Kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011: Đòn bẩy cải thiện môi trường đầu tư

Thứ tư, 14/03/2012 17:16
 

 Ảnh minh họa (Nguồn: báo Hưng Yên)

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011. Theo kết quả công bố, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hưng Yên đứng thứ 33/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng thứ 5 trong số 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng với tổng số điểm 59,29 điểm và nằm trong tốp các tỉnh khá.

Chỉ số PCI của Hưng Yên năm 2011 đã tăng 24 bậc so với năm trước. Kết quả CPI năm nay dựa trên kết quả khảo sát từ 6.922 doanh nghiệp. Đây là năm thứ 7 VCCI thực hiện chương trình này dưới sự hỗ trợ của Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam của cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID).

Kết quả PCI hàng năm được thực hiện thông qua 9 chỉ số thành phần, phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế tác động đến sự phát triển của lĩnh vực kinh tế tư nhân gồm: chi phí gia nhập thị trường để khởi sự kinh doanh; tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và việc tiếp cận thông tin kinh doanh; chi phí không chính thức; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện quy định thủ tục hành chính; lãnh đạo tỉnh năng động và sáng tạo trong giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ kinh doanh phát triển và có chất lượng cao; chính sách đào tạo lao động phù hợp; thủ tục pháp lý giải quyết tranh chấp công bằng và hiệu quả. Theo kết quả đánh giá của các doanh nghiệp lần này, Hưng Yên có 7/9 chỉ số thành phần cơ bản tăng so với năm trước. Trong đó, chỉ số gia nhập thị trường có điểm số cao nhất là 8,11 điểm, tăng 2,30 điểm so với năm trước; thấp nhất là dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp với 3,45 điểm và giảm 1,21 điểm so với năm trước; trong khi đó chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất đai năm 2010 là 6,14 điểm, năm nay tăng lên 6,83 điểm; chính sách lao động từ chỗ được đánh giá quá thấp trong năm trước với 2,96 điểm thì năm nay đạt điểm 5,05; chỉ số tính năng động của lãnh đạo tỉnh trong giải quyết các vấn đề cho doanh nghiệp, tăng 1,41 điểm so với năm trước...

Để được sự chuyển biến trong kết quả PCI của tỉnh năm 2011 là do ngay sau khi VCCI công bố chỉ số PCI năm 2010, UBND tỉnh đã có Công văn số 422/UBND-KTN gửi các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố về việc tập trung chấn chỉnh nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình đánh giá lại những tồn tại, yếu kém, từ đó đề ra những nội dung, giải pháp thực hiện; đồng thời kiểm điểm làm rõ những mặt hạn chế, thiếu sót trong việc quản lý, chỉ đạo; rà soát những quy định, thủ tục hành chính không còn phù hợp làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời, yêu cầu Sở Kế hoạch - Đầu tư tăng cường xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp; tổng hợp báo cáo của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố về những mặt hạn chế, thiếu sót trong việc lãnh đạo, thực thi công vụ của cán bộ, công chức; những quy định, thủ tục hành chính không còn phù hợp làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, báo cáo trình UBND; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát các văn bản ban hành căn cứ vào tiêu chí của CPI tổ chức xây dựng chương trình hành động về thực trạng và các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở Hưng Yên, trong đó mỗi tiêu chí CPI phải gắn nhiệm vụ cụ thể cho một sở, ngành chịu trách nhiệm đầu mối chính và các sở, ngành cần tham gia phối hợp thực hiện cải cách...

Thực hiện công văn chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban ngành đã nhanh chóng vào cuộc khắc phục những tồn tại, đặc biệt là những lĩnh vực có điểm số thấp như: tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác đào tạo, tiếp nhận, quản lý và chăm lo mọi mặt cho người lao động; hỗ trợ tiếp cận thông tin thị trường như: Xúc tiến thương mại, đầu tư; đưa doanh nghiệp, sản phẩm công nghiệp, làng nghề tham gia các hội chợ, triển lãm; xây dựng trang thông tin điện tử cho doanh nghiệp... Trong đó, hàng loạt các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã rà soát, kiến nghị loại bỏ các thủ tục không cần thiết, giảm bớt thời gian giải quyết các thủ tục hành chính công; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở LĐ-TB&XH) chủ động tổ chức các sàn giao dịch việc làm, qua đó đã giúp cho doanh nghiệp tiếp cận được gần hơn với thị trường lao động, bản thân người lao động có nhu cầu việc làm cũng tìm được vị trí phù hợp; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức thành công nhiều cuộc đối thoại công - tư; Sở Công Thương cũng thực hiện tốt đề án khuyến công... Với những hoạt động đó mà các doanh nghiệp vững tin hơn trong đầu tư và điều hành kinh doanh một cách hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 22.948 tỷ đồng, tăng trưởng 15,55%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 762 triệu USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng đạt 12.313 tỷ đồng, tăng 24,2% so với năm trước...

Có thể nói, kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh không chỉ phản ánh thực tế của hệ thống hạ tầng cơ sở, các thiết chế xã hội phục vụ phát triển doanh nghiệp, sự điều hành của lãnh đạo tỉnh mà điều quan trọng hơn đây là tài liệu cung cấp thông tin tham khảo hữu ích, kinh nghiệm hay để chính quyền các địa phương xác định lĩnh vực cần ưu tiên để cải thiện nhằm thu hút đầu tư, giải quyết việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, xây dựng chiến lược điều hành kinh tế của mình trong tương lai. Đây là tài liệu tổng hợp từ một cuộc nghiên cứu xác suất, song cũng là một kênh thông tin quan trọng để các cấp, ngành, địa phương tiếp tục có những giải pháp quản lý, điều hành phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong xúc tiến thu hút đầu tư, giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực