Kiên cố hoá trường lớp - chủ trương đúng cần nguồn đầu tư tiếp

Thứ sáu, 07/09/2012 16:50

(ĐCSVN) - Tiến độ chậm vì thiếu kinh phí, giá nguyên vật liệu tăng, ... Đây là những rào cản làm cho một chủ trương đúng và mang đầy tính nhân văn là kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đang bị chậm tốc độ khi triển khai tại tỉnh Hưng Yên .

* Hơn 1.600 phòng học đã được xây dựng

                                             Ảnh: Minh họa

Theo kế hoạch của đề án Kiên cố hoá trường học giai đoạn 2008 - 2012, tỉnh Hưng Yên có hơn 3.100 phòng học các cấp; trong đó số phòng học được Chính phủ phê duyệt là hơn 2.900 phòng với kinh phí đầu tư hơn 450 tỉ đồng. Đến nay, toàn tỉnh mới thực hiện được hơn 1.600 phòng học, đạt 56% kế hoạch; trong số này có gần 500 phòng học đang xây dựng dự kiến hoàn thành trong năm nay, nhưng còn thiếu vốn nên khá chật vật.

Riêng các huyện Yên Mỹ, Văn Lâm, Văn Giang thực hiện tương đối tốt vì huy động được một số nguồn lực của địa phương. Các huyện như Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ, Khoái Châu mới đạt từ 30% đến 50% số phòng cần xây dựng.

Bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng phòng giáo dục huyện Ân Thi cho biết: toàn huyện có hơn 500 phòng học được hỗ trợ của đề án trên, nhưng đến nay mới thực hiện chưa được 200 phòng. Trong đó, khó nhất là bậc học mầm non với chủ yếu là phòng học cấp 4 đang xuống cấp nghiêm trọng vì được xây dựng cách đây hơn 30 năm. Việc triển khai xây dựng kiên cố hoá trường lớp mới thực hiện được ở bậc Tiểu học và THCS do kinh phí hạn hẹp.

Tương tự ở các huyện Phù Cừ, Kim Động, Tiên Lữ còn nhiều phòng học cấp 4 đang xuống cấp vẫn chưa được triển khai. Do các địa phương đều khó khăn không có nguồn vốn đối ứng tự có nên không thể thực hiện. Để bảo đảm cơ sở vật chất cho các trường học, các xã đã cố gắng dành kinh phí tu sửa nhưng với nguồn vốn có hạn, việc tu sửa chỉ mang tính nhất thời.

Có chứng kiến thực tế khó khăn tại các vùng quê nghèo này mới thấy hết giá trị của nguồn vốn KCH trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên mà trung ương phân bổ về cho các tỉnh, trong đó có Hưng Yên. Đây là những năm đầu tiên cả nước triển khai việc thực hiện KCH trường lớp học bằng nguồn trái phiếu Chính phủ. Điều này cho thấy chủ trương "coi giáo dục là quốc sách hàng đầu" đã được các nhà lãnh đạo nhìn nhận ra và thực thi bằng một chính sách tài chính cụ thể và rộng khắp.

* Những rào cản cần được tháo gỡ

Theo đánh giá của UBND tỉnh Hưng Yên: giai đoạn 2008 - 2011 do trượt giá mạnh nên mức đầu tư theo qui định của Chính phủ không thể đáp ứng nhu cầu thực tế. Bình quân mỗi phòng học theo quyết định 2186 của Thủ tướng Chính phủ là 153 triệu đồng (theo định mức giá dự tính từ năm 2007) . Nhưng trên thực tế, mức chi phí đội lên từ 250 đến 500 triệu đồng/phòng. Giá vật liệu xây dựng biến động tăng quá nhanh ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công xây dựng Đề án.

Thực trạng trên đã làm cho nhiều xã nghèo gặp khó khi triển khai xây dựng mà không biết xoay xở ra sao nguồn vốn đối ứng để hoàn thiện. Do vậy nhà thầu không mặn mà nên một số phòng học bị dang dở. Mặt khác, các lớp học mầm non đều phân tán ở các thôn nên việc qui định phải tập trung tại một địa điểm của xã để kiên cố hoá trường lớp cũng là vấn đề nan giải.

Hiện tỉnh Hưng Yên còn gần 1. 300 phòng học xuống cấp hư hỏng chưa thể triển khai xây dựng phải chuyển tiếp sang giai đoạn tiếp theo.

Để bố trí nguồn vốn đầu tư tập trung thực hiện hoàn thành đề án kiên cố hoá trường lớp học, giai đoạn 2012 - 2015, tỉnh Hưng Yên chỉ đạo thực hiện lồng ghép với các chương trình, đề án như: xây dựng trường chuẩn quốc gia, phổ cập giáo dục mầm non, xây dựng nông thôn mới; trình HĐND tỉnh xem xét, hỗ trợ 100% vốn đối ứng cho các xã khó khăn. Song việc tiếp tục thực hiện gần 1.300 phòng học theo Đề án giai đoạn 2012 - 2015 vẫn rất khó khăn. Để đẩy nhanh tiến độ, đề án KCH trường lớp học cần được đầu tư hỗ trợ nguồn vốn tiếp từ các cấp Trung ương, điều chỉnh mức đầu tư tăng lên cho phù hợp với thời giá, mẫu xây dựng cần bổ sung một số hạng mục cho đồng bộ. Bên cạnh đó cũng nên nghĩ đến các cơ chế linh hoạt cho các xã đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, có sự đầu tư trở lại cho các xã mất đất đổi lấy vốn cho việc xây dựng trường lớp./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực