Hưng Yên: Xây dựng vùng chuyên canh trong sản xuất nông nghiệp

Thứ tư, 23/05/2012 14:05

Để có sản phẩm nông nghiệp bảo đảm chất lượng, cung cấp với số lượng lớn cho thị trường, đáp ứng nhu cầu chế biến, ở nhiều địa phương trong tỉnh Hưng Yên đã triển khai xây dựng những cánh đồng chuyên canh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa cho năng suất, chất lượng, thu nhập cao.

Quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển đổi tích cực theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất cây lương thực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thuỷ sản, rau quả, cây công nghiệp và dịch vụ nông nghiệp. Trong đó, cây lương thực chiếm 24%, rau quả, cây công nghiệp 30%, chăn nuôi, thủy sản 46%. Giá trị thu nhập bình quân 1 ha canh tác đạt gần 100 triệu đồng. Cây ăn quả phát triển mạnh về diện tích, năng suất và sản lượng, đặc biệt là các loại cây có múi như cam, bưởi, chuối đã trở thành sản phẩm nổi tiếng, được nhiều địa phương biết đến; cây đặc sản nhãn, vải phát triển ổn định về số lượng và nâng cao về chất lượng, diện tích cây ăn quả đạt 8.000 ha, sản lượng trên 100 nghìn tấn. Rau quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, hoa, cây cảnh ngày càng được nông dân ở các địa phương mở rộng diện tích, cho thu nhập khá.

Từ những chủ trương, định hướng phù hợp trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, một số địa phương hình thành vùng chuyên canh cho hiệu quả cao, những mô hình trang trại, gia trại phát triển mạnh cung cấp sản lượng nông nghiệp cho thị trường. Phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các địa phương của huyện Văn Giang phát triển mạnh, các khu vực chân đất vàn cao, có đê bối bảo vệ đã chuyển đổi sang trồng quất cảnh, quất quả, cây ăn quả đặc sản. Các xã có nhiều diện tích cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm như Xuân Quan, Mễ Sở, thị trấn Văn Giang, Liên Nghĩa, Phụng Công… Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã hình thành những khu vực chuyên canh hàng hóa lớn, thu hút được thương nhân, khách hàng để hình thành thị trường tại chỗ như vùng cây cảnh, cây thế xã Phụng Công, thị trấn Văn Giang, vùng quất cảnh, hoa, cam đường canh, rau sạch ở các xã Thắng Lợi, Mễ Sở, Liên Nghĩa, thị trấn Văn Giang.

Trên địa bàn tỉnh, đến nay đã hình thành nhiều vùng sản xuất rau xanh tập trung, cung cấp cho người tiêu dùng ở cả trong và ngoài tỉnh, đặc biệt các khu công nghiệp với số lượng lớn như ở các xã Yên Phú, Yên Hòa (Yên Mỹ), Thắng Lợi (Văn Giang), Nhật Tân, Thiện Phiến (Tiên Lữ), Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên)… ở các địa phương trên, với lợi thế đất đai màu mỡ phù hợp cho việc gieo trồng các loại rau xanh, do vậy thu hút được nhiều hộ nông dân tham gia sản xuất, tạo thành vùng sản xuất tập trung. Tuy nhiên, do chưa được hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật sản xuất rau an toàn (RAT), cùng với việc chạy theo lợi nhuận trước mắt nhiều hộ đã lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhằm kích thích sinh trưởng trong sản xuất rau dẫn đến hàm lượng tồn dư thuốc BVTV trong rau, củ, quả quá mức cho phép.

Để khắc phục những hạn chế trên, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương đã triển khai xây dựng một số vùng chuyên canh cây trồng, đặc biệt là các vùng chuyên canh rau an toàn bước đầu cho hiệu quả cao. Vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn được triển khai tại thôn Mễ Hạ, xã Yên Phú (Yên Mỹ) với 2 loại cây trồng chính là cải bắp và cà chua. Tham gia mô hình các hộ được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật gieo trồng, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch… Đồng thời, nông dân được hướng dẫn cách ghi chép sổ sách theo dõi quá trình sản xuất, sau khi kết thúc mô hình được cấp chứng nhận hộ sản xuất rau an toàn. Mô hình được triển khai nhằm từng bước đưa các vùng chuyên canh rau màu sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp rau an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời là mô hình để nhân rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Tuy mới được triển khai, song mô hình đã mang lại những kết quả tích cực cho nông dân sản xuất. Chị Hoàng Thị Phương, nông dân tham gia mô hình sản xuất RAT tại thôn Mễ Hạ cho biết: Áp dụng phương pháp sản xuất RAT, nông dân chúng tôi chủ yếu sử dụng phân vi sinh nên tiết kiệm chi phí, số lần sử dụng thuốc BVTV giảm 3 - 4 lần. Một sào sản xuất RAT cho thu nhập cao hơn sản xuất rau theo phương pháp truyền thống từ 500 nghìn - 1 triệu đồng. Tuy nhiên, những hộ thực hiện sản xuất RAT gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, hầu hết rau của gia đình tôi và các hộ thường bán tại ruộng cho một số người đến lấy buôn hoặc đem ra chợ bán. Vào đầu vụ hoặc hiếm rau thì giá cao dễ bán, nhưng đến khi chính vụ, nhiều rau giá rẻ. Giá bán giữa RAT và rau thường đều không khác biệt nhiều khiến người sản xuất bị thiệt thòi, chưa khuyến khích nông dân sản xuất sản phẩm RAT. Ông Lê Văn Chức, phó chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) xã Yên Phú cho biết: “Việc sản xuất rau RAT được nông dân trong xã nhiệt tình hưởng ứng và đã thực hiện cơ bản theo quy trình sản xuất RAT. Tuy nhiên, hiện nay HTX gặp khó khăn do chưa tìm được đầu ra ổn định nên người dân vẫn tự bán ra thị trường với giá bán như các loại rau thông thường, trong khi sản xuất RAT chi phí cao hơn từ 10-20%. Mặt khác tâm lý người tiêu dùng cũng chưa hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng RAT nên cũng chưa mặn mà với việc mua RAT về sử dụng. Khó khăn cơ bản nhất trong sản xuất vẫn là nhận thức của nông dân về sản xuất RAT chưa rõ ràng, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ sản xuất.

Thực tế tại các mô hình chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thấy, các mô hình chuyển đổi có hiệu quả là nhờ có sự kết hợp nghiên cứu ở địa phương đã đưa ra những giải pháp cho việc lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để đẩy mạnh phát triển các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, ngành chuyên môn và các địa phương cần tập trung giải quyết một số vấn đề còn tồn tại như bài toán đầu ra cho nông sản, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt dẫn đến thực trạng một số nông sản sản xuất ra rồi bị ứ đọng, hoặc bị ép giá gây thiệt hại cho nông dân. Bên cạnh đó, cần chú ý việc xây dựng vùng chuyên canh phải phù hợp với tiềm năng và điều kiện của từng địa phương. Phát triển sản xuất gắn liền với việc tiêu thụ nông sản và chú trọng phát triển công nghệ chế biến để nâng cao giá trị sản xuất của cây rau màu. Cùng với đó là việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giao thông, thuỷ lợi để tạo điều kiện cho địa phương có khả năng áp dụng rộng rãi tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hàng hoá, mở rộng thâm canh tăng vụ tới cả những xã vùng sâu vùng xa của từng địa phương. Ngoài ra, chú trọng phát triển sản xuất theo hướng hàng hoá, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh tăng vụ phải gắn với bảo vệ và giữ gìn tài nguyên đất canh tác, hạn chế ô nhiễm môi trường do thuốc bảo vệ thực vật.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực