Hưng Yên: Nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác xã

Thứ sáu, 22/06/2012 14:07

Thời gian qua, hầu hết các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong số đó vẫn có những HTX đã biết vượt khó vươn lên hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều xã viên tham gia, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động của địa phương.

Hiện nay toàn tỉnh có 312 HTX, trong đó có 179 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 1 HTX thương mại, 7 HTX vận tải, 64 quỹ tín dụng nhân dân, còn lại là các HTX hoạt động trong các lĩnh vực như công nghiệp - TTCN, xây dựng. Để hoạt động đạt kết quả, ngoài việc thực hiện tốt các mục tiêu sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường, việc tuân thủ nguyên tắc được các HTX thực hiện theo đúng quy định. Các HTX mạnh là những mô hình HTX đã đổi mới về tổ chức và quản lý, hoạt động theo quy định của Luật HTX; xã viên gia nhập HTX được xác định rõ và bảo đảm nguyên tắc tự nguyện. Vốn góp của xã viên cũng có những thay đổi phù hợp với đặc thù của từng HTX, không còn tính hình thức, thay vào đó xã viên tham gia HTX nhất thiết phải góp vốn. Bộ máy điều hành và quản lý của HTX được tổ chức lại theo hướng gọn nhẹ; chức năng nhiệm vụ của ban quản trị, ban kiểm soát được xác định rõ ràng, cụ thể hơn. Chủ nhiệm HTX được giao quyền chủ động trong điều hành công việc và chịu trách nhiệm về những quyết định đó. Quan hệ giữa xã viên với HTX đã chuyển hẳn từ sự lệ thuộc như trước đây sang quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau thông qua các hoạt động dịch vụ và tư vấn. Việc phân phối trong các HTX được thực hiện theo nguyên tắc của Luật HTX, phân phối theo lao động, vốn góp, qua đó chất lượng dịch vụ tốt hơn và thuận tiện, HTX có phần tích luỹ chung.

HTX nấm của cựu chiến binh xã Long Hưng (Văn Giang), tiền thân là cơ sở sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu của cựu chiến binh xã Long Hưng, được thành lập từ năm 2001. Những ngày đầu hoạt động khó khăn, sản phẩm không tiêu thụ được, cơ sở có lúc như đứng bên bờ vực giải thể. Bằng những nỗ lực của các cựu chiến binh, đặc biệt sau khi được chuyển đổi thành lập HTX, hoạt động sản xuất, doanh thu hàng năm tăng dần, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho xã viên và người lao động. HTX được đánh giá là một trong những điển hình kinh tế tập thể, vươn lêm trong cơ chế mới bằng chính nội lực của mình. Theo tính toán của ban quản trị HTX, trung bình một năm sản xuất và tiêu thụ trên 1,5 tấn nấm linh chi, hơn 360 tấn nấm sò, sau khi trừ chi phí một năm HTX có lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Do có “đầu ra” ổn định và thị trường tiêu thụ rộng lớn, khả năng sản xuất không đáp ứng nhu cầu, do vậy HTX tổ chức ký hợp đồng với các hộ trong xã và các địa phương trong và ngoài tỉnh nuôi trồng nấm, sau đó HTX tổ chức thu mua sản phẩm. Hiện nay, HTX nấm của cựu chiến binh xã Long Hưng (Văn Giang) có 15 xã viên trực tiếp tham gia sản xuất và tạo việc làm thời vụ cho 17 lao động, thu nhập bình quân gần 2 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù tổng diện tích cho hoạt động giao dịch, xây dựng nhà xưởng nuôi trồng nấm, chế biến, bảo quản chỉ với hơn 2.400 m2, nếu chỉ sản xuất tại chỗ khó có thể bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho các hợp đồng, song HTX đã mạnh dạn xây dựng “chân rết” tại các hộ, giải pháp đó vừa bảo đảm số lượng sản phẩm, đồng thời tận dụng được thời gian, mặt bằng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động nông thôn. Việc thu mua sản phẩm của nông dân và cung cấp sản phẩm cho các bạn hàng được thực hiện đúng thời gian, bảo đảm chất lượng, đặc biệt giá thành được giữ ổn định theo chu kỳ từng năm, không có biến động về giá trong thời gian hợp đồng. Phó Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Sáng tâm sự: Để thu mua sản phẩm của nông dân và bán sản phẩm theo đơn hàng được ổn định, có lợi cho các bên cung cấp và thu mua, HTX xây dựng khung giá cố định theo từng năm trong hợp đồng, do vậy trong thời gian này giá thu mua không thay đổi.

Để có được thành công, các HTX đã tích cực mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu phục vụ sản xuất kinh doanh của xã viên; chủ động lồng ghép quá trình phát triển dịch vụ với việc chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, cơ cấu cây trồng vật nuôi và mùa vụ; hướng dẫn xã viên và hộ nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Điển hình như HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Tân (Phù Cừ). Tuy còn có những khó khăn nhất định, song HTX đã mạnh dạn mở rộng các khâu dịch vụ cho các hộ xã viên và hộ nông dân như giống cây con, cung ứng vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, nông cụ sản xuất. Cùng với đó, HTX mở thêm các ngành nghề thủ công như sản xuất mây tre đan, chế biến long nhãn, vải sấy, hạt sen. Đặc biệt, do một số diện tích cấy lúa năng suất thấp, HTX đã vận động xã viên chuyển đổi sang trồng hoa cho thu nhập gần 100 triệu đồng/ha/năm. Trong gieo trồng cây vụ đông, diện tích trồng cây vụ đông của các xã viên chiếm 75% diện tích của toàn xã; gieo trồng các loại cây có giá trị, năng suất cao như cải sa-lát, dưa chuột xuất khẩu, bí xanh, đậu đỗ và các loại rau có giá trị kinh tế cao. Nhờ sự năng động, cùng với việc chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX đạt hiệu quả khá.

Từ những kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX kinh doanh mạnh cho thấy để có được thành công, các HTX đã xác định được phương hướng sản xuất kinh doanh phù hợp với khả năng hiện có và nhu cầu của thị trường, xây dựng mô hình tổ chức của HTX gọn nhẹ, mạnh dạn áp dụng phương pháp quản lý mới vào sản xuất kinh doanh; chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong hoạt động kinh tế tập thể. Ngoài ra, các HTX đã lựa chọn đội ngũ cán bộ có đủ năng lực chuyên môn, nhiệt tình, tâm huyết hoạt động trong lĩnh vực HTX, được đại đa số xã viên tín nhiệm; công tác chăm lo, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ được thực hiện thường xuyên; công tác kiểm tra, kiểm soát trong nội bộ HTX được thực hiện có hiệu quả, do đó, phát huy quyền làm chủ của xã viên.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong các HTX, đồng thời nhân rộng mô hình HTX sản xuất kinh doanh mạnh trước hết phải có HTX thực sự do xã viên góp vốn, từ đó gắn với trách nhiệm của mỗi xã viên với HTX; tích cực mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, đơn vị chuyên môn cần triển khai khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động của các HTX trong các ngành, lĩnh vực, từ đó xác định rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan của những yếu kém, tìm các giải pháp khắc phục khó khăn để vươn lên. Tiếp tục củng cố, đổi mới các HTX hoạt động có hiệu quả, đối với các HTX yếu tập trung hỗ trợ để HTX tự đổi mới về tổ chức và quản lý nhằm duy trì sự tồn tại của HTX. Xây dựng thí điểm các mô hình HTX, liên hiệp HTX theo hướng HTX sản xuất kinh doanh tổng hợp, đa ngành và HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ chuyên ngành, đa dạng về quy mô, hình thức và phương thức hoạt động. Bên cạnh đó, các HTX dịch vụ nông nghiệp cần chủ động đổi mới tổ chức quản lý, phương thức hoạt động kinh doanh và dịch vụ, đặc biệt chú trọng phát triển kinh doanh dịch vụ tổng hợp, quan tâm dịch vụ thu mua, chế biến, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho xã viên và nông dân, tìm kiếm ngành nghề mới và mở rộng ngành nghề cũ, thích ứng kịp thời việc thực hiện các chủ trương, chính sách mới. Các HTX phi nông nghiệp phát triển theo hướng đa dạng hoá các sản phẩm và dịch vụ, chú trọng đổi mới mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm và phương thức hoạt động dịch vụ phù hợp với nhu cầu thị trường; quan tâm đến hình thức bao bì đóng gói sản phẩm; tăng cường đầu tư tiếp thị, quảng bá sản phẩm, xây dựng và đăng ký bảo vệ thương hiệu, mở rộng liên doanh, liên kết; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ quản lý; tăng cường đào tạo nghề cho người lao động trong các HTX, có chính sách tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, khuyến khích và tạo điều kiện mở rộng việc dạy nghề, truyền nghề. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực