Hưng Yên: Nông dân nhiều địa phương không mặn mà với sản xuất vụ đông
Thứ sáu, 30/11/2012 16:50 (GMT+7)
|
Cánh đồng tam thiên mẫu ở xã Vân Du (Ân Thi) trơ gốc "đợi" vụ lúa đông xuân. Ảnh: báo Hưng Yên |
Lâu nay, sản xuất vụ đông được nông dân tỉnh Hưng Yên coi là một mùa vàng để nâng cao hiệu quả canh tác trên một đơn vị diện tích. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, ở nhiều địa phương “tấc đất tấc vàng” đã bị bỏ không hoang phí.
Thế chỗ những cánh đồng xanh mướt ngô, khoai, dưa chuột… là những cánh đồng bớt sự mặn mà với việc trồng cây vụ đông.
“Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” cộng thêm điều kiện thổ nhưỡng và thủy lợi thuận lợi, cánh đồng xã Tiên Tiến (Phù Cừ) có ưu thế để trồng cây vụ đông. Thế nhưng, khoảng 5 năm trở lại đây, những cánh đồng màu mỡ đó đã bị bỏ không lãng phí. Vài mẫu khoai lang, mấy chục mẫu bí xanh, bí đỏ… chẳng đủ sức để phủ xanh cánh đồng mênh mông. Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp xã cho biết: “Thời cánh đồng thôn Hoàng Các, Hoàng Xá… ngô, khoai, dưa chuột bạt ngàn có lẽ nay chỉ tìm lại được trong ký ức. Diện tích đất canh tác của toàn xã có trên 260 ha, chỉ tiêu trồng cây vụ đông huyện giao cho xã là 30 – 40% nhưng rất khó đạt được. Bên cạnh những hỗ trợ từ tỉnh, xã và các ngành, đoàn thể đã đề ra nhiều giải pháp để “vực lại” diện tích nhưng xem ra chỉ như “muối bỏ bể”. Tính đến thời điểm này toàn xã mới gieo trồng được khoảng 10 ha cây vụ đông (trên 10% kế hoạch được giao), một con số quá khiêm tốn.”
Từ nhiều năm nay, cây vụ đông đã trở thành cây thế mạnh trên đồng ruộng Ân Thi. Tận dụng diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, màu mỡ, lực lượng lao động dồi dào… huyện đã xây dựng một số vùng sản xuất tập trung các loại cây có hiệu quả kinh tế cao như ngô, bí, rau màu các loại… để thuận tiện trong chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển sản phẩm. Ông Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Khai thác các ưu thế về điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác… huyện luôn đẩy mạnh việc tuyên truyền và hỗ trợ sản xuất vụ đông. Vụ đông này, huyện trồng được trên 1700 ha cây vụ đông gồm ngô nếp, khoai tây, bí, rau màu các loại, đạt trên 80% kế hoạch. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng những năm gần đây phong trào trồng cây vụ đông ở nhiều xã đã “nguội” nhiều, thậm chí có xã hầu như “trắng” cây vụ đông. Diện tích cây vụ đông khó mở rộng vì khâu bao tiêu sản phẩm vẫn là tự phát, khó tránh khỏi tình trạng “được mùa rớt giá”. Cùng với đó còn nhiều nguyên nhân khác như thiếu lao động, hệ thống thủy lợi chưa bảo đảm …”
Theo kế hoạch của huyện, vụ đông này, xã Vân Du (Ân Thi) gieo trồng khoảng 200 ha cây vụ đông nhưng đến thời điểm này, xã mới trồng được khoảng 50 ha (đạt 40% kế hoạch) chủ yếu là khoai tây, ngô, bí các loại… Ông Phạm Tất Thanh, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Vân Du có lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, thủy lợi để trồng cây vụ đông. Vụ đông được coi là vụ sản xuất thứ 3 trong năm giúp bà con trong xã tăng thu nhập. Khoảng 5 năm về trước, khi lúa hè thu chưa thu hoạch xong người dân trong xã đã tất bật chuẩn bị giống, phân bón… để xuống đồng trồng cây vụ đông. Đến nay, không khí nhộn nhịp, hối hả sản xuất cho kịp thời vụ đã dần chìm lắng. Nguyên nhân chính là do thiếu hụt nguồn lao động. Trồng rau màu vụ đông đã không đủ “sức hút” với lực lượng lao động ở địa phương vì hiệu quả kinh tế thấp lại vất vả. Hiện toàn xã có khoảng 2.500 người trong độ tuổi lao động thì có đến 2/3 số đó đi lao động xa hoặc làm công nhân trong công ty… với mức thu nhập ổn định 3 – 4 triệu đồng/tháng. Những người ngoài độ tuổi lao động bám trụ lại địa phương “tiếc đất” nhưng “lực bất tòng tâm”. Nhanh tay vun xới những luống ngô tươi tốt, bác Phạm Thị Lan (thôn Du Mỹ, xã Vân Du) chia sẻ: “Nhìn cánh đồng bỏ không tôi thấy “hoài của” lắm nhưng sức người có hạn kham sao nổi. Gia đình tôi có 4 lao động, những năm trước gia đình tôi trồng gần 5 sào ngô nếp nhưng năm nay lao động chính trong nhà đều đi làm ăn xa, bỏ ruộng không thì phí nên tôi chỉ dám trồng nửa diện tích đó”
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh gieo trồng được hơn 13,8 nghìn ha cây rau màu vụ đông, đạt khoảng 95,7% kế hoạch, trong đó cây ngô hơn 4,4 nghìn ha, đậu tương hơn 1,3 nghìn ha, bí 1,8 nghìn ha... Để tiếp sức cho nhà nông tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trong những năm qua, UBND tỉnh đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ người nông dân phát triển sản xuất. Mức hỗ trợ của tỉnh tăng từng năm. Vụ đông năm 2010, tỉnh hỗ trợ khoảng 3,8 tỷ đồng về giống và tổ chức các lớp tập huấn; năm 2011 nâng lên 5,7 tỷ đồng. Vụ đông 2012 – 2013, tỉnh hỗ trợ ước khoảng 9,5 tỷ đồng. Mức hỗ trợ ngày càng tăng nhưng người nông dân vẫn không mặn mà với sản xuất vụ đông. Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó trưởng phòng trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Trong những năm qua, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp làm “đòn bẩy” để động viên, khuyến khích các hộ nông dân tích cực tham gia sản xuất cây vụ đông. Đặc biệt là quan tâm hỗ trợ về giống và mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây vụ đông và các hội nghị đầu bờ, hội thảo chuyên đề về gieo trồng cây vụ đông nhằm tuyên truyền, nhân rộng các mô hình gieo trồng cây vụ đông có hiệu quả kinh tế cao. Nguyên nhân dẫn đến việc người nông dân không còn mặn mà với sản xuất vụ đông chủ yếu là do nguồn lao động phục vụ sản xuất nông nghiệp đang cạn dần. Rất nhiều người chuyển đổi nghề vào làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn hoặc làm các công việc khác. Trong khi đó, vụ đông đòi hỏi cần nhiều nhân công phục vụ các khâu làm đất, trồng, chăm bón, thu hoạch, vận chuyển, thậm chí cả tiêu thụ sản phẩm…
Thực tế cho thấy, địa phương nào vận dụng linh hoạt, bám sát nhu cầu và xu hướng thị trường thì việc trồng cây vụ đông sẽ mang lại hiệu quả cao và ngược lại… Để diện tích cây vụ đông phát triển mạnh, tương xứng với tiềm năng và đem lại hiệu quả kinh tế, các địa phương cần xác định rõ từng vùng chuyên canh cây vụ đông, từ đó tập trung trồng những giống cây thế mạnh để tăng năng suất, chất lượng; kết hợp tìm đầu ra bền vững cho nông sản …