Khoái Châu (Hưng Yên): Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Thứ tư, 18/07/2012 09:40

 

Cơ giới hóa trong nông nghiệp được đẩy mạnh ở Khoái Châu.
Ảnh: báo Hưng Yên

Ở huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên, việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao được xem là giải pháp góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho nông dân.

Nhiều năm gần đây, nông dân huyện Khoái Châu đã đưa các loại máy móc cơ giới vào sản xuất nông nghiệp như: máy làm đất, máy gieo sạ hàng, máy gặt đập liên hợp, máy xay, xát nông sản… làm tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm thời gian và công sức cho bà con. Việc thực hiện cơ giới hóa trong khâu làm đất đã góp phần giảm sức lao động cho người nông dân, là khâu quyết định đến việc bảo đảm thời vụ và tăng hệ số sử dụng ruộng đất lên nhiều lần. Khâu gieo cấy lúa mất nhiều công đoạn và thời gian cũng được bà con nông dân, thay thế bằng công cụ gieo thẳng bằng sạ hàng đạt hiệu quả cao. Đặc biệt là sự xuất hiện của chiếc máy gặt đập liên hợp đã đưa việc cơ giới hóa trong sản xuất lúa hoàn thiện từ khâu gieo cấy đến khâu thu hoạch. Có thể nói, hiện nay hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” trên ruộng đồng đã và đang dần mất đi thay vào đó là hình ảnh máy móc nông nghiệp ngày càng tăng nhanh, rõ nét.

Theo kết quả khảo sát của Phòng NN & PTNN huyện Khoái Châu, hiện tại, nhiều khâu sản xuất nông nghiệp đã được trang bị cơ giới hóa đạt tỷ lệ gần 100% như các khâu: làm đất, tưới, tiêu nước, xay sát… Đến thời điểm này toàn huyện có khoảng 55.000 nông cụ cầm tay, 330 máy làm đất, 70 máy gieo sạ hàng, 60 trạm bơm, 45 điểm bơm với 52 máy bơm dã chiến đạt công suất 40.960 m3/h bảo đảm tưới, tiêu nước cho hơn 6.000 ha ruộng, trên 10 máy gặt đập liên hợp và hàng trăm chiếc máy tuốt lúa và máy xay sát. Một số xã điển hình trong đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp là: Phùng Hưng, Việt Hòa, An Vĩ, Hồng Tiến…

Những năm gần đây xã Phùng Hưng tích cực vận động bà con nông dân ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Toàn xã có hơn 1500 mẫu cấy lúa và 150 mẫu trồng cây rau màu. Đến nay, xã có khoảng trên 110 máy làm đất lớn, nhỏ, 10 máy gieo sạ, 9 trạm bơm tưới, tiêu nước, trên 50 máy phụt lúa và máy xay sát cố định, lưu động. Đặc biệt, từ năm 2010 bà con nông dân trong xã đã đưa máy gặt đập liên hợp vào khâu thu hoạch lúa mang lại hiệu quả cao.

Ông Trần Xuân Tuy, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đã nhiều năm nay, lực lượng lao động tại chỗ trong xã thường xuyên bị thiếu hụt do một bộ phận lao động nông thôn đi làm thuê tại các nơi khác nên việc sử dụng các loại máy móc trong nông nghiệp đã góp phần bảo đảm gieo trồng, thu hoạch đúng thời vụ, giải phóng sức lao động cho nông dân, tăng hệ số sử dụng đất và nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Thời gian tới xã sẽ tiếp tục chỉ đạo vận động các hộ nông dân có điều kiện đầu tư thêm nhiều máy móc cơ giới hơn nữa để đáp ứng được nhu cầu hiện tại của bà con và làm dịch vụ tăng thêm thu nhập”.

Nói về hiệu quả của chiếc máy gặt đập liên hợp, anh Lê Văn Lục (xã Phùng Hưng) tâm sự: “Qua tìm hiểu ở một số địa phương thấy việc thu hoạch lúa thuận lợi hơn nhờ máy gặt đập liên hợp nên năm 2011 gia đình tôi đã chung vốn với một hộ nông dân khác mua một chiếc máy gặt đập liên hợp trị giá 260 triệu đồng phục vụ cho nhu cầu sản xuất của gia đình và và làm dịch vụ gặt lúa thuê cho các hộ trong và ngoài xã. Đặc điểm của chiếc máy này là máy có độ rộng mặt cắt 1,8m, thời gian thu hoạch chưa đến 10 phút/ sào, độ sạch của hạt thóc đạt trên 95%, tỷ lệ hao hụt khi gặt dưới 3%, đặc biệt, máy có thể thu hoạch được trên những chân ruộng có diện tích nhỏ và ruộng nước lún sụt. Với giá công là 150.000 đồng/ sào và mỗi vụ gặt trong vòng 20 ngày, trừ mọi chi phí thì chỉ mất từ 1- 2 vụ làm dịch vụ là người nông dân có thể thu lại đủ vốn.”

Nằm trên quốc lộ 39A, Hồng Tiến cũng là một trong những địa phương đầu tư nhiều cho máy móc phục vụ nông nghiệp. Hiện nay toàn xã có 15 máy làm đất các loại, trong đó có 4 máy cày to, 2 máy gặt đập liên hợp, hàng chục máy tuốt lúa và xay sát các loại, 4 máy bơm công suất 2.500m3/ giờ, 3 máy bơm lưu động với công suất 2.140m3/ giờ bảo đảm tưới, tiêu nước cho gần 900 mẫu ruộng cấy lúa. Việc sử dụng máy móc không những giảm công lao động, cải thiện điều kiện làm việc, mà còn góp phần nâng cao năng suất cây trồng, ý thức được điều này, nhiều hộ nông dân trong xã đã đầu tư để đưa máy móc vào sản xuất. Anh Đỗ Ngọc Đức, xã Hồng Tiến cho biết: “Gia đình tôi có 1,5 mẫu ruộng, trước đây để làm hết diện tích ruộng này tôi phải thuê 2 con trâu thay nhau kéo cày mất tới hơn 1 tuần mới xong. Bây giờ trong xã đã có máy cày nên gia đình tôi chỉ thuê mất 2 ngày là mọi công đoạn làm đất đều hoàn thành vừa giảm bớt sức lao động vừa bảo đảm được việc gieo cấy đúng mùa vụ”.

Bà Nguyễn Thị Lý, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Khoái Châu cho biết: “Cơ giới hóa là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp nhưng trong thực tế, việc đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp của huyện mới chỉ tập trung chủ yếu ở các khâu làm đất, thu hoạch còn lại khâu cấy, phơi sấy, bảo quản vẫn thực hiện theo phương pháp thủ công, quy mô hộ gia đình. Nguyên nhân là do việc thực hiện cơ giới hóa chưa đồng bộ giữa các khâu, các loại máy chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của nông dân do ruộng đất manh mún, hạ tầng giao thông đồng ruộng chưa phù hợp, tính hợp tác chưa cao… Để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, huyện Khoái Châu sẽ tập trung giải quyết việc quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, quy hoạch giao thông nội đồng, đồng thời thiết lập hệ thống mạng lưới các cơ sở bảo hành, sửa chữa máy rộng khắp các địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu thay thế, sửa chữa máy thuận lợi nhất cho nông dân”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực