Hưng Yên: Triển vọng giống khoai tây Hà Lan Sinora

Thứ tư, 15/02/2012 17:01

Trước đây, người dân trong tỉnh Hưng Yên chủ yếu chỉ trồng giống khoai truyền thống, củ nhỏ, năng suất thấp, vì vậy sản phẩm thu hoạch về chủ yếu dùng làm thức ăn chăn nuôi hoặc tiêu thụ nhỏ lẻ trong dân, nên hiệu quả kinh tế thấp, người dân không mặn mà lắm.

Nhưng khoảng gần chục năm trở lại đây, khi khoai tây trở thành sản phẩm hàng hoá cho giá trị kinh tế cao thì người dân đã và đang có xu hướng mở rộng diện tích gieo trồng và trở thành một trong những cây rau màu chủ lực trong vụ đông. Vì vậy, vụ đông năm 2011, khi được Trung tâm hỗ trợ, chuyển giao giống khoai tây mới Sinora, nông dân rất phấn khởi và hăng hái tham gia trên thửa ruộng nhà mình. Thu hoạch những gốc khoai tây toàn củ rất to, anh Ngô Hồng Thái, thôn Phạm Xá, xã Minh Tiến, (Phù Cừ) vui mừng cho biết: Được sự hỗ trợ của Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và công nghệ, vụ đông này gia đình tôi tham gia trình diễn gần 1 sào khoai tây Hà Lan giống Sinora. Mặc dù thời tiết năm nay không mấy thuận lợi, nhưng nhờ nguồn giống tốt cộng với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất khoai tây Sinora vẫn đạt cao, bình quân đạt khoảng 7 tạ/sào. Do tỷ lệ củ to nhiều, mã củ đẹp, chất lượng ăn ngon nên bán được giá. Anh Thái tính toán, với giá bán trung bình 8.000 – 9.000 đồng/kg, khi trừ hết chi phí, 1 sào trồng khoai tây thu về 4 - 5 triệu đồng tiền lãi, so với các loại cây trồng vụ đông khác trước đây, khoai tây vượt trội hẳn về hiệu quả kinh tế.

Giống khoai tây Sinora được công nhận cho phép sản xuất thử tháng 11.2008. Tại Hưng Yên, giống này được Trung tâm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đưa vào áp dụng trồng thử nghiệm trong vụ đông 2011, tại 2 xã là Minh Tiến (Phù Cừ) và Lệ Xá (Tiên Lữ) với quy mô mỗi xã 1ha. Tham gia mô hình nông dân được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ 100% khoai tây giống và Công ty Vạn Đạt hỗ trợ 50% phân bón hóa học. Để mô hình triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao, trung tâm đã tổ chức tập huấn cho các nông hộ tham gia, đồng thời thường xuyên kết hợp trao đổi kinh nghiệm và phổ biến quy trình kỹ thuật từ khi ủ giống, cắt củ, làm đất, bón phân, trồng, chăm sóc...

Qua theo dõi khả năng sinh trưởng và phát triển của giống khoai tây Sinora cho thấy, giống khoai tây Sinora có năng suất, hàm lượng chất khô cao, chống chịu tốt với bệnh mốc sương, chậm thoái hóa, thích ứng với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng của vùng đồng bằng sông Hồng nói chung cũng như đồng ruộng xã Minh Tiến nói riêng. Vì vậy, giống khoai tây này sẽ rất thuận lợi để nông dân mở rộng diện tích trong những vụ tiếp theo. So với giống khoai cũ thì giống khoai tây Sinora cho năng suất khá cao và ổn định, dao động 18 – 19,4 tấn/ha. Giống có kích cỡ củ lớn, mắt củ nông, dạng củ đẹp, ruột củ màu vàng và hàm lượng chất khô chiếm khoảng 19,7 – 20,4%. Đặc biệt, khi tiến hành phân tích và đánh giá hàm lượng đường khử trong củ khoai tây Sinora cho thấy hàm lượng đường khử trong củ đạt thấp (0,32%), chỉ số màu sau rán đạt 1,5% và không xảy ra hiện tượng đổi màu sau rán, điều này rất phù hợp để làm nguyên liệu trong chế biến thực phẩm công nghiệp.

Ông Lê Văn Lương, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cho biết: Khoai tây là cây trồng vụ đông có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, là nguồn nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp chế biến. Trong những năm qua, để bổ sung thêm giống khoai tây có chất lượng, năng suất vào bộ giống khoai tây của tỉnh, từng bước xây dựng vùng trồng khoai tây hàng hóa cho địa phương, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã đưa vào sản xuất thử nghiệm nhiều giống khoai tây mới, năng suất chất lượng cao như: giống Diamant, Sinora, Solara... Theo ông Lương, khi trồng khoai tây, bà con nông dân cần sử dụng giống có phẩm cấp chất lượng tốt, như cấp giống nguyên chủng hoặc xác nhận. Chọn củ giống đen cắt phải có độ trẻ về sinh lý, ít teo móp, kích cỡ củ đồng đều, khối lượng ít nhất 50g/củ. Củ giống có mầm tươi, sạch bệnh, mầm mới nhú, mọc khỏe. Nguyên tắc cắt củ giống phải tuân thủ tuyệt đối theo phương pháp cắt dính, nghĩa là miếng cắt không rời hẳn ra mà còn dính lại khoảng 2-3mm. Cắt củ xong phải úp ngay 2 miếng cắt còn dính lại với nhau (như trước khi cắt) rồi xếp vào khay đựng. Không cần xử lý củ giống sau cắt với bất kỳ hóa chất nào. Sau khi cắt, củ giống phải được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ từ 18-200C. Thời gian để miếng cắt lành vết thương mất khoảng 7-10 ngày. Trước khi trồng (1-2 ngày), nên tách hẳn miếng cắt ra làm đôi để miếng cắt lành hoàn toàn. Đặc biệt, nông dân nên mua củ giống từ các đơn vị sản xuất và cung ứng giống khoai tây có địa chỉ rõ ràng, đáng tin cậy và không nên mua khoai tây thương phẩm để làm giống trồng vì sẽ dễ nhiễm sâu, bệnh.

Là tỉnh nông nghiệp, nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, cận kề thủ đô Hà Nội, vì vậy nhu cầu tiêu thụ các loại nông sản, thực phẩm là rất lớn. Mô hình trồng khoai tây không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn có ý nghĩa trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những chân ruộng gặp khó khăn về nước. Việc Hưng Yên đưa giống khoai tây mới, chất lượng cao vào thâm canh là rất hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là việc tiêu thụ khoai tây của bà con nông dân vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, tự túc. Ông Phạm Văn Thuần, nông dân xã Minh Tiến bộc bạch: Trồng khoai tây không vất vả lắm. Giống khoai tây Sinora cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Nếu chúng tôi được đơn vị nào đó đứng ra nhận bao tiêu như một số loại cây rau màu khác thì nông dân yên tâm tiếp tục mở rộng và phát triển thành vùng sản xuất khoai tây hàng hoá trong những năm tiếp theo.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực