Hưng Yên: Mùa con ong làm mật

Thứ tư, 25/04/2012 15:18

 

Anh Tạ Quốc Bình đang chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong. 
Ảnh: báo Hưng Yên
 

Cứ vào dịp tháng 3 âm lịch hàng năm, khi hoa nhãn nở, hương hoa lan tỏa cũng là lúc các khu vườn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên rộn ràng vào mùa con ong đi lấy mật.

Những chú ong nâu mang đôi cánh nhỏ vo ve bay từ chùm hoa này đến chùm hoa khác cần mẫn hút nhụy, mang cho đời những dòng mật thơm ngon. Khắp các khu vườn trồng nhãn dọc triền đê sông Hồng đều chật kín các thùng ong sơn xanh, vàng… Ngày thường ở những vùng chuyên trồng nhãn này hiếm thấy những chú ong mật, nhưng vào mùa hoa nhãn các hộ nuôi ong trong vùng mới đưa ong về và cả một số hộ nuôi ong ở những nơi khác cũng đưa ong về đây để lấy mật nhãn.

Theo những người nuôi ong cho biết, mật ong hoa nhãn bao giờ cũng thơm ngon hơn mật của những hoa khác, bởi vậy tranh thủ mùa hoa nhãn những chú ong được đưa về đây làm việc hết công suất để sản xuất mật. Theo thống kê của Hội làm vườn và nuôi ong tỉnh Hưng Yên, hiện toàn tỉnh có khoảng 10.000 đàn ong của gần 200 hội viên. Ông Đoàn Thế Tuấn, Phó chủ tịch thường trực Hội làm vườn và nuôi ong tỉnh cho biết: “Từ nhiều năm nay, nghề nuôi ong lấy mật đã giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế hiệu quả. Mỗi năm sản lượng mật ong đạt trên 100 tấn, với giá bán dao động từ 70 – 120 nghìn đồng, doanh thu từ nghề đạt vài tỷ đồng. Vài năm trở lại đây, chất lượng sản phẩm mật ong hoa nhãn Hưng Yên ngày càng được đánh giá cao, sản phẩm không chỉ được bán ở thị trường trong tỉnh mà còn ra cả tỉnh ngoài, thậm chí được xuất khẩu. Đây là một tín hiệu vui cho người nuôi ong ở Hưng Yên”.

Theo chân ông Tuấn, đến thăm gia đình anh Tạ Quốc Bình (thôn An Chiểu 2, xã Liên Phương, thành phố Hưng Yên), một trong những hộ nuôi ong lâu năm và có quy mô đàn tương đối lớn. Dưới bóng nhãn xanh mướt, sai trĩu hoa, anh Bình đang cẩn thận kiểm tra từng thùng ong. Mỗi thùng ong là một đàn, có từ 7 – 10 cầu ong, được đặt ở chỗ có bóng mát, cửa tổ của thùng quay về hướng nam để tránh ánh nắng, tránh gió. Thùng thường được đặt cách mặt đất khoảng 30cm. Vào những ngày nắng ráo, chỉ cần từ 3 – 4 ngày có thể quay được mật. Mỗi thùng ong thông thường quay được từ 7 – 10 kg mật/1 vụ. Anh Bình chia sẻ: “Nghề nuôi ong tốn ít chi phí nhưng đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ, chủ yếu là tận dụng lao động trong gia đình. Những lúc quay mật cần nhiều lao động thì các thợ nuôi ong chủ động “đổi công” để hỗ trợ lẫn nhau. Hàng năm, vào mùa hoa nhãn tôi và đàn ong của mình có mặt ở Hưng Yên trong vòng khoảng một tháng. Sau đó, tôi di chuyển đàn ong đi lấy mật ở các tỉnh Hòa Bình, Quảng Ninh… Khâu di chuyển đàn là vất vả nhất, phải thuê thêm nhiều nhân công để khuân vác và bốc dỡ thùng ong. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu được từ 7 – 8 tấn mật ong từ các loại hoa, trừ mọi chi phí cũng thu được trên 100 triệu đồng/năm”.

Ở Hưng Yên, nghề nuôi ong lấy mật đã có từ lâu. Bà con nông dân thường tận dụng các nguồn hoa vốn có ở địa phương như hoa nhãn, hoa đay, hoa táo... để nuôi vài chục đàn phục vụ nhu cầu gia đình. Trước đây, hết mùa mật nhãn, thợ ong lại bắt tay vào thu hoạch mật đay, mật táo... Những năm gần đây, do diện tích trồng đay, trồng táo đang giảm nghiêm trọng, người nuôi ong đã mất đi nguồn mật dồi dào để nuôi dưỡng đàn ong. Vì vậy, để duy trì và nuôi dưỡng đàn ong, người nuôi ong phải cho ong ăn đường, do đó đã làm tăng giá thành đầu vào và ảnh hưởng đến chất lượng mật. Do đó, sau khi hết mùa hoa nhãn, một số hộ có số lượng đàn lớn thường chuyển đàn đến những vùng có nguồn hoa dồi dào như hoa keo (Hòa Bình), hoa bạch đàn (Vĩnh Phúc, Thái Nguyên), hoa cao su (Đồng Nai)… Việc chuyển đàn tuy có vất vả, tốn kém nhưng sẽ giảm chi phí cho ong ăn thêm đường. Đây chính là nguyên nhân khiến những hộ nuôi ong nhỏ lẻ phải bỏ nghề. Tuy nhiên, không vì thế mà số lượng đàn ong trên địa bàn tỉnh giảm đi, nhiều hộ đã nhân rộng đàn ong với số lượng vài trăm đàn, nuôi theo hình thức “du canh du cư”, chuyển đàn đến những vùng có nguồn mật hoa theo mùa vụ.

Phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên) trước đây có số người nuôi ong tương đối lớn. Ông Bùi Văn Bình, Chủ tịch UBND phường cho biết: “Vào những năm 2000, cả phường có hơn 20 hộ nuôi ong với quy mô trên 100 đàn/1 hộ. Đến nay, số hộ nuôi ong giảm xuống còn gần chục hộ vì do lượng mật hoa (hoa đay, hoa táo...) giảm sút gây ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của đàn ong. Tuy nhiên, những hộ có thâm niên nuôi ong lâu năm vẫn gắn bó với nghề, mở rộng quy mô đàn ong vì sản phẩm mật ong hoa nhãn của Hưng Yên đã có “tiếng” trên thị trường nên đầu ra ổn định, lợi nhuận cao hơn so với nhiều nghề khác.”

Hiện nay, bà con đã dần chuyển từ nuôi giống ong ta (ong ruồi) sang nuôi giống ong Ý có sản lượng mật cao hơn. Bác Bùi Văn Đức (thôn Cao Xá, phường Lam Sơn), người có thâm niên trong nghề nuôi ong hơn 30 năm chia sẻ: “Duyên số đã đưa tôi đến với nghề nuôi ong hơn 30 năm nay. Hiện nay, đa phần bà con mình nuôi giống ong Ý. Mật ong ta và mật ong Ý mỗi loại có một ưu điểm riêng, giá cả cũng khác nhau. Hiện giá mật ong ta khoảng 100 – 120 nghìn đồng/1kg, còn mật ong Ý chỉ khoảng 70 – 80 nghìn đồng/1kg. Tuy nhiên, dân mình vẫn chuộng mật ong ta hơn còn mật ong Ý chủ yếu được xuất khẩu... Hiện các hộ nuôi ong thì vẫn nuôi đan xen cả giống ong ta và giống ong Ý”. Những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường các sản phẩm của con ong đều được ưa chuộng như: sữa ong chúa, phấn hoa... điều này đã nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi ong.

Với lợi thế là một tỉnh có diện tích trồng nhãn tương đối lớn, đầu ra sản phẩm thuận lợi, tỉnh Hưng Yên có nhiều tiềm năng để mở rộng các mô hình nuôi ong lấy mật, khai thác hiệu quả nguồn hoa nhãn dồi dào. Tuy nhiên sản phẩm mật ong hoa nhãn vẫn chủ yếu được tiêu thụ theo hướng tự phát, người nuôi ong tự tìm thị trường tiêu thụ, vì vậy người nuôi ong vẫn luôn mong muốn xây dựng được thương hiệu để sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tránh tình trạng "được mùa rớt giá"

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực