, thuộc da, chế biến gỗ, tái chế nhựa, đúc đồng, chì, nhôm; sản xuất kinh doanh vàng, bạc… Nhờ vậy DNLN đã góp phần quan trọng đưa tổng giá trị sản xuất của các làng nghề đã vượt qua mốc 1 nghìn tỷ đồng, đóng góp gần 20% vào tổng giá trị sản xuất TTCN và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình phát triển công nghiệp nông thôn, DNLN luôn có vai trò quan trọng, góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên tại địa phương, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho dân cư khu vực nông thôn, thu hút vốn nhàn rỗi để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
Tuy nhiên do hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với làng nghề, các DNLN cũng đang phải vượt qua những khó khăn, tồn tại chung ở các làng nghề để phát triển. Trước hết, DNLN chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ tuy có tốc độ phát triển nhanh song điểm xuất phát thấp nên chiếm tỷ lệ nhỏ trong các hình thức sản xuất, kinh doanh tại làng nghề. Hiện nay các làng nghề, DNLN phát triển còn khá manh mún, sức cạnh tranh yếu bởi hàm lượng chất xám trong sản phẩm hàng hóa chưa cao, tính cạnh tranh kém, phần nhiều đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại địa phương. Tồn tại lớn nhất là hầu hết DNLN có quy mô nhỏ, thiếu tiềm lực về tài chính, vốn đầu tư ban đầu và vốn lưu động ít. Thiếu vốn khiến cho nhiều cơ sở không thể mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất của DNLN còn khá khiêm tốn, sản xuất thủ công là chủ yếu, kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm đơn điệu, kém phong phú. Không chỉ vậy, nhiều sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu, từ đó dẫn đến tính cạnh tranh của sản phẩm không cao. Ngoài ra, trình độ quản lý của các DNLN còn nhiều hạn chế, quen làm ăn kiểu nhỏ lẻ, phổ biến và hộ gia đình. Việc liên kết sản xuất chưa được quan tâm, lao động qua đào tạo rất ít, chưa quen tác phong công nghiệp, chậm thích ứng với thị trường... khiến nhiều DNLN giảm sút về quy mô và năng lực sản xuất, hoạt động sản xuất cầm chừng... Hạn chế kể đến là nhận thức về tầm quan trọng của kênh phân phối sản phẩm chưa cao, chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu. Tiếp cận thông tin thị trường cũng hạn chế, nhiều cơ sở quyết định sản xuất kinh doanh theo kinh nghiệm và cảm tính nên hiệu quả chưa cao. Đặc biệt là trình độ chuyên môn, kỹ thuật của lao động DNLN thấp hơn nhiều so với lao động ở các doanh nghiệp công nghiệp.
Thực hiện Thông tư số 113/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, nguồn vốn hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh trong đó DNLN cũng được hưởng lợi là hơn 717 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân vốn đầu tư 21% trong giai đoạn 2006-2010. Nguồn vốn hỗ trợ tập trung vào các hoạt động san lấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, dạy nghề, nâng cao tay nghề, hỗ trợ sản xuất. Tỉnh đã phê duyệt, công bố quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2025, trong đó chuyển đổi 9 khu-cụm công nghiệp làng nghề đã có quyết định thành lập thành tên gọi chung là cụm công nghiệp. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, tỉnh phát triển xây dựng mới 17 cụm công nghiệp và mở rộng 5 cụm công nghiệp với tổng diện tích tăng thêm 784,3 ha, dự kiến lấp đầy 60-65% diện tích trong các cụm công nghiệp. Việc hình thành và phát triển các cụm công nghiệp đã đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất, từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường cho làng nghề và DNLN. Theo chỉ đạo của tỉnh, Sở Nông nghiệp-PTNT đã xây dựng Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Hưng Yên đến năm 2015, định hướng 2020. Đây là cơ sở quan trọng góp phần đưa các làng nghề nói chung và DNLN nói riêng trên địa bàn tỉnh phát triển toàn diện, bền vững nhất là giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.