Hưng Yên: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Thứ sáu, 04/01/2013 16:27

 

 Ảnh minh họa (Nguồn: báo Hưng Yên)

Năm 2012 ngành Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT)  tỉnh Hưng Yên đã đạt được nhiều thành tựu, hứa hẹn cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong những năm sau.

Từ việc ngành tham mưu các cấp ủy, chính quyền đúng - trúng - kịp thời đến việc triển khai thực hiện đồng bộ, kiên quyết, kết hợp hài hòa giữa "nội lực" và "ngoại lực", GD - ĐT đã thể hiện tốt vai trò "nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài".

Cầm tờ báo Hưng Yên còn thơm mùi mực in, cô giáo Phạm Thị Thoa, Trường mầm non xã An Viên (Tiên Lữ) xúc động cho biết: Tôi đọc báo Hưng Yên được biết kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh khóa XV thông qua nghị quyết về chuyển đổi trường mầm non bán công sang công lập mà vui mừng khôn xiết. Đây là điều mà cả bậc học mầm non, với hơn 3 nghìn giáo viên trong tỉnh mong chờ từ nhiều năm nay. Nghị quyết này tác động lớn đến hoạt động của bậc học mầm non - bậc học đầu đời của mỗi người- đến đời sống của gần 3 nghìn giáo viên - từ chỗ lao động hợp đồng được tuyển dụng vào biên chế nhà nước. Tin rằng, nghị quyết của HĐND tỉnh mang lại niềm vui không chỉ cho những người quan tâm đến giáo dục mầm non mà còn cho cả những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Ông Nguyễn Văn Hướng, nhà giáo hưu trí xã Ngọc Long (Yên Mỹ) cho rằng: "Đây là quyết định có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của tỉnh với chất lượng giáo dục, thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá bậc học mầm non bình đẳng như các bậc học khác".

Nghị quyết của kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh khóa XV về chuyển đổi trường mầm non bán công sang công lập là một minh chứng rõ nét về sự quan tâm của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi của tỉnh với hoạt động giáo dục đào tạo. Mặt khác, qua đó cũng thể hiện sự nỗ lực của ngành GD- ĐT nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Có thể nói, thời gian qua, điểm nổi bật là ngành đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền cho sự phát triển phong trào GD - ĐT, kết hợp hài hòa giữa nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn, quan tâm bình đẳng đến các bậc học. Ngành đã chủ động trong việc xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch và được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh thông qua, phê duyệt. Điển hình là Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo Hưng Yên giai đoạn 2011-2015, một số định hướng đến năm 2020; Đề án xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015 đã được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 1068/QĐ-UBND ngày 30.6.2011; Đề án chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang công lập. Đây là sự quan tâm, định hướng quan trọng để ngành có "ngoại lực" thúc đẩy các hoạt động trong sự nghiệp "trồng người". Nhờ đó, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân quan tâm hơn đến giáo dục, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục cũng được đầu tư tốt hơn.

Đồng chí Nguyễn Văn Tám, Giám đốc sở GD - ĐT cho biết: "Giáo dục là biểu hiện của văn hóa. Phát triển giáo dục cần mang tính bền vững và toàn diện, toàn diện ở Đức - Trí - Thể - Mỹ, toàn diện ở các bậc học. Vì thế, toàn ngành xác định phát triển giáo dục là cả quá trình bền bỉ, tranh thủ sự định hướng, quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận của toàn xã hội". Với sự phấn đấu không mệt mỏi, ngành GD - ĐT tỉnh ta đã đạt nhiều thành tựu đáng phấn khởi. Tỉnh ta hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, hoàn thành phổ cập giáo dục THCS. Đặc biệt Hưng Yên là 1 trong 9 tỉnh của toàn quốc đăng ký hoàn thành phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi trong năm 2012. Đến nay, 10/10 huyện, thành phố được UBND tỉnh công nhận hoàn thành phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi và có hồ sơ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo về kiểm tra và công nhận Hưng Yên là tỉnh hoàn thành phổ cập GDMN trẻ em 5 tuổi năm 2012.

Để tạo điều kiện tốt cho hoạt động giáo dục - đào tạo, công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, tăng cường cơ sở vật chất các trường học. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tiến độ chuẩn hóa và hiện đại cơ sở vật chất trường học được đẩy nhanh. Nhiều trường học được đầu tư xây dựng khang trang, vững chãi, đẹp về cảnh quan sư phạm, thuận lợi cho hoạt động giảng dạy, học tập. Từ bậc học mầm non đến bậc THPT những dãy phòng học kiên cố dần thay thế những phòng học cũ nát, sập xệ. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố cao tầng ở bậc mầm non đạt trên 60%, bậc học phổ thông đạt trên 85%. Ở Trường THPT Ân Thi, tất cả 35 phòng học được xây dựng kiên cố cao tầng, có 6 phòng học chức năng, với cảnh quan sư phạm xanh - sạch - đẹp, thuận lợi cho các hoạt động dạy và học. Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng trường trên 23 tỷ đồng theo hình thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Thầy giáo Nguyễn Đức Thắng, Hiệu trưởng Trường THPT Ân Thi không giấu được phấn khởi: "Cơ sở vật chất khang trang khiến tinh thần giáo viên và học sinh phấn khởi, yêu trường, yêu lớp hơn. Phòng học đầy đủ, trang thiết bị dạy học đầy đủ là điều kiện quan trọng để nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục". Đi đôi với đầu tư cơ sở vật chất, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm, toàn tỉnh có 141 trường đạt chuẩn quốc gia. 100% các nhà trường hưởng ứng tham gia phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Theo đó công trình vệ sinh đạt yêu cầu và thường xuyên sạch sẽ, sân trường trồng cây xanh. Đồng thời 100% các công trình, di tích lịch sử, văn hoá đã được xếp hạng, các nghĩa trang liệt sĩ ở địa phương đều được các trường phổ thông nhận chăm sóc và phát huy giá trị. Phong trào văn hóa văn nghệ ở các trường học được đẩy mạnh, tạo không khí vui tươi sau những giờ học chính khóa. Hoạt động thể dục, thể thao được duy trì thường xuyên, qua đó nâng cao thể lực cho học sinh và phát hiện nhiều tài năng cho thể thao nước nhà. Hội khỏe Phù Đổng năm 2012, tỉnh ta đoạt 5 huy chương các loại.

Ngay từ đầu năm học, toàn ngành đã phát động phong trào thi đua dạy tốt - học tốt gắn với chủ đề của năm học là: "Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục". Hàng loạt biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục được toàn ngành triển khai. Đội ngũ giáo viên được tạo điều kiện để đi học đạt chuẩn và nâng chuẩn trình độ đào tạo. Đến nay, 100% giáo viên ở các bậc học từ mầm non đến THPT đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn ở bậc mầm non là 47,8%, bậc tiểu học là 72,5%, bậc THCS là 41,84%, bậc THPT là 11,53%. Đồng thời, toàn ngành tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Qua đó, chất lượng giáo dục cả đại trà và mũi nhọn có chuyển biến tích cực. Ở bậc tiểu học, học sinh hoàn thành chương trình đạt 99,7%; 10/10 huyện, thành phố đạt  phổ cập GDTH đúng độ tuổi năm 2011, UBND tỉnh đã gửi hồ sơ đề nghị Bộ GD - ĐT công nhận Hưng Yên đạt chuẩn phổ cập GDTH đúng độ tuổi năm 2011. Ở bậc THCS, học sinh đạt học lực loại giỏi 12,8%, loại khá 39,9%. Ở bậc THPT, học sinh đạt loại giỏi 5,5%, khá 49,5%. Năm học 2011- 2012, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt  99,86%. Tỉnh ta có 59 học sinh tham gia đội tuyển thi chọn học sinh giỏi quốc gia của tỉnh, 43 học sinh đoạt giải (đạt tỉ lệ 72,9%), trong đó có 3 giải nhì, 25 giải ba và 15 giải khuyến khích. Đặc biệt trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2012 Hưng Yên có 4 học sinh đạt điểm thủ khoa đó là các em: Phạm Văn Đích, học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo, đạt 28 điểm, thủ khoa Học viện Kỹ thuật quân sự; Doãn Trung San, Trường THPT Phù Cừ, đạt 29 điểm, thủ khoa Đại học Dược Hà Nội; Đoàn Thị Minh Thùy, Trường THPT Chuyên Hưng Yên, đạt 27,5 điểm, thủ khoa Đại học Lâm nghiệp; Tường Thị Ánh, đạt 26 điểm, thủ khoa Đại học Luật Hà Nội.

Ghi nhận những kết quả đạt được, ngành GD - ĐT tỉnh Hưng yên được Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo tặng Cờ thi đua đơn vị tiêu biểu xuất sắc năm học 2011- 2012. Hy vọng rằng, kết quả này là động lực để toàn ngành tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển đúng hướng theo định hướng của BCH Đảng bộ tỉnh, của Bộ GD - ĐT trong những năm học tiếp theo.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực