|
Ảnh minh họa (Nguồn: báo Hưng Yên) |
Là một trong những huyện được giao nhiệm vụ thu trên địa bàn lớn song đến hết tháng 9 huyện Yên Mỹ tỉnh Hưng Yên mới tổ chức thu ngân sách được trên 58,1 tỷ đồng, đạt 39% dự toán năm, bằng 31% so với cùng kỳ năm 2011.
Khó khăn lớn nhất của huyện là không thể hoàn thành nhiệm vụ thu tiền sử dụng đất năm nay, dự kiến khả năng thu được trên 9,2 tỷ đồng từ nguồn thu bán đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Minh Châu, đạt 26% dự toán HĐND tỉnh giao, 15% dự toán HĐND huyện giao. Tuy là huyện duy nhất trong số các huyện trọng điểm về số thu ngoài quốc doanh đã thực hiện thu trên 80% dự toán cả năm nhưng công tác thu thuế trên địa bàn huyện trong 3 tháng cuối năm nay vẫn đặc biệt khó khăn. Ông Khúc Văn Đô, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Yên Mỹ cho biết: “Toàn huyện ước hụt thu khoảng 65 tỷ đồng so với dự toán được giao đầu năm, trong đó hụt thu tiền sử dụng đất trên 50 tỷ đồng, hụt thu ngoài quốc doanh khoảng 6 tỷ đồng, lệ phí trước bạ khoảng 6 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân khoảng 1 tỷ đồng…”.
Cũng là địa bàn trọng điểm về giao thu ngân sách trên địa bàn, đến nay huyện Mỹ Hào mới tổ chức thu ngân sách được trên 76 tỷ đồng, đạt 77% dự toán HĐND tỉnh giao, 54% dự toán HĐND huyện giao. Trong đó tổng số thuế ngoài quốc doanh thu được 13,3 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất được trên 14,2 tỷ đồng, đều đạt trên 48% dự toán… Từ đầu năm đến nay, huyện Mỹ Hào đã tổ chức đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thu ngân sách trên địa bàn đạt kết quả cao nhất, nhất là Chi cục thuế huyện quản lý chặt chẽ các nguồn thu phát sinh trên địa bàn, phối hợp với các địa phương phát hiện, quản lý sớm các nguồn thu vãng lai, thậm chí trên địa bàn huyện không có hoạt động khai thác tài nguyên nhưng cơ quan thuế cũng tổ chức thu được thuế tài nguyên tại nơi tiêu thụ trên địa bàn huyện với số thu khá cao, tập trung tuyên truyền người dân lấy “sổ đỏ” để được hưởng các quyền lợi đồng thời tạo thuận lợi cho triển khai thực hiện Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tăng nguồn thu cho ngân sách… Dù vậy, theo lãnh đạo Chi cục thuế huyện Mỹ Hào thì sự nỗ lực đó vẫn không đủ bù đắp cho phần hụt thu do thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ về miễn, giảm, gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất…, do hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ cá thể sụt giảm, do nhiều tổ chức, cá nhân tạm ngừng, nghỉ kinh doanh… Trong số 346 doanh nghiệp và trên 600 hộ thuộc diện Chi cục thuế Mỹ Hào quản lý thuế, từ đầu năm đến nay có trên 45 đơn vị tạm ngừng, nghỉ sản xuất, kinh doanh, phần đông các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh kém hơn năm trước. Biểu hiện cụ thể nhất là bình quân mức thu thuế ngoài quốc doanh năm 2011 huyện thu 2 – 2,5 tỷ đồng/tháng, nhưng từ đầu năm 2012 đến nay tháng cao thì thu được 1 tỷ đồng, có tháng chưa đến 0,6 tỷ đồng.
Theo tổng hợp của Cục Thuế tỉnh, 9 tháng qua toàn tỉnh thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 2.100 tỷ đồng, đạt 56,4% dự toán, bằng 87,7% so với cùng kỳ năm 2011. Loại trừ thu tiền sử dụng đất thì tổng thu ước đạt 1.989 tỷ đồng, đạt 63,6% dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2011. Trong số các chỉ tiêu thu, khó khăn nhất vẫn là thu tiền sử dụng đất và thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Đã qua ¾ chặng đường năm tài chính 2012 nhưng thu tiền sử dụng đất ước đạt 18,5% dự toán, thu ngoài quốc doanh ước đạt 54% dự toán. Mới đây Chính phủ tiếp tục có chủ trương cho gia hạn thêm thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng quý II.2012 của một bộ phận doanh nghiệp sang năm 2013 mới phải nộp sẽ càng thêm phần khó khăn đối với công tác thu ngân sách năm nay.
Trước thực trạng thu ngân sách trên địa bàn khó đạt được dự toán thu đầu năm, ông Nguyễn Đình Thăng, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Yên Mỹ cho biết: Trên cơ sở số tiền thuế bị hụt thu như báo cáo của Chi cục thuế, Phòng Tài chính – Kế hoạch tham mưu UBND huyện tổng hợp báo cáo tỉnh để có hướng giải quyết. Trường hợp ngân sách cấp trên không cân đối nguồn để cấp bù cho huyện được, chúng tôi sẽ tham mưu với UBND huyện giảm chi, trước hết là cắt, giảm chi đầu tư phát triển, sau đó giảm dự phòng, hạn chế tối đa các nội dung chi không đúng nội dung, chi dự phòng sang mục đích khác. Năm tài chính 2012 chỉ còn 3 tháng là thời gian quá ngắn để có thể rà soát, tiết kiệm chi ngân sách năm 2012. Hơn nữa mức hụt thu quá lớn, nếu chỉ tập trung tiết kiệm chi của quý IV là điều khó thực hiện. Chúng tôi tham mưu với UBND huyện yêu cầu các đơn vị dự toán giảm, tiết kiệm chi hoạt động, chi thường xuyên năm 2013 để lấy nguồn bù đắp sự thiếu hụt này, thậm chí giữ lại nguồn tiết kiệm ngay từ khi giao dự toán chi cho các đơn vị dự toán. Đây cũng là phương cách chủ yếu mà các huyện, thành phố khác trong tỉnh dự kiến sẽ thực hiện nếu nguồn thu không bảo đảm cho nhiệm vụ chi đã giao từ đầu năm nay.
Ông Lê Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Tài chính cho hay: “Theo quy định của Luật Ngân sách, nếu hụt thu của huyện, thành phố do chi cục thuế huyện, thành phố thu thì giảm chi tương ứng. Nếu hụt thu của huyện từ phần điều tiết do Cục Thuế thu thì ngân sách tỉnh cấp bù. Điều kiện để được ngân sách tỉnh cấp bù khoản hụt thu là tổng thu điều tiết cho huyện phải nhỏ hơn tổng số thu điều tiết trong dự toán đầu năm. Các đơn vị rà soát, sắp xếp và phân loại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên và thực hiện chi trong phạm vi nguồn thu được hưởng theo phân cấp và dự toán được giao, đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi tiêu đã quy định, không được giảm chi các khoản chi cho con người, chi hoạt động chung của đơn vị, hạn chế tối đa việc đề nghị bổ sung ngoài dự toán, trừ trường hợp cấp bách”.
Trong điều kiện thu ngân sách như hiện nay, đầu tháng 9 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 22/CT – TTg về việc điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước những tháng cuối năm 2012. Thực hiện Chỉ thị này, các cơ quan trong hệ thống tài chính tỉnh Hưng Yên đang tập trung, nỗ lực cao nhất cho công tác thu, phấn đấu thực hiện với kết quả cao nhất để đáp ứng nhiệm vụ chi ngân sách đã đề ra. Các giải pháp trọng tâm nhất ngành thuế đang tiếp tục tập trung thực hiện là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế. Phương châm thanh tra, kiểm tra những tháng cuối năm tập trung vào những đơn vị qua phân tích, đánh giá ban đầu có phát sinh số thu nộp vào ngân sách nhà nước, không chạy theo kế hoạch về số cuộc thanh tra, kiểm tra. Đôn đốc thu hồi nợ được thực hiện ráo riết hơn, phối hợp với các ngân hàng tiến hành cưỡng chế thu hồi nợ thuế khi tài khoản của người nộp thuế tại ngân hàng có số dư để trích chuyển… Song hành với công tác thu, thiết nghĩ các đơn vị sử dụng ngân sách cần nghiêm túc thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên; rà soát, sắp xếp lại, cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, chi phí lễ hội, khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước... Cơ quan Tài chính và Kho bạc Nhà nước các cấp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi ngân sách nhà nước, bảo đảm chi ngân sách đúng chế độ; tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia… nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển, tạo tiền đề cho thu ngân sách được thuận lợi hơn.