Kỳ vọng một năm học mới

Thứ năm, 06/09/2012 16:43

 

Ảnh minh họa (Nguồn: báo Hưng Yên) 

Kế thừa thành tựu của năm học 2011- 2012,  năm học 2012 -2013 ở tỉnh Hưng Yên được nhiều người kỳ vọng: Khi nguồn lực đầu tư cho giáo dục được tăng cường, chất lượng  giáo dục toàn diện tiếp tục được nâng cao.

Năm học 2012 - 2013 ngành GD - ĐT xác định thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm là: "Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; chăm lo đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; công tác kế hoạch, tài chính và tăng cường cơ sở vật chất". Đây là những nhiệm vụ quan trọng trong năm học đầu tiên thực hiện "Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020" của Chính phủ. Ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc Sở GD- ĐT cho biết: "Nhóm nhiệm vụ này đã bao quát cơ bản những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành GD - ĐT. Toàn ngành nỗ lực phát huy nội lực và ngoại lực, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tất cả vì học sinh thân yêu".

Đón năm học mới, qui mô, mạng lưới giáo dục trong tỉnh cơ bản ổn định. Từ bậc mầm non đến THPT có tổng số khoảng 240 nghìn học sinh. Toàn tỉnh hiện có 174 trường mầm non, 169 trường tiểu học, 170 THCS, 37 THPT, 11 trung tâm giáo dục thường xuyên, 5 trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, 161 trung tâm giáo dục cộng đồng, 19 trường chuyên nghiệp. Về quy hoạch hệ thống các trường lớp, đến nay tất cả các xã, phường đều có trường mầm non, từ 1 đến 2 trường tiểu học, THCS. Mỗi huyện, thành phố có từ 2 đến 4 trường THPT, 1 trung tâm GDTX, 2 huyện có 1 trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp. Tỉnh ta thực hiện đa dạng hóa loại hình đào tạo,  tạo điều kiện phát triển giáo dục ngoài công lập và giáo dục không chính quy, mạng lưới trường lớp phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nhu cầu nâng cao dân trí và đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài loại hình trường công lập, bậc THPT, mầm non còn có loại hình trường tư thục. Việc mở rộng mạng lưới giáo dục như vậy đã đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập, góp phần quan trọng trong việc giáo dục thanh, thiếu niên và nâng cao trình độ dân trí. Công tác phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi được duy trì nên không có tình trạng học sinh bỏ học. Đặc biệt Hưng Yên là 1 trong 9 tỉnh trong toàn quốc tiên phong đăng ký hoàn thành phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi trong năm 2012. Đến nay, 10/10 huyện, thành phố được UBND tỉnh công nhận hoàn thành phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi và có hồ sơ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo về kiểm tra và công nhận Hưng Yên là tỉnh hoàn thành phổ cập GDMN trẻ em 5 tuổi trong năm 2012. Đây là nhiệm vụ lớn, công phu, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng đối với lớp "măng non" của tỉnh. Ông Phạm Văn Viết, Chủ tịch UBND xã Ngọc Long ( Yên Mỹ) bày tỏ: " Qua công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, nhân dân và chính quyền địa phương hiểu rằng cần có sự bình đẳng giữa các cấp học, bậc học. Bậc học mầm non là bậc học đầu đời đối với mỗi người, khi được quan tâm đúng mức, tạo điều kiện để phát triển, trẻ không những được chăm sóc, giáo dục tốt hơn mà còn sẵn sàng tâm thế, kỹ năng khi lên học ở bậc tiểu học". Để hoàn thành công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đòi hỏi sự đầu tư về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Chính sự tăng cường nguồn lực này, kỳ vọng chất lượng giáo dục từ bậc mầm non được nâng cao.

Năm học 2012 - 2013 cũng là thời điểm "nước rút" để tỉnh ta thực hiện đề án kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 2008 - 2012 từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Từ việc thực hiện đề án này, cơ sở vật chất các trường học được cải thiện đáng kể. Triển khai thực hiện Đề án kiên cố hóa, đến nay, tỉnh ta đã khởi công xây dựng 1.663 phòng học, chiếm 56% so với kế hoạch. Trong đó có 1.042 phòng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 621 phòng đang xây dựng. Tổng số phòng đã khởi công xây dựng nằm trong 173 công trình. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố cao tầng ở bậc học mầm non đạt 65%, ở bậc tiểu học đạt 86,4%, ở bậc THCS đạt 90,1%, ở bậc THPT đạt 87,6%. Nhiều trường học được đầu tư xây dựng khang trang, vững chãi, đẹp về cảnh quan sư phạm, thuận lợi cho hoạt động giảng dạy, học tập. Đó là điều kiện quan trọng để phục vụ hoạt động của các nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Ngay từ đầu năm học, toàn ngành phát động phong trào thi đua dạy tốt - học tốt gắn với nhiệm vụ chăm lo đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Xác định chất lượng giáo dục phụ thuộc nhiều vào chất lượng đội ngũ giáo viên nên công tác xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ được ngành quan tâm thực hiện. Đến nay tỷ lệ giáo viên  ở bậc mầm non: đạt chuẩn 98,5%, trên chuẩn 43,8%; bậc tiểu học: đạt chuẩn 100% , trên chuẩn 72,5%, bậc THCS: đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 41,84%; bậc THPT: đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 11,53%. Hiện nay toàn ngành có khoảng 3000 giáo viên đang theo học các lớp nâng chuẩn. Đặc biệt, một "điểm nhấn" trong năm học này là việc chuyển đổi các trường mầm non bán công sang trường công lập. Đề án chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang công lập đã được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ họp nhất trí thông qua bằng Thông báo số 616- TB/TU ngày 13.7.2012, trong đó chuyển đổi 159 trường mầm non bán công sang công lập và tuyển dụng 1 lần đối với 2747 giáo viên mầm non ngoài biên chế hiện đang công tác tại các trường bán công vào biên chế nhà nước. Đây là sự quan tâm, định hướng quan trọng để ngành có "ngoại lực" thúc đẩy các hoạt động trong sự nghiệp "trồng người". Có thể nói đây là sự "đột phá'' đối với giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh, tác động tích cực đến 159 trường mầm non và đời sống của 2747 giáo viên mầm non. Cô giáo Phạm Thị Thoa, Phó hiệu trưởng Trường mầm non xã An Viên xúc động cho biết: "Tất cả giáo viên nhà trường rất phấn khởi khi biết tin tỉnh sẽ chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập. Như vậy hoạt động của các nhà trường ổn định hơn, đời sống của đội ngũ giáo viênbảo đảm tốt hơn. Đón năm học mới với niềm vui như vậy, là động lực to lớn để đội ngũ giáo viên mầm non hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".

Năm học mới 2012 - 2013 đang đến gần với nhóm nhiệm vụ khá nặng nề. Tin rằng, với việc kế thừa thành tích "đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong toàn quốc" của năm học vừa qua, với những nguồn lực đầu tư cho giáo dục về cả yếu tố vật chất và yếu tố con người, ngành giáo dục tỉnh nhà tiếp tục đạt được những kỳ vọng về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho các thế hệ học sinh thân yêu.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực