Hưng Yên: Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh gas

Thứ sáu, 25/05/2012 17:03
Trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng gas và các thiết bị gia đình liên quan đến gas của người dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên ngày càng có xu hướng tăng cao, sản phẩm cung ứng trên thị trường cũng rất đa dạng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Bá, trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết, hiện nay toàn tỉnh
khoảng 68 doanh nghiệp, cơ sở lớn, nhỏ thuộc các thành phần kinh tế được cấp giấy phép hoạt động sang, chiết, nạp, kinh doanh gas, tập trung chủ yếu ở các thành phố, thị trấn và khu vực đông dân cư. Trong đó, có 3 doanh nghiệp chuyên thực hiện sang, chiết, nạp gas còn lại 65 doanh nghiệp, cơ sở, đại lý kinh doanh, bán lẻ gas.

 

Cơ quan chức năng kiểm tra các cửa hàng, đại lý kinh doanh gas tại thành phố Hưng. 
Ảnh: báo Hưng Yên
 


Chi nhánh Công ty TNHH Trần Hồng Quân đóng trên địa bàn huyện Mỹ Hào là một trong những doanh nghiệp đầu mối uy tín chuyên thực hiện sang, chiết nạp và cung ứng sản phẩm Hồng Hà gas không chỉ cho địa bàn tỉnh mà còn phủ khắp toàn bộ khu vực miền Bắc. Đây cũng là một trong số ít các doanh nghiệp khu vực miền Bắc tự sản xuất vỏ bình cho sản phẩm gas cung ứng của mình. Anh Nguyễn Tuấn Đạt, Phó Giám đốc phụ trách sản xuất Chi nhánh cho biết: Trung bình mỗi tháng sản lượng gas của công ty cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn gas. Để bảo đảm an toàn trong sản xuất, từ nhiều năm nay công ty đã đầu tư hàng tỷ đồng để lắp đặt hệ thống van đóng mở tự động khẩn cấp và hệ thống phát hiện rò rỉ trong quá trình sang, chiết nạp gas. Tất cả các loại vỏ bình từ dung lượng 12 kg phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt gia đình đến những bình gas công nghiệp khi thu hồi đều được công ty tự kiểm định trước khi chiết nạp và xuất xưởng lần tiếp theo với quy trình thử nghiêm ngặt như: với bình 12kg được thử khả năng áp suất 34kg/cm3, kiểm tra độ rò rỉ, thử nổ áp suất 100kg/cm3...

Tuy nhiên, cùng với sự lớn mạnh của thị trường và bên cạnh những doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh làm ăn chân chính thì môi trường kinh doanh gas hiện đang tồn tại nhiều bất cập. Công tác quản lý tình trạng sang chiết, nạp và kinh doanh gas đang gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng sang chiết nạp trái phép gas diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các cơ sở gas tư nhân với các phương tiện dụng cụ thô sơ, không bảo đảm an toàn, có nguy cơ cháy nổ cao gây thiệt hại cho người tiêu dùng và trở thành nỗi lo chung của toàn xã hội. Hiện tượng chiếm dụng vỏ bình gas cũng đang được báo động. Hiện nay, các cơ sở sang, chiết lậu gas của tư nhân thường mua lại vỏ bình trôi nổi trên thị trư­ờng, không rõ nguồn gốc hoặc chiếm dụng vỏ bình của các doanh nghiệp gas có uy tín mang về cắt quai xách, sơn hoặc mài chữ và logo nhằm đánh lừa khách hàng, kiếm lời bất chính. Các cửa hàng, đại lý kinh doanh gas không tuân theo đúng các quy định về kinh doanh như: không có biển quảng cáo, không có cửa thoát hiểm, bán chung với các hàng hóa khác, không đủ các dụng cụ cứu hỏa cần thiết. Phương tiện vận chuyển gas chủ yếu là xe ô tô tec phần lớn đã qua sử dụng, nhập khẩu từ nước ngoài được tu sửa, nâng cấp để vận chuyển gas, không bảo đảm an toàn theo quy định. Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ vận chuyển gas không mua bảo hiểm hàng hóa và thân thể. Thêm vào đó, nhận thức của người tiêu dùng đối với việc sử dụng gas và quyền lợi của mình chưa cao nên đã gặp phải những tổn hại không đáng có.

Hệ quả của các bất cập trên là quyền lợi người tiêu dùng bị xâm hại trong khi hiểm họa cháy, nổ vẫn đang có nguy cơ xảy ra bất kỳ lúc nào. Các doanh nghiệp gas chân chính bị mất uy tín do thường xuyên bị mất cắp vỏ bình và bị giả nhãn mác. Quyền lợi chính đáng của ngư­ời tiêu dùng bị xâm hại do gas không đủ khối l­ượng, không bảo đảm mức độ an toàn cần thiết và không đư­ợc bảo hiểm khi xảy ra rủi ro. Môi trường đầu tư­ bị ảnh hưởng nghiêm trọng còn Nhà n­ước cũng bị thất thu ngân sách. Hơn thế nữa, các vụ vi phạm thương hiệu, cung cấp gas không đủ số lượng và chất lượng diễn ra phổ biến trên thị trường đã làm mất lòng tin ở người tiêu dùng và xã hội. Theo anh Bá hiện nay trên thị trường nội tỉnh số lượng cửa hàng, đại lý kinh doanh, bán lẻ gas thực tế lớn hơn nhiều so với con số quản lý của Sở Công thương, bởi có nhiều cửa hàng không được cấp giấy phép kinh doanh do không đủ điều kiện kinh doanh nhưng vẫn cố tình kinh doanh, bán lẻ. Nhiều cửa hàng kinh doanh gas không đủ chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ theo Nghị định 107/2009 nhưng vẫn hoạt động kinh doanh. Tình trạng này thường xảy ra ở các cửa hàng nhỏ lẻ tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc trong các cửa hàng tạp hóa bày bán bình gas mini chung với nhiều mặt hàng tạp hóa khác.

Thực tế, gần đây trong cả nước hàng chục vụ nổ khí gas đã xảy ra gây thiệt hại lớn về người và của mà nguyên nhân chủ yếu là do sang chiết lậu gas và sử dụng thiết bị gas không bảo đảm an toàn. Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó chi cục trưởng, Chi cục quản lý thị trường tỉnh cho biết: Thời gian qua Chi cục quản lý thị trường (QLTT) đã triển khai kế hoạch yêu cầu lực lượng QLTT đẩy mạnh kiểm tra về đo lường, chất lượng đối với mặt hàng gas và xăng dầu. Theo đó, lực lượng QLTT kết hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra tất cả các cửa hàng, doanh nghiệp buôn bán mặt hàng này. Trong quá trình kiểm tra, QLTT yêu cầu chủ cửa hàng xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; Phòng chống cháy nổ… nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt theo đúng quy định. Về phía người tiêu dùng, khi mua gas cần lựa chọn những thương hiệu nổi tiếng và mua tại những đại lý lớn, cửa hàng kinh doanh có uy tín để tránh mua phải gas nhái, gas giả, gas kém chất lượng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực