Làng nghề Hưng Yên thời hội nhập

Thứ ba, 24/11/2015 17:05

Hiện nay, toàn tỉnh Hưng Yên có 54 làng nghề hoạt động, tạo việc làm cho hơn 21 nghìn lao động. Trong xu thế hội nhập hiện nay, một số làng nghề đã có bước khởi sắc, doanh thu hàng năm đều tăng lên, đời sống của cư dân làng nghề có bước cải thiện.


Xã Dương Quang (Mỹ Hào) hiện có khoảng 70 – 80 xưởng sản xuất đồ mộc, tập trung chủ yếu tại các thôn Vũ Xá, Bùi Bồng, Mão Chinh, Hiển Dương. 
 

 

Nghề mộc ở xã Dương Quang (Mỹ Hào). Ảnh: báo Hưng Yên 


Trước đây, sản phẩm của các hộ sản xuất chủ yếu là đồ gia dụng và tiêu thụ ở thị trường trong nước. Tuy nhiên, khi các sản phẩm cùng loại được thay thế bằng các chất liệu khác có độ bền hơn, mẫu mã đẹp đã làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm bằng mộc khiến cho tình hình sản xuất của các hộ gặp nhiều khó khăn.
 
Khoảng 3 năm trở lại đây nhiều hộ sản xuất ở xã Dương Quang đã tiếp cận một số thị trường khó tính để tìm hiểu thị hiếu của khách hàng từ đó có những thay đổi về mẫu mã, hình thức sản phẩm cho phù hợp.
 
Bên cạnh đó, được sự quan tâm của chính quyền xã trong việc hỗ trợ vay vốn, các hộ làm mộc ở xã Dương Quang đã đầu tư máy móc, chuyển sang sản xuất với quy mô lớn, đáp ứng được nhiều đơn hàng lớn của khách hàng trong nước và một số khách hàng lớn ở Trung Quốc. Hiện nay, các hộ chủ yếu sản xuất các mặt hàng như: Cây cảnh, con giống, tượng, lọ lục bình … bằng các loại gỗ quý hiếm được chạm khắc với độ tinh xảo cao. Mặt khác, các hộ sản xuất liên kết trong các khâu thiết kế mẫu mã, cung ứng nguyên liệu, đến sản xuất và tiêu thụ, tạo thành chuỗi sản xuất bền vững và thương hiệu cho làng nghề.
 
Hiện nay, nghề mộc ở xã Dương Quang tạo việc làm cho khoảng 400 lao động địa phương với mức thu nhập 7 – 8 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản xuất từ nghề mộc của xã đạt trên 10 tỷ đồng/năm, trong đó, giá trị xuất khẩu chiếm trên 60%.
 
Cũng như xã Dương Quang, trước xu thế hội nhập, một số làng nghề như: Làng nghề hương thôn Cao, xã Bảo Khê (thành phố Hưng Yên); làng nghề tương Bần (Mỹ Hào); làng nghề đúc đồng Lộng Thượng, xã Đại Đồng (Văn Lâm) đã có những thay đổi tích cực trong sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
 
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều làng nghề gặp không ít khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, nhất là về quy mô hoạt động, khả năng phát triển mẫu mã, sản phẩm mới, tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, thị trường...
 
Hiện nay, phần lớn các làng nghề trên địa bàn tỉnh vẫn phát triển sản xuất theo mô hình kinh doanh hộ, mô hình doanh nghiệp và hợp tác xã còn ít. Do vậy, khó đáp ứng được những đơn hàng lớn trong thời gian ngắn.
 
Bên cạnh đó, việc đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng trong các hợp đồng xuất khẩu cũng đang là khó khăn đối với các doanh nghiệp, các làng nghề.
 
Thời gian qua, mặc dù các hộ sản xuất mây tre đan ở các làng nghề đã không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng tại một số thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…
 
Tuy nhiên, nghề mây tre đan còn ở quy mô nhỏ; trên 80% các cơ sở sản xuất không đủ vốn để đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất. Do vậy, sản phẩm thiếu đa dạng về mẫu mã, hạn chế sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, đa số sản phẩm hàng mây tre đan của các làng nghề vẫn sản xuất theo mẫu cũ, ít được cải tiến, sáng tạo mới; một số làng nghề chỉ chuyên sản xuất theo mẫu đặt hàng có sẵn của khách hàng; việc đăng ký thương hiệu hàng hóa và kiểu dáng sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh chưa được quan tâm đầu tư, hỗ trợ.
 
Ông Lê Văn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế Hợp tác xã và Trang trại (Chi cục Phát triển nông thôn) cho biết: Để không bị tụt hậu trong quá trình hội nhập, các làng nghề cần có sự thay đổi trong việc liên kết sản xuất, từ đó tạo ra những sản phẩm có sự khác biệt, giá thành hạ và hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và thế giới; đẩy mạnh trang bị công nghệ hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hội nhập là một bước phát triển rất quan trọng nhằm tạo cơ hội cho các làng nghề tăng tính cạnh tranh, phát triển bền vững. Trong khi công nghệ sản xuất và tay nghề của người lao động ở các làng nghề chưa được đổi mới, thì việc cần làm là phải chuyển đổi mô hình hộ cá thể độc lập sang mô hình cá thể liên kết nhằm tạo sức mạnh mới trong sản xuất…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực