|
Nuôi thủy sản ở Phù Cừ. Ảnh: báo Hưng Yên |
Những năm gần đây, nhờ tận dụng được diện tích mặt nước, mở rộng ao, đầm, nông dân huyện Phù Cừ đã đẩy mạnh nuôi thủy sản hướng hàng hóa quy mô ngày càng lớn hơn với các hình thức nuôi trồng phong phú, đa dạng. Nuôi thủy sản không những đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững mà còn mở ra một hướng phát triển kinh tế nông nghiệp đầy triển vọng cho nông dân trong huyện.
Làm việc với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chúng tôi được biết, toàn huyện Phù Cừ hiện có trên 800 ha mặt nước đang được khai thác sử dụng để nuôi trồng thủy sản. Trong đó nổi bật có một số địa phương như các xã: Quang Hưng, Phan Sào Nam… với hàng nghìn mô hình nuôi thủy sản tập trung và kết hợp, quy mô lớn nhỏ khác nhau. Theo tổng hợp của huyện, mỗi năm người chăn nuôi thu hoạch được từ 500- 600 nghìn tấn thủy sản các loại, đem lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng.
Vốn là một địa phương có địa hình tương đối trũng, nhiều thùng vũng, ao hồ, đầm phá… nên việc nuôi trồng thủy sản đã trở thành nghề gắn bó với nông dân trong huyện từ nhiều năm nay. Song, từ những mô hình nhỏ, không được đầu tư bài bản, cho lãi thấp, thì đến nay trong huyện ngày càng xuất hiện những mô hình lớn hơn, mang tính tập trung, nuôi thủy sản thương phẩm nhằm thu lãi cao và ổn định. Đây mới chính hướng phát triển hiệu quả cho ngành nuôi trồng thủy sản của huyện. Ông Nguyễn Xuân Thu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Cừ cho biết: “Nuôi thủy sản nước ngọt có nhiều cái lợi cho nông dân. Trước tiên là tận dụng mặt nước sẵn có, hoặc đào ao, tạo đầm cũng tương đối dễ dàng và chi phí không cao. Thủy sản vốn ít mắc dịch bệnh hơn so với gia súc, gia cầm, thời gian thu hoạch cũng tương đối ngắn và có thể tiến hành quanh năm, tùy thuộc vào điều kiện chăn nuôi. Đặc biệt, thị trường thủy sản tương đối ổn định về giá cả, sức tiêu thụ”. Việc tiêu thụ thủy sản trên địa bàn lại thuận lợi do có nguồn hàng từ nhiều năm, các thương lái thường xuyên về tận ao thu mua, nhu cầu tiêu thụ lớn. Trong huyện có một số địa phương nuôi thủy sản khá thành công, với các mô hình thâm canh cho sản lượng và giá trị kinh tế cao như nuôi cá trắm thương phẩm, cá rô đồng, cá rô phi đơn tính, nuôi kết hợp nhiều loại cá trong cùng ao… Đặc biệt là các mô hình nuôi thủy sản kết hợp: nuôi gia súc- gia cầm kết hợp thả cá, hoặc mô hình V.A.C… vừa tận dụng được nguồn thức ăn, vừa có thể “lấy ngắn nuôi dài” phù hợp với điều kiện người chăn nuôi ít vốn.
Chúng tôi tới thăm một số mô hình nuôi thủy sản của các hộ nông dân trong huyện, trong đó, những hộ nuôi tập trung, thâm canh thủy sản thường là các hộ nằm trong khu dân cư, tận dụng được ao, đầm, hồ của gia đình hoặc thuê thầu của địa phương. Còn tại các trang trại, gia trại hầu hết bắt gặp hình thức nuôi thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm khác để giảm bớt chi phí, tăng hiệu quả chăn nuôi.
Ông Quang, nông dân xã Phan Sào Nam cho biết, gia đình ông có trên 1 mẫu ao thả cá, trước đây khu vực chỉ là một vùng trũng, được địa phương cho phép chuyển đổi ông và gia đình nghĩ ngay tới việc nuôi cá. Mô hình nuôi thủy sản của gia đình ông kết hợp với nuôi vịt, nuôi lợn nên ông chọn một số loại cá phù hợp như cá rô phi, cá chép. Ngoài việc chăm sóc, nuôi trồng thông thường, các loại thức ăn thừa, phụ phẩm từ nuôi gia súc, gia cầm được tận dụng nuôi cá. Theo ông tính toán, với sự kết hợp này giảm được tới 30% chi phí thức ăn cho cá, bởi gia cầm khi ăn thường bỏ lại cám bột, lượng này hàng ngày khá nhiều, tận dụng bột cám đó trộn với rau, cỏ khác cho cá ăn rất tốt. Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều loại thức ăn chăn nuôi, với nuôi cá, ông lựa chọn loại thức ăn nuổi, lâu tan để việc sử dụng, tiêu tốn thức ăn một cách hiệu quả nhất. Mỗi năm gia đình ông đều thu được từ 5- 6 tấn cá thịt thương phẩm, cùng với các nguồn thu chăn nuôi khác mấy năm nay doanh thu của trang trại đều ổn định đạt hàng tỷ đồng.
Xã Phan Sào Nam có tới gần 100 hộ tham gia nuôi thủy sản, chủ yếu là các loại cá thịt như: rô, chép, trôi, mè, trắm… Một số hộ khác còn sản xuất cá giống để bán cho người nuôi trong vùng. Với gần 30 ha mặt nước nuôi thủy sản, trong xã xuất hiện những mô hình thâm canh cá quy mô lớn, ít cũng một vài sào ao, nhiều lên tới hàng mẫu. Việc nuôi trồng được hàng trăm tấn cá thương phẩm mỗi năm đã giúp nhiêu hộ nông dân từng bước cải thiện đời sống kinh tế, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Những năm gần đây, hoạt động khuyến ngư trên địa bàn huyện cũng được quan tâm về nhiều mặt. Trong đó ngoài việc triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến ngư của tỉnh, hàng năm nông dân trong huyện còn được chuyển giao kỹ thuật thâm canh cá nước ngọt, các phương pháp mới trong xử lý môi trường nước, lựa chọn thức ăn chăn nuôi, lựa chọn loại cá phù hợp với điều kiện chăm sóc và thị hiếu người tiêu dùng… Tiềm năng về nuôi thủy sản thâm canh, hướng hàng hóa ở Phù Cừ là rất lớn bởi điều kiện tự nhiên, địa hình thuận lợi, mặt khác lại có nguồn tiêu thụ ổn định nhiều năm, người dân yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Hiện nay, người nuôi thủy sản trên địa bàn rất mong muốn phát triển nuôi thủy sản hàng hóa với quy mô lớn hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn, họ cần được tạo điều kiện tốt về chính sách vay vốn, có nguồn cá giống chất lượng và nhất là nắm bắt đầy đủ các biện pháp khoa học kỹ thuật để có thể chủ động trong phát triển chăn nuôi, làm giàu hiệu quả trên chính quê hương mình.