Khoái Châu (Hưng Yên): Nhiều mặt hàng nông sản bị “ rớt” giá

Thứ tư, 13/06/2012 15:06

Sau nhiều năm thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo vùng, huyện Khoái Châu đã cơ bản hình thành các vùng chuyên canh. Một số cây trồng đã mang lại giá trị kinh tế cao, trở thành cây làm giàu của người nông dân. Thế nhưng vào thời điểm này, một số nông sản đang bị rớt giá khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn.

Xã Tứ Dân là nơi sớm phát triển cây chuối tiêu hồng và được mệnh danh là “vựa chuối” của huyện Khoái Châu. Trước đây, người dân trong xã chủ yếu trồng và chế biến dong giềng, tuy thu nhập cao gấp 2 lần lúa nhưng gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Từ khi chuyển đổi sang trồng chuối tiêu hồng thu nhập tăng lên nhiều lần, đến nay toàn xã có khoảng 600 mẫu, chiếm 80% diện tích đất canh tác của xã, trong đó chủ yếu ở thôn Năm Mẫu. Ngoài ra, nhiều hộ dân nơi đây còn thuê đất ven bãi sông Hồng thuộc địa phương khác để trồng chuối, có hộ trồng hàng chục mẫu. Do phù hợp với thổ nhưỡng kết hợp cùng với kinh nghiệm chăm sóc của người dân, chuối tiêu hồng ở Tứ Dân nói riêng, của Khoái Châu nói chung có mã đẹp, chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá cao, nhiều thương lái từ Trung Quốc và các tỉnh đến tận vườn thu mua. Nhờ cây chuối mà nhiều hộ trở nên giàu có. Thấy có lợi, dân ở nhiều nơi trong và ngoài huyện đến mua cây giống về trồng. Đến nay, toàn huyện Khoái Châu có hơn 500 ha chuối tiêu hồng, được trồng nhiều ở các xã: Tứ Dân, Tân Châu, Đại Tập... Thế nhưng, thời điểm này, người trồng chuối đang đứng trước khó khăn do chuối rớt giá, khó tiêu thụ.

Anh Ngô Văn Kiều ở xã Tứ Dân, vừa là người trồng chuối, vừa là đầu mối thu gom chuối cho các thương lái, cho biết: "Dịp này tuy không phải mùa thu hoạch chính nhưng vẫn còn nhiều nhà có chuối đến kỳ thu hoạch. Nếu như thời điểm này năm ngoái giá chuối bán được từ 6000 đồng đến 9000 đồng/kg, thì hiện nay chỉ được 1.500 đến 1.700 đồng/kg. Các thương lái quen thuộc người Trung Quốc hẹn đầu năm đến nhưng từ đó đến nay vẫn “bặt vô âm tín”, thương lái các tỉnh khác cũng gần như vắng bóng. Bản thân anh Kiều đã đi nhiều nơi tìm thị trường tiêu thụ, mong bán cho dân được giá cao nhưng không được. Do giá rẻ, khó tiêu thụ nên anh cũng không dám thu gom nhiều. Theo tính toán của anh Kiều, giá chuối như hiện nay chỉ đủ tiền thuê đất và thuê bảo vệ. Vì vậy, nhiều chủ vườn đang gặp khó khăn, họ chỉ còn trông chờ vào dịp cuối năm nếu giá chuối lên cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Đình Quý, Chủ tịch UBND xã Tứ Dân trăn trở: Xã đã tích cực tuyên truyền để người dân chuyển đổi sang trồng chuối tiêu hồng. Hiệu quả kinh tế đã thấy rõ nhưng nay chuối rớt giá, khó tiêu thụ. Nguyên nhân do người dân phát triển ồ ạt, nhiều nơi trồng chuối tiêu hồng; mùa nóng, nhu cầu sử dụng chuối giảm, mặt khác đầu ra còn phụ thuộc, bị tư thương ép giá nên người dân gặp khó khăn. Do tiêu thụ chuối gặp khó khăn, một số hộ có xu hướng trở lại trồng dong giềng, cây trồng đã được vận động xóa bỏ trong thời gian qua.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong thời gian qua, một số diện tích cây trồng ở huyện có chiều hướng tăng nhanh, điển hình là chuối và nhãn. Nếu năm 2009, toàn huyện có 450 ha chuối các loại, trong đó chuối tiêu hồng chiếm khoảng 150 ha thì năm 2012 có tổng diện tích chuối là 691 ha, trong đó chuối tiêu hồng chiếm khoảng 517 ha. Tương tự, năm 2009 toàn huyện có 207 ha nhãn ra đồng, năm 2012 diện tích này đã phát triển lên 497 ha. Không chỉ mở rộng diện tích trong huyện, thấy mang lại hiệu quả nên nhiều nơi đã đến mua nhãn, chuối giống ở Khoái Châu về trồng. Một số cây trồng như cỏ ngọt vẫn giữ mức dao động từ 70 đến 100 ha, nhưng thời điểm này cũng đang bị rớt giá. Năm 2011, giá nghệ 14000 đồng đến 15000 đồng/kg nay còn 5000 đồng đến 6000 đồng/kg. Riêng thanh hao, huyện không có chủ trương phát triển nhưng một số tư thương đã vận động nông dân trồng, nay cũng đang bị giảm giá 50% so với năm ngoái. Vì rớt giá, thu nhập của chủ vườn bị giảm đáng kể.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định, việc chuyển đổi sang trồng các cây trồng có giá trị kinh tế cao được coi là một bước đột phá trong sự phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện, nhưng để sản phẩm được tiêu thụ ổn định luôn là vấn đề trăn trở. Thời gian qua, huyện đã tích cực tìm đối tác nhằm bao tiêu sản phẩm nông nghiệp ổn định cho nông dân nhưng vẫn chưa được. UBND huyện đã chính thức có công văn khuyến cáo các xã giữ vững ổn định diện tích nhãn, không phát triển thêm. Một số cây trồng hiện đang bị xuống giá, bà con nên giữ ổn định diện tích, tập trung chăm sóc để nâng cao chất lượng, đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền quảng bá sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Rõ ràng, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao luôn là chủ trương đúng. Tuy nhiên, nếu người dân không tuân thủ theo định hướng và quy hoạch của địa phương mà chỉ thấy có lợi, phát triển một cách ồ ạt, trong khi chưa có đầu ra ổn định người nông dân gặp khó khăn cũng là điều dễ hiểu. Người nông dân luôn khát vọng có được thị trường tiêu thụ nông phẩm ổn định, song đây là bài toán khó, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở, bên cạnh đó là ý thức, tầm nhìn của người dân, cần biết tuân thủ định hướng, quy hoạch của chính quyền và ngành chức năng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực