Kim Động với mục tiêu 70% đường ra đồng được “cứng hoá” vào năm 2015

Thứ sáu, 04/05/2012 10:50

Sau khi trên 95% đường giao thông trong thôn, xóm được “cứng hoá”, những năm gần đây, huyện Kim Động (Hưng Yên) đã chuyển trọng tâm sang hỗ trợ đầu tư “cứng hóa” đường ra đồng.

 

 Ảnh minh họa (Nguồn: báo Hưng Yên)


Mục tiêu đến năm 2015 toàn huyện phấn đấu “cứng hoá” được từ 70% chiều dài đường ra đồng trở lên theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010 – 2015 đề ra, từ đó tạo những điều kiện, cơ hội tốt hơn cho phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện.

Về xã Song Mai (Kim Động) khi những mét đường ra đồng cuối cùng của thôn Thanh Xuân đang được trải bê tông xi măng. Con đường dài 1,3 km, rộng 2,5 m có tổng mức đầu tư 1,3 tỷ đồng chạy thẳng tắp xuyên suốt cánh đồng lúa rộng trên 100 mẫu, tạo thành một đường kẻ trắng trông thật đẹp mắt. Tiếng máy xúc, máy trộn bê tông xi măng rộn ràng hòa với tiếng chuyện trò vui vẻ của công nhân, của người giám sát, cán bộ, nhân dân thôn Thanh Xuân đang làm việc tại công trường. Ông Vũ Văn Tốt, trưởng thôn Thanh Xuân phấn khởi cho biết: “Đây là trục đường ra đồng chính của cả thôn. Trên đoạn đường này hàng ngày tập trung đông người, phương tiện, hàng hóa được vận chuyển qua đây nên những năm gần đây con đường xuống cấp nghiêm trọng. Vào vụ gặt, tiền thuê vận chuyển lúa từ đồng về nhà cao gấp 4-5 lần những nơi khác, có những hôm phải tranh giành nhau mà vẫn khó thuê được. Gặp trời mưa, lúa gặt rồi đành phải để trên đồng 3 - 4 hôm, chờ hết mưa, đường bớt lầy lội mới vận chuyển về được. Thấm thía nỗi vất vả, nhọc nhằn ấy nên ngay khi đảng ủy xã gợi ý hỗ trợ nhân dân thôn làm đường ra đồng với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” thì cấp uỷ, chính quyền và nhân dân nơi đây không chút đắn đo, đồng thuận một lòng để thực hiện “cứng hoá” con đường”. Khi ý Đảng hợp lòng dân, các công việc triển khai thực hiện làm đường trên cơ sở quy chế dân chủ nên qua tính toán phải huy động sức đóng góp của các hộ có ruộng lên tới mức 200 nghìn đồng/sào, là mức đóng góp cao nhất từ trước đến nay ở thôn song hầu hết các hộ đều nhất trí. Ngoài ra, để hoàn thiện toàn bộ con đường từ trong khu dân cư nối với đường ra nghĩa trang, đường sản xuất, thôn còn bàn phương án thu thêm 500 nghìn đồng/hộ; vận động con em đi làm ăn xa đóng góp ủng hộ địa phương được gần 20 triệu đồng. Giảm bớt khó khăn đối với hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, thôn thống nhất giảm mức thu, tùy thuộc hoàn cảnh của từng hộ. Chị Đỗ Thị Lương, thôn Thanh Xuân tâm sự: “Trước kia, bà con chúng tôi hay nói đùa gọi đây là “con đường khổ”. Được cấp trên hỗ trợ làm đường là cơ hội tốt nên dù khó khăn nhưng gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác trong thôn vẫn quyết tâm đóng góp đủ số tiền cho thôn để làm đường”. Ở thôn Thanh Xuân, đợt trải bê tông xi măng đường ra đồng lần này hộ đóng góp nhiều lên tới 2,5 – 3 triệu đồng, hộ ít cũng 500 nghìn – 1 triệu đồng...

Cùng với tuyến đường ra đồng của thôn Thanh Xuân (xã Song Mai), trong năm 2011 huyện Kim Động còn đầu tư kinh phí hỗ trợ các xã Hiệp Cường, Phạm Ngũ Lão, Mai Động, Phú Cường với tổng kinh phí hỗ trợ 5 xã lên tới 1 tỷ 380 triệu đồng để trải bê tông xi măng đường ra đồng. Nguồn kinh phí huyện hỗ trợ mỗi xã lên tới 25 – 30% tổng mức đầu tư mỗi tuyến đường, phần còn lại do ngân sách xã và nhân dân đóng góp đầu tư. Anh Trần Tất Thắng, Phó Trưởng phòng Công Thương huyện Kim Động cho biết: “Xác định đầu tư “cứng hoá” đường ra đồng sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, giảm bớt nhọc nhằn cho nông dân nên từ năm 2007 huyện đã xây dựng “Đề án xây dựng đường ra đồng”. Tuy nhiên, những năm trước đây, huyện chỉ có 228 triệu đồng/năm để hỗ trợ các xã làm đường giao thông nông thôn nói chung. Phải đến năm 2011, khi “cứng hoá” đường ra đồng được xác định là một trong những trọng điểm của nông thôn mới, huyện chính thức tạo sự đột phá về mức hỗ trợ các địa phương. Năm nay, HĐND huyện tiếp tục dự kiến phân bổ 1.380 triệu đồng cho “cứng hoá” đường ra đồng. Nét mới trong đầu tư hỗ trợ “cứng hoá” đường ra đồng từ năm nay trở đi của huyện là hướng các xã, thị trấn đưa đường được trải vật liệu cứng vào cấp đường giao thông nông thôn, tối thiểu là đường có chiều rộng mặt đường 3m, lề đường mỗi bên rộng 0,5m. Đối với những trục đường ra đồng không trồng lúa, để tạo thuận lợi cho xe vào vận chuyển nông sản thì phải đạt tối thiểu bề rộng mặt đường 5m”.

Từ sự quan tâm đầu tư của tỉnh, của huyện, đặc biệt là cơ chế khuyến khích, vận động nhân dân tích cực đóng góp để trải vật liệu cứng đường ra đồng, đến nay toàn huyện Kim Động đã có trên 35% trong tổng số khoảng 181 km đường ra đồng được “cứng hoá”. Như vậy, với mục tiêu đến năm 2015 có ít nhất 70% chiều dài các tuyến đường ra đồng được trải vật liệu cứng, tức là chỉ còn hơn 3 năm nữa huyện Kim Động phải phấn đấu trải vật liệu cứng đường ra đồng được ít nhất 35% nữa, tương ứng trên 63km đường, bằng toàn bộ phần đường đã được “cứng hoá” từ trước đến nay. Đây là khối lượng công việc khổng lồ, nói như anh Trần Tất Thắng “Sẽ rất khó thực hiện nếu không gắn liền với sự đầu tư mạnh mẽ xây dựng nông thôn mới”.

Để phấn đấu đạt mục tiêu về “cứng hoá” đường ra đồng đến năm 2015 theo các tiêu chí đề ra, vấn đề quan trọng nhất là cần có sự chỉ đạo, quan tâm tạo điều kiện từ tỉnh đến huyện, đặc biệt là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của xã, thị trấn, công tác tuyên truyền, vận động của thôn, khu dân cư, xác định “cứng hoá” đường ra đồng là nhiệm vụ trọng tâm phải triển khai thực hiện bằng được, gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là vấn đề kinh phí. Với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bên cạnh tích cực tranh thủ sự hỗ trợ, ủng hộ từ ngân sách các cấp, từ các nguồn vốn tài trợ, mỗi địa phương năng động, sáng tạo trong việc thu hút các nguồn vốn xã hội hoá từ dân cư, doanh nghiệp, con em quê hương đang sinh sống và làm việc ngoài địa bàn... Đại diện Phòng Công Thương huyện Kim Động cho biết: “Về phía Phòng Công Thương huyện sẽ tích cực tham mưu với UBND huyện để tạo cơ chế tốt nhất cho các địa phương thúc đẩy phong trào làm đường giao thông nông thôn, trong đó có “cứng hoá” đường ra đồng. Để giảm sức nặng đóng góp trên vai nông dân, khuyến khích họ tích cực góp sức làm đường, Phòng Công Thương tham mưu UBND huyện cho phép tiến hành theo phương án rút gọn nhưng vẫn bảo đảm quy trình đầu tư, chính sách của Nhà nước đối với những tuyến đường có tổng mức đầu tư dưới 500 triệu đồng. Phương án rút gọn sẽ tiết kiệm được khoảng 20% tổng mức đầu tư (từ chi phí ban quản lý dự án, chi phí giám sát (thay bằng giám sát cộng đồng), chi phí thẩm định dự án...) để dành đầu tư xây dựng công trình”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực