Hưng Yên: Xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hoá

Thứ hai, 20/08/2012 15:57

 

 Ảnh minh họa (Nguồn: báo Hưng Yên)

Hệ thống thiết chế văn hoá bao gồm nhà văn hoá, thư viện, bảo tàng, nhà truyền thống, nhà thi đấu thể thao… đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Thiết chế văn hoá là những nơi sinh hoạt văn hoá, thể thao cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về hưởng thụ và sáng tạo văn hoá, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của mỗi địa phương.

Vì vậy, xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hoá đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của nhân dân đang là vấn đề được quan tâm đẩy mạnh.

Thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, trong những năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh có nhiều cố gắng trong việc xây dựng và củng cố hệ thống thiết chế văn hoá, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Sau khi tái lập tỉnh, một số thiết chế văn hoá cấp tỉnh được cải tạo và xây mới như Nhà hát chèo Hưng Yên, Nhà triển lãm - Thông tin tỉnh. Đối với cấp huyện, toàn tỉnh có 7 huyện có nhà văn hoá kiêm hội trường; trong đó nhà văn hoá của 3 huyện: Phù Cừ, Yên Mỹ và Tiên Lữ được đầu tư xây dựng mới, quy mô lớn, từng bước đáp ứng nhu cầu tổ chức các sự kiện văn hoá của địa phương. Toàn tỉnh có 51/161 xã, phường, thị trấn có nhà văn hoá độc lập (chiếm 32%); 102 xã, phường, thị trấn có nhà văn hoá kiêm hội trường (chiếm 63%). Về nhà văn hoá thôn, khu phố, toàn tỉnh hiện có 526 thôn, khu phố có nhà văn hoá độc lập (chiếm 61,6%); có 183 thôn, khu phố có nhà văn hoá chung với đình (chiếm 21,8%); 116 thôn, khu phố có nhà văn hoá sinh hoạt chung với các thiết chế khác (chiếm 13,8%). Nhiều nhà văn hoá được đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho các hoạt động như: Tăng âm, đầu đĩa, ti vi, hệ thống điện chiếu sáng, loa đài trị giá hàng chục triệu đồng. Nhiều thôn, khu phố đã xây dựng nhà văn hoá cao tầng như: Thôn Phan Bôi, xã Dị Sử (Mỹ Hào), thôn Đỗ Hạ, xã Quang Vinh (Ân Thi), thôn Đông Cáp, xã Đoàn Đào (Phù Cừ), thôn Quang Trung, xã Nhuế Dương (Khoái Châu)… Việc đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hoá ở cơ sở nói chung và nhà văn hoá nói riêng chủ yếu được huy động từ nguồn xã hội hoá khu phố Nguyễn Huệ, phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên) đã huy động nhân dân đóng góp xây dựng nhà văn hoá khu phố trị giá gần 300 triệu đồng. Nhân dân thôn Yên Khê, xã Việt Hoà (Khoái Châu) đóng góp trên 200 triệu đồng xây dựng nhà văn hoá khang trang với diện tích 150 m2 trên khuôn viên 1.000 m2, trong đó có một khu làm sân luyện tập thể thao. Một số địa phương đã làm tốt công tác vận động doanh nghiệp đóng trên địa bàn tài trợ kinh phí xây dựng các thiết chế văn hoá như các huyện: Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ…

Bên cạnh những cố gắng chung của các cấp, các ngành, việc đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hoá từ tỉnh đến cơ sở chưa đồng bộ, việc triển khai xây dựng chậm, nhất là các thiết chế văn hoá cấp tỉnh không đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Rạp chiếu bóng Phố Hiến được cải tạo từ rạp cũ, đã qua 3 lần sửa chữa. Nhà văn hoá tỉnh có hội trường 500 chỗ ngồi, được cải tạo từ rạp chiếu phim cũ từ năm 1997. Bảo tàng tỉnh được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước đã qua nhiều lần sửa chữa, nâng cấp. Toàn tỉnh còn 2 huyện và thành phố Hưng Yên chưa có nhà văn hoá; 102 xã, phường, thị trấn (chiếm trên 63%) còn sử dụng hội trường trong trụ sở làm việc của Đảng uỷ, HĐND, UBND kiêm chức năng nhà văn hoá; 38,4% số thôn, khu phố chưa có nhà văn hoá độc lập, phải sử dụng đình, nhà mẫu giáo làm nơi sinh hoạt chung… Quy mô, kiến trúc, chất lượng xây dựng nhà văn hoá hiện có ở các thôn, khu phố còn nhiều bất cập, trang thiết bị còn thiếu nên chưa đáp ứng được yêu cầu các hoạt động văn hoá của nhân dân. Việc xây dựng và tổ chức hoạt động nhà văn hoá thôn còn gặp nhiều khó khăn. Một số nhà văn hoá tuy được đầu tư xây dựng nhưng hoạt động không hiệu quả, chưa phát huy được tác dụng thiết thực và khai thác hết chức năng của nhà văn hoá do thiếu kinh phí và kinh nghiệm hoạt động.

Việc xây dựng và phát triển đồng bộ thiết chế văn hoá nhằm tạo sự phát triển hài hoà giữa kinh tế và văn hoá, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT – XH của tỉnh, trong đó có việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện mục tiêu trên đồng thời nhằm nâng cao chất lượng đời sống văn hoá ở cơ sở, các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành chức năng và mỗi địa phương trong tỉnh cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc quy hoạch xây dựng thiết chế văn hoá, trong đó chú trọng quy hoạch xây dựng thiết chế văn hoá ở các xã, thôn gắn liền với quy hoạch xây dựng nông thôn mới; quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ thiết chế văn hoá ở các thôn, xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới qua đó rút kinh nghiệm và triển khai ra diện rộng. Các cấp uỷ đảng, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, nâng cao chất lượng xây dựng làng văn hoá, khu phố, cơ quan, đơn vị, gia đình văn hoá, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của các thiết chế văn hoá, nhất là nhà văn hoá, qua đó giúp mọi người nâng cao nhận thức, tích cực tham gia đóng góp kinh phí xây dựng nhà văn hoá; gắn kết chặt chẽ giữa mở rộng hợp tác kinh tế với văn hoá, tăng cường quảng bá đặc sắc văn hoá của Phố Hiến – Hưng Yên nhằm tạo các nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá hiện có, đồng thời tập trung đầu tư mới một số công trình văn hoá trọng điểm; chú trọng xây dựng các thiết chế văn hoá ở các khu công nghiệp tập trung nhiều công nhân lao động; quan tâm chăm lo đời sống văn hoá tinh thần của nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới; đổi mới cơ chế quản lý văn hoá, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ chuyên môn cho các hoạt động văn hoá, nhất là cán bộ làm công tác văn hoá ở cơ sở.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực