Ngành Tài chính tỉnh Hưng Yên: Nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội

Thứ năm, 30/08/2012 17:02

Được thành lập và trưởng thành cùng sự nghiệp chung của ngành Tài chính Việt Nam (28.8.1945), 67 năm qua ngành Tài chính tỉnh Hưng Yên có bề dày truyền thống vẻ vang cùng với Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, từ khi tái lập tỉnh, ngành tài chính đã nỗ lực phấn đấu phục vụ đắc lực sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh Hưng Yên.

Khi tái lập tỉnh Hưng Yên vào tháng 1/1997, ngành Tài chính Hưng Yên cũng được tái lập. Lúc ấy, Sở Tài chính – Vật giá Hưng Yên chỉ vẻn vẹn 6 người, hệ thống cấp huyện có 6 Phòng Tài chính Thương nghiệp với 69 cán bộ, nhân viên. Khó có thể kể hết khó khăn của sở bởi không chỉ lo về điều kiện làm việc của đơn vị, nơi ăn chốn ở, động viên tư tưởng để cán bộ yên tâm công tác, Sở Tài chính – Vật giá Hưng Yên còn phải chủ trì phối hợp với các ngành liên quan lo nguồn lực để bố trí điều kiện làm việc, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội… nhu cầu rất lớn của tỉnh mới tái lập. Được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Tài chính Hưng Yên đã vượt qua khó khăn ban đầu, thể hiện rõ vai trò chủ động, tích cực tham mưu với tỉnh trong lĩnh vực điều hành ngân sách, đồng thời làm tốt chức năng quản lý nhà nước về tài chính, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng phát triển.

Để đáp ứng tốt nhiệm vụ chuyên môn, ngành tài chính xác định công tác cán bộ là then chốt. Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn và năng lực quản lý cho cán bộ, công chức đã được ngành quan tâm đúng mức kết hợp với từng bước hiện đại hóa công nghệ quản lý, đồng thời phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, đoàn thể vững mạnh… Sự nỗ lực không ngừng của cán bộ, công chức ngành Tài chính đóng góp vào kết quả thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh tăng nhanh và ổn định hàng năm. Nếu như năm đầu tái lập tỉnh, tổng thu NSNN có 91 tỷ đồng, tổng chi NSNN 250 tỷ đồng, thì đến năm 2000 tổng thu NSNN đã tăng 1,7 lần, tổng chi NSNN tăng gần 2 lần so với năm 1997. Tổng số thu, chi NSNN toàn tỉnh hàng năm đều tăng, đến năm 2011 tổng thu ngân sách hơn 4.550 tỷ đồng, tổng chi ngân sách hơn 4.321 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4 lần so với năm 2005. Ngành chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều hành NSNN, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức chi tiếp khách, chi công tác phí, hội nghị, quy định phân cấp nguồn thu, tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách, nhiệm vụ chi theo từng thời kỳ ổn định ngân sách; phối hợp với các ngành liên quan tham mưu với tỉnh ban hành khung giá đất trên địa bàn tỉnh hàng năm, đơn giá bồi thường tài sản, cây cối khi Nhà nước thu hồi đất, các loại phí, lệ phí… Hàng năm Sở Tài chính làm tốt công tác xây dựng dự toán ngân sách của tỉnh, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị dự toán cấp tỉnh, huyện xây dựng dự toán; giúp UBND tỉnh lập phương án phân bổ ngân sách, lập dự toán điều chỉnh, quyết toán thu, chi NSNN trình HĐND tỉnh quyết định, phê chuẩn... Hàng tháng, hàng quý, Sở Tài chính tổng hợp báo cáo thu, chi NSNN phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh về lĩnh vực NSNN. Đóng góp nổi bật nhất của Sở Tài chính với công tác quản lý tài chính, ngân sách của tỉnh là góp phần cùng các ngành trong khối tài chính đề ra và tổ chức thực hiện thành công nhiều biện pháp để thực hiện đạt và vượt dự toán thu NSNN do Bộ Tài chính và HĐND tỉnh giao, cân đối được nhiệm vụ chi hàng năm. Đặc biệt, năm 2012, mặc dù công tác thu ngân sách trên địa bàn tỉnh khó khăn nhất từ trước đến nay do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, song các ngành trong khối quyết tâm không để các đơn vị dự toán phải giảm chi theo dự toán đã giao đầu năm như một số tỉnh trong khu vực. Mặt khác, Sở Tài chính tham mưu với tỉnh các biện pháp sử dụng nguồn tăng thu, khai thác tối đa các nguồn hỗ trợ của Trung ương để cân đối chi các mục tiêu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đáng nói là, các công trình lớn, mang tầm cỡ thế kỷ năm nay đều được ứng ngân sách vốn khá, điển hình như: Tuyến đường bộ nối đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được bố trí 350 tỷ đồng, Trung tâm Hội nghị tỉnh 100 tỷ đồng, Khu Đại học Phố Hiến 100 tỷ đồng…

Để quản lý chặt chẽ nguồn lực của Nhà nước, Sở Tài chính coi trọng công tác hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý tài chính, ngân sách, giá, thực hiện chế độ kế toán của chính quyền cấp huyện, tài chính của Lliên minh các hợp tác xã, các doanh nghiệp nhà nước của tỉnh, các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp nhà nước cấp tỉnh; thẩm tra quyết toán các dự án đầu tư do tỉnh quản lý, thẩm định và chịu trách nhiệm quyết toán thu, chi NSNN huyện; quản lý tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp; chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật tài chính giúp UBND tỉnh giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về tài chính theo quy định của pháp luật…

Ghi nhận những thành tích xuất sắc của ngành tài chính đóng góp vào sự phát triển của tỉnh, của đất nước, nhiều tập thể và cá nhân của ngành đã được các cấp khen thưởng. Nhất là từ năm 2007 đến nay, liên tục ngành được Chủ tịch UBND tỉnh tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, năm 2010 được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc cho đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2009 – 2010, năm 2011 được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc cho đơn vị nhất khối thi đua kinh tế tổng hợp tỉnh Hưng Yên năm 2010. Năm 2012, Sở Tài chính Hưng Yên vinh dự được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Thực tiễn trình độ phát triển kinh tế - xã hội đất nước ngày càng cao, hơn nữa, Hưng Yên đang trên đường phấn đấu xây dựng trở thành tỉnh khá trước năm 2020 càng đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức ngành tài chính không ngừng tiếp tục phấn đấu vươn lên, tự hoàn thiện mình để đáp ứng tốt yêu cầu công việc trong tình hình mới. Ngành Tài chính Hưng Yên sẽ tiếp tục chủ động làm tốt vai trò tham mưu với tỉnh thực hiện chính sách tài khóa hiệu quả, phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước hàng năm được Trung ương và HĐND tỉnh giao để đáp ứng nhiệm vụ chi theo dự toán; cơ cấu lại chi theo hướng hiệu quả hơn, ưu tiên cho con người, lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính; tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa một số hoạt động dịch vụ sự nghiệp, khuyến khích xã hội hóa đi đôi với tăng cường quản lý nhà nước; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý giá và kiềm chế lạm phát… Toàn thể cán bộ, công chức ngành Tài chính Hưng Yên nguyện phấn đấu hết mình để góp phần vào sự phát triển và tăng trưởng bền vững kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực