Với phương châm "Quy hoạch phải đi trước một bước", xã Lạc Hồng (Văn Lâm, Hưng Yên) sớm có chủ trương quy hoạch, cải tạo lại hệ thống giao thông nông thôn một cách đồng bộ. Vì vậy, hệ thống giao thông nông thôn của xã đã đáp ứng tốt nhu cầu phát triển KT – XH của địa phương và trong việc xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Ông Đỗ Văn Mạn nguyên là cán bộ xã Lạc Hồng cho biết, từ những năm 1968, Đảng uỷ xã đã có chủ trương quy hoạch, cải tạo hệ thống giao thông nông thôn nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển KT – XH của địa phương, tạo cảnh quan mới cho nông thôn của xã. Vào thời điểm đó, toàn xã có 659 hộ, sinh sống ở 7 thôn. Các thôn cách nhau bằng những cánh đồng, đường giao thông thôn xóm nhỏ bé, ngoằn ngoèo. Được sự đồng ý của cấp trên, xã thành lập một đoàn cán bộ gồm đại diện cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể của địa phương về xã Quốc Trị (Tiên Lữ) tham quan các mô hình làm đường giao thông, thuỷ lợi. Từ những kinh nghiệm tìm hiểu được từ xã Quốc Trị, đoàn đã về triển khai sâu rộng trong toàn xã. Để việc cải tạo hệ thống giao thông nông thôn đạt kết quả cao, xã nhờ đoàn cán bộ địa chất dùng máy để khảo sát và quy hoạch lại từng thôn, xóm. Theo đó, các xóm được quy hoạch theo ô vuông bàn cờ, mỗi ô có 4 hộ dân, mỗi hộ có diện tích đất ở bình quân là 528 m2, tiếp giáp với 2 mặt đường. Về đường giao thông, xã quy hoạch 2 tuyến đường liên thôn, mỗi tuyến rộng 9 m đi qua tất cả 7 thôn trong xã; đường trục các thôn rộng 7 m và đường xóm rộng 5 m. Để việc quy hoạch và phát triển hệ thống giao thông nông thôn đạt kết quả cao, đáp ứng nhu cầu giao lưu kinh tế, văn hoá của nhân dân địa phương, xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về ý nghĩa của việc cải tạo hệ thống giao thông. Trong quá trình quy hoạch hệ thống giao thông, những gia đình nào nằm trong phạm vi phải di chuyển, xã đều làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và thuyết phục. Vì vậy, việc mở rộng, chỉnh trang hệ thống giao thông nông thôn trong xã có nhiều chuyển biến tích cực, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Để phục vụ cho việc quy hoạch, cải tạo lại hệ thống giao thông, xã bố trí một số khu tái định cư bảo đảm cho nhân dân đến sinh sống thuận lợi. Toàn xã đã dành 46 mẫu đất canh tác phục vụ cho việc giãn dân, làm đường giao thông nông thôn và xây dựng một số công trình phúc lợi phục vụ dân sinh như nhà văn hoá thôn, chợ nông thôn, khu vui chơi giải trí… Trong quá trình thực hiện, xã huy động lực lượng lao động tại địa phương hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình trong diện di chuyển và đóng góp ngày công trong việc mở rộng đường làng, ngõ xóm.
Sau 4 năm triển khai thực hiện, đến năm 1972, công tác quy hoạch lại hệ thống giao thông nông thôn của xã cơ bản được hoàn thành. Nhìn vào tổng thể, nông thôn của xã được quy hoạch theo hướng văn minh, tạo sự liên hoàn giữa các thôn; các tuyến đường giao thông được làm thẳng, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển KT – XH của địa phương. Qua thời gian, cùng với phát triển kinh tế, xã huy động các nguồn lực để từng bước “cứng hoá” hệ thống giao thông, xây dựng hệ thống thoát nước và làm vỉa hè. Đến năm 1995, phong trào “cứng hoá” đường giao thông nông thôn được các thôn ở Lạc Hồng đẩy mạnh. Ngoài sự hỗ trợ của cấp trên, nhân dân địa phương tích cực góp công, góp sức để làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, hầu hết các tuyến đường giao thông của xã được đổ bê tông; trong đó nhiều tuyến được xây dựng hệ thống thoát nước và lát vỉa hè. Riêng thôn Phạm Thái sớm làm hệ thống thoát nước, nhiều hộ dân còn dành đất của gia đình để mở rộng thêm đường làng, ngõ xóm. Nhờ đường giao thông được quy hoạch và mở rộng nên các loại xe cơ giới đều đi lại thuận tiện, vào được tận nhà các hộ dân.
Chủ tịch UBND xã Lạc Hồng Đỗ Xuân Hiền cho biết: Thực hiện kế hoạch của cấp trên, hiện nay xã đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, xã đang lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới, sau đó xây dựng đề án và cụ thể hoá bằng các dự án để tổ chức thực hiện. Việc quy hoạch và phát triển hệ thống giao thông nông thôn được xã thực hiện từ sớm là điều kiện hết sức thuận lợi cho xã trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới hiện nay.