Năm 2008, UBND tỉnh Hưng Yên có chủ trương hạn chế chuyển đổi đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh. Và sau đó là các qui định chặt chẽ của Chính phủ, của tỉnh về điều kiện để được chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích khác. Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển đổi tự phát, tràn lan gây lãng phí diện tích đất trồng lúa.
Bởi nếu chuyển đổi từ đất trồng lúa sang các mục đích khác thì việc cải tạo, phục hồi để có thể đáp ứng điều kiện trở lại là đất trồng lúa cực kỳ khó khăn và gần như là không thể. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn rất nhiều diện tích đất trồng lúa bị chuyển đổi tự phát tại một số địa phương, nhiều ruộng lúa đã được biến thành vườn cây, thậm chí thành đất ở của không ít hộ gia đình.
Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu, từ năm 2010 đến nay toàn huyện có thêm khoảng 20 ha đất nông nghiệp chuyển đổi tự phát sang trồng cây ăn quả, mô hình trang trại, gia trại. Về Khoái Châu những ngày này dễ dàng nhận thấy 2 bên đường qua địa bàn thị trấn Khoái Châu và các xã Dân Tiến, An Vỹ, Phùng Hưng… đã xanh màu cây ăn quả, trong đó chủ yếu là chuối, nhãn. Trong khi đó cũng vào thời điểm này năm trước đây vẫn còn là những ruộng lúa mơn mởn. Hầu hết các diện tích ven đường giao thông đã được đào đắp tạo thành mô hình dưới ao nuôi cá và trên bờ trồng cây ăn quả. Tìm hiểu sự việc chúng tôi được biết, phần lớn các hộ dân ở đây thực hiện chuyển đổi không phải do nhu cầu mà vì một lý do khác là “đón lõng” chủ trương phát triển công nghiệp, chờ đền bù với giá cao hơn. Theo tính toán sơ bộ thì để chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao thả cá, trồng cây ăn quả như thế này mất khoảng 20 triệu đồng/sào. Thêm vào đó là chi phí về cây con giống, chi phí chăm sóc… Thế nhưng hình như không một nông dân nào quan tâm tới khoản kinh phí hàng chục triệu đồng kia mà cái họ ngóng chờ là số tiền mà họ sẽ được nhận đền bù hoa màu khi có doanh nghiệp vào xin thuê đất. Chị Thoa, một nông dân xã Dân Tiến, Khoái Châu cho biết: “Bây giờ chúng tôi bỏ ra một ít tiền đầu tư sau này doanh nghiệp vào chúng tôi được đền bù gấp nhiều lần chứ nếu cứ để đất trồng lúa thì tiền đền bù chả được đáng là bao". Không chỉ riêng nhà chị Thoa mà nhiều người khác trong thôn, trong xã nhà chị Thoa cũng ở vào hoàn cảnh tương tự. Không quan tâm tới hiệu quả sản xuất nên việc đầu tư của nông dân cũng rất nửa vời. Đây là nguyên nhân dẫn tới giảm hiệu quả sản xuất và nó tác động ngay tới đời sống người nông dân.
Ngoài vi phạm về việc chuyển đổi tự phát, tại nhiều địa phương tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất ruộng, biến ruộng thành vườn cũng đang trở thành vấn đề nóng bỏng, bức xúc. Bà Bì Thị Huệ, trưởng phòng tài nguyên và môi trường huyện Phù Cừ cho biết: “Từ cuối năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện đã phát hiện trên 40 trường hợp vi phạm về đất đai gồm: chuyển đổi cây trồng tự phát, quây ruộng làm trang trại, làm ao nuôi thủy sản, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Chính quyền các xã, thị trấn trong huyện đã tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân tự giác chấp hành, tháo dỡ công trình vi phạm. Đồng thời áp dụng các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn. Tuy nhiên, thường cứ vào mùa khô tình trạng vi phạm như thế này lại có xu hướng tái diễn ”.
Thực trạng như ở Khoái Châu hay Phù Cừ cũng là tình trạng chung tại nhiều địa phương khác trong tỉnh. Hàng năm, các địa phương đều phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, tái vi phạm. Điều này cho thấy sự hiểu biết, ý thức trách nhiệm của người dân còn hạn chế. Ngoài ra, nó cũng cho thấy các chính sách về đất đai, trong đó đặc biệt là chính sách về đền bù khi thu hồi đất khi thực thi tại cơ sở còn nhiều bất cập, dễ tạo điều kiện cho người dân vụ lợi.
Chủ trương dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là chủ trương đúng, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập kinh tế. Khi phát triển lên kinh tế thị trường thì trong sản xuất nông nghiệp cũng cần phải chuyển từ hình thức tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Do vậy việc dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cấy trồng chính là nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng các vùng chuyên canh trong sản xuất nông nghiệp. Như vậy vừa giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất vừa góp phần tăng năng suất, chất lượng và giá trị của cây trồng. Qua thực tế thực hiện đã cho thấy những kết quả tích cực. Những diện tích canh tác kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang các mô hình sản xuất khác hiệu quả hơn như mô hình nuôi thả thủy sản, mô hình trang trại, vườn trại, VAC… Giá trị sản xuất nông nghiệp cũng nhờ thế mà không ngừng tăng lên, đời sống người nông dân được cải thiện, nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì việc chuyển đổi tự phát, không theo qui hoạch, kế hoạch đang tạo nên những hệ lụy ảnh hưởng có tính chất lâu dài đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, một bộ phận không ít người đang lợi dụng chủ trương, phong trào này để trục lợi cá nhân, nhập nhèm biến ruộng thành vườn.