Nghề cơm nắm muối vừng ở xã Lạc Đạo

Thứ sáu, 04/05/2012 11:09

Những nắm cơm trắng tinh, dẻo, thơm cùng với muối vừng vàng, béo ngậy xưa nay được coi như một món ăn dân dã mà nhiều gia đình ở vùng quê tự làm và ăn trong những lúc ra đồng cày cấy. Ngày nay, khi theo gánh hàng rong của các bà, các chị xã Lạc Đạo (Văn Lâm, Hưng Yên) lên thành phố, món ăn này đã trở thành món quà quê thơm thảo được nhiều người yêu thích.

Cơm nắm muối vừng đã cùng người dân của xã Lạc Đạo rong ruổi khắp mọi ngõ ngách thành phố từ nhiều năm nay. Bà Nguyễn Thị Đảo năm nay đã ngoài 80 tuổi, người được biết đã khai sinh ra nghề làm cơm nắm muối vừng. Từ những năm 1970, bà đã rong ruổi khắp các phố của Hà Nội để bán thứ quà quê dân dã này. 34 năm làm nghề cơm nắm, nhờ gói cơm nắm muối vừng mà kinh tế nhà bà trở nên phát đạt, nhiều người dân trong xã đua nhau tới học hỏi. Bà không quản ngại truyền nghề cho một số người để họ cùng nhau làm và bán.

Lúc đầu cả xã chỉ có vài người nắm cơm bán, dần dần hầu như nhà nào cũng làm cơm nắm, có người đi bán cơm nắm ở khắp các tỉnh lân cận. Hiện nay xã Lạc Đạo có trên 10 hộ chuyên làm cơm nắm bán buôn và hàng trăm người đi bán cơm nắm rong. Cơm nắm muối vừng từ lâu đã trở thành một nghề nuôi sống cho cả xã Lạc Đạo. Gia đình anh Biên, chị Lịch là một trong những hộ làm cơm nắm nhiều nhất và có thâm niên lâu năm nhất trong xã, trung bình mỗi ngày anh chị cung cấp ra thị trường khoảng 600 nắm cơm. Khởi nghiệp nghề này từ những năm 1990, vợ chồng chị đã đầu tư các nồi gang lớn, mua gạo ngon đầu mùa, tích trữ nước mưa và khai thác nguồn nước sạch để nấu cơm. Ngày nào cũng vậy, để có được những gói cơm nắm đúng giờ giao cho những người đi bán rong, anh chị phải vào bếp từ lúc 12h đêm, cùng lúc nổi 3 bếp lửa, trong khi một nồi đun nước thì một nồi nấu cơm và một nồi khác đang trong giai đoạn ủ chín. Mỗi đêm anh chị phải nấu 6- 7 nồi cơm to, vì vậy phải tính thời gian để đến 5 giờ sáng là xong việc, khi ấy cũng là lúc những người bán hàng rong đến lấy hàng đi bán.

 

Vợ chồng anh Biên, chị Lịch chuẩn bị nguyên liệu làm cơm nắm muối vừng
cho buổi chợ ngày hôm sau. Ảnh: báo Hưng Yên.
 

Cơm nắm chỉ đơn giản là gạo được nấu thành cơm rồi được nắm lại, thế nhưng để có được một nắm cơm trắng tinh, mềm, dẻo lại không hề đơn giản. Nấu cơm để nắm không giống như nấu cơm ăn hằng ngày mà cơm sẽ phải nát hơn một chút thì khi nắm mới dẻo. Dụng cụ để nắm cơm cũng rất đơn giản, chỉ là một mảnh vải trắng thun có độ co giãn. Cứ một muôi cơm là thành một nắm và phải nắm lúc cơm còn nóng thì mới được, để nguội cơm sẽ rời rạc, không dẻo nữa. Lúc nắm phải chắc tay, day thật đều để cơm mềm ra. Chia sẻ về bí quyết làm cơm nắm ngon, chị Lịch cho biết: Gạo làm cơm nắm ngon và dẻo phải là gạo 203 hoặc gạo Q4. Xoong nấu cơm phải bằng gang, dày, nhiều hơi thì cơm mới dẻo. Gạo sau khi nhặt sạch sạn, vo kỹ 2 lần rồi nấu bằng nước mưa, đun sôi bằng củi sau đó vùi bằng rơm, tuyệt đối không dùng nước có lượng phèn hoặc sắt là hỏng cơm. Bí quyết rang vừng ngon của chị cũng rất đơn giản: cho 5kg lạc rang cùng với nửa kg vừng và muối rang cùng nhau giã nhỏ thì vừng vừa thơm vừa béo ngậy. Món ăn càng đơn giản thì càng phải làm cẩn thận và ngon để có được lượng khách bền.

Nghề bán cơm nắm dạo đã theo người dân Lạc Đạo mấy chục năm nay và tạo nguồn thu đáng kể cho nhiều người dân. Cơm nắm không còn là sự hiện diện của cái nghèo, cái khổ nữa, nay đã trở thành một thứ quà quê rẻ tiền nhưng ngon miệng. Ngày lại ngày, dù trời mưa hay nắng, từ sáng sớm, các bà, các chị đạp xe đến bến xe buýt Như Quỳnh, rồi đón chuyến xe sớm nhất lên Hà Nội, từ đó tỏa đi khắp các phố phường để bán hàng. Người thì tay xách làn, tay cắp mẹt; người khác lại làm đôi quang thúng gánh. Mỗi người bán một ngày cũng hết được từ 30 đến 50 nắm cơm kèm với vừng hoặc ruốc, chả. Thông thường những tháng đầu năm là thời điểm bận rộn nhất của cả xã. Vì đây là lúc người dân đi hội, lễ chùa nhiều nên họ thường đặt cơm nắm, muối vừng mang theo. Còn bình thường những người dân trong xã mang ra Hà Nội bán hoặc bán ở những bến tàu, bến xe quanh tỉnh. Nghề cơm nắm muối vừng đã tạo thêm nhiều việc làm cho người dân xã Lạc Đạo với mức thu nhập từ 2- 3 triệu đồng/ người/ tháng đối với người bán rong và từ 5- 7 triệu đồng/ tháng đối với các chủ lò. Nhiều gia đình nhờ cơm nắm đã trở nên khá giả, xây được nhà cao tầng, có tiền cho con học đại học.

Ông Lê Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Lạc Đạo nói: Cơm nắm muối vừng từ lâu đã trở thành một nghề truyền thống của cả xã Lạc Đạo. Đây là nghề phụ ổn định mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình và giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong xã. Để nghề cơm nắm của xã giữ được uy tín, hàng năm xã thành lập đoàn kiểm tra đến các hộ chế biến cơm nắm muối vừng để kiểm tra và tuyên truyền nâng cao ý thức bảo đảm VSATTP.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực