Hưng Yên: Trăn trở về sân chơi cho trẻ em

Thứ tư, 27/06/2012 14:11

Xác định được tầm quan trọng trong việc giáo dục thể chất cũng như tạo không gian lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện, những năm qua, vấn đề quy hoạch sân chơi, điểm vui chơi công cộng cho trẻ em ở các địa phương luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, ở một số địa phương vẫn còn thiếu điểm vui chơi cho trẻ em.

*Dành đất cho công nghiệp nhưng vẫn có sân chơi

Mới bắt đầu kỳ nghỉ hè nhưng hoạt động vui chơi của các em học sinh trên địa bàn huyện Văn Lâm đã diễn ra sôi nổi. Tùy theo lứa tuổi, sở thích và năng khiếu của từng em mà các em sẽ được tham gia các hoạt động thể dục thể thao hay văn hóa, văn nghệ. Hiện tất cả 11/11 xã, thị trấn của huyện Văn Lâm đều có khu vui chơi cho trẻ em. Hàng năm, Huyện đoàn đều tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi mang ý nghĩa giáo dục cao cho các em thiếu nhi như: giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao, bóng đá, thi nghi thức Đội, thi kể chuyện... tạo ra sân chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Trong dịp hè này, Huyện đoàn Văn Lâm đã phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn bơi cho hơn 100 em học sinh, thiếu niên trong huyện. Bên cạnh đó huyện còn mở được nhiều lớp học các môn năng khiếu như: Karatedo, Pencatsilat, Aerobic... thu hút đông đảo các em thiếu nhi đến tham gia.

 

           Không có sân chơi, nhiều trẻ em ở nông thôn phải chơi trên cả xe công nông. 


Xã Tân Quang là một trong những địa phương làm tốt công tác xây dựng sân chơi trẻ em. Đến nay, 8/8 thôn trên địa bàn xã đều có điểm vui chơi, sân vận động cho các em thiếu nhi, bình quân mỗi một điểm vui chơi có diện tích 0,3ha. Bên cạnh chương trình sinh hoạt hè hàng năm, xã còn phối hợp với các trung tâm võ thuật, thể dục thể thao mở các lớp dạy võ, cầu lông, Aerobic… cho các em thiếu nhi, đây vừa là sân chơi lành mạnh vừa là nơi để các em có cơ hội phát huy năng khiếu của mình. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Hữu Nam, Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện Văn Lâm cho biết: "Nhiều năm trở lại đây, huyện Văn Lâm chú trọng phát triển công nghiệp nên quỹ đất rất hạn chế. Tuy nhiên, khu vui chơi cho trẻ em vẫn là một trong những hạng mục quan trọng được các cấp, các ngành của huyện quan tâm. Năm 2011, tổng diện tích quy hoạch sân chơi trên địa bàn huyện là trên 225 nghìn m2. Bên cạnh đó, huyện cũng đã cố gắng xây dựng, tổ chức nhiều hoạt động trong dịp hè để thu hút các em tham gia luyện tập".

Cùng với Văn Lâm, Mỹ Hào cũng là địa phương làm tốt công tác xây dựng khu vui chơi cho trẻ em. Đến nay, 13/13 xã, thị trấn ở huyện Mỹ Hào đều có sân vận động phục vụ cho việc vui chơi, giải trí của các em thiếu nhi. Ngoài chương trình hoạt động hè do Huyện đoàn phát động đến từng cơ sở thì tại nhà văn hóa, các em còn được tham gia nhiều lớp học hát, học múa, học võ hay tham gia các trò chơi dân gian mang tính giáo dục. Những năm qua, bằng hình thức xã hội hóa, huyện còn xây dựng được 2 bể bơi hiện đại và 1 khu tập luyện thể dục thể thao đa năng ở thị trấn Bần Yên Nhân và xã Minh Đức thu hút đông đảo các em thanh thiếu nhi đến tham gia trong mỗi dịp hè. 

*Quỹ đất rộng nhưng khó khăn trong quy hoạch

Trong khi nhiều huyện phát triển công nghiệp nhưng vẫn dành quỹ đất để xây dựng các khu vui chơi cho trẻ em thì ở nhiều địa phương khác như Ân Thi, một huyện thuần nông có quỹ đất tương đối rộng lại rơi vào tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ em. Toàn huyện có 21 xã, thị trấn với trên 14.000 thanh thiếu nhi với 145 khu dân cư, trong đó có 110 thôn được phê duyệt quy hoạch khu vui chơi cho trẻ em nhưng mới chỉ có 61 điểm được san lấp xong mặt bằng. Khu vui chơi tập trung thì thiếu, chương trình sinh hoạt hè thì chưa hấp dẫn nên đa số các em học sinh thường tham gia các trò chơi tự phát như tắm sông, trèo cây… rất dễ xảy ra tai nạn thương tích. Chỉ tính riêng trong năm 2011, toàn huyện đã xảy ra 13 vụ tai nạn thương tích ở trẻ em, trong đó có 6 vụ đuối nước. Nhắc đến kỳ nghỉ hè, em Phạm Anh Dũng ở xã Cẩm Ninh cho biết: “Được nghỉ hè nhưng chúng em cũng không biết chơi gì và chơi ở đâu. Vậy nên thời gian nghỉ hè của em là những ngày giúp gia đình chăn thả trâu, cùng bạn bè tắm sông, trèo cây hái quả…”.

Xã Cẩm Ninh có 7 thôn với trên 400 thiếu nhi thì cả 7 thôn đều có quy hoạch xây dựng khu vui chơi nhưng chưa có thôn nào hoàn thành. Thiếu điểm vui chơi nên các em phải chơi ở các sân đình, sân chùa, nhà văn hóa thôn… là những nơi diễn ra cả các hoạt động dành cho người lớn. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Biên, Bí thư đoàn xã Cẩm Ninh cho biết: “Năm nào cũng vậy, đoàn xã luôn cố gắng đưa ra nội dung hoạt động hè phong phú đáp ứng nhu cầu giải trí, vui chơi cho trẻ em trong xã, tuy nhiên việc triển khai vẫn còn nhiều khó khăn do hạn chế về nguồn quỹ đất, nguồn kinh phí đầu tư để xây dựng, trang bị cơ sở vật chất nên đến nay những quy hoạch đó vẫn chỉ nằm trên giấy.”

Theo thống kê của Sở LĐTB & XH, toàn tỉnh Hưng Yên có trên 320.000 trẻ em ở lứa tuổi dưới 16 cần có không gian, địa điểm để học tập, vui chơi phù hợp. Năm 2010, toàn tỉnh có 161/161 xã, phường được quy hoạch xây dựng điểm vui chơi tập trung cho trẻ em. Phấn đấu đến năm 2012 sẽ có 75/161 điểm vui chơi xây dựng xong và đưa vào hoạt động. Tuy nhiên đến nay con số này vẫn còn quá khiêm tốn. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do các địa phương chưa có quy hoạch đúng đắn, tổng thể đối với các điểm vui chơi cho trẻ em. Bên cạnh đó, thiếu vốn, thiếu đầu tư đồng bộ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên.

Quyền vui chơi của trẻ em đã được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, nhưng để trẻ em được thụ hưởng những điều tốt đẹp nhất cần có sự chung tay của gia đình và toàn xã hội.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực