Nhờ có lợi thế nằm trọn trong khu vực ngoại bối, giáp với sông Hồng và có nhiều diện tích mặt nước, nên người dân thôn Đông Khu (xã Đức Hợp, Kim Động, Hưng Yên) có nghề truyền thống đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản. Nhất là vào những tháng xuân này, nghề đánh bắt cá mòi- loại cá đặc sản của địa phương, đã trở thành “nghề phụ cho thu nhập cao” đối với các hộ dân thuyền chài.
Bên những cánh đồng bãi trồng màu xanh tốt đang vào vụ xuân, dòng sông Hồng chảy hiền hoà, những nếp nhà khang trang, lô nhô màu ngói mới của thôn Đông Khu hiện lên nổi bật. Ông Trần Thanh Hải, Bí thư chi bộ thôn Đông Khu cho biết: “Thôn có ngót 1000 khẩu, hơn 240 hộ dân, ngoài trồng màu thì người dân còn nhiều ngành nghề phụ khác như: chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, kinh doanh thương mại… song, như một nét truyền thống thì nghề chài lưới trên sông vẫn được duy trì từ nhiều đời nay. Trước kia, các ngành nghề chưa phát triển mạnh thì hầu hết dân trong thôn sống bằng nghề chài lưới, nay số lượng có giảm đi song vẫn có gần 30 thuyền đánh bắt cá hoạt động, đem lại thu nhập ổn định cho người dân”. Nghề đánh bắt cá của các hộ chài lưới diễn ra quanh năm, thế nhưng sôi động nhất có lẽ chính là những tháng xuân này, khi cá mòi về nhiều, đem đến nguồn lợi thuỷ sản đặc biệt cho vùng. Cá mòi là loại thuỷ sản khá đặc biệt trên sông Hồng. Không có quanh năm, loại cá này chỉ ngược từ biển về khi tới mùa sinh sản, tức mùa xuân. Thân cá dài từ 15- 20cm, vảy bạc mềm, khối lượng trung bình từ 0,8- 1,2 lạng/con, cá biệt có con to tới 1,5- 2 lạng. Mùa đánh bắt cá có trứng, thịt thơm ngon, phù hợp chế biến nhiều loại thức ăn bổ dưỡng. Đây lại là cá đánh bắt tự nhiên, chỉ có theo mùa nên được nhiều người tiêu dùng ưa thích, luôn bán được giá cao và đắt hàng hơn các loại cá khác.
Bắt đầu từ tháng Giêng âm lịch, các thuyền tập trung cao độ cho mùa cá mòi, cho đến hết tháng 3, tháng 4. Từ những tháng trước Tết Nguyên đán, các hộ làm nghề chài lưới ở Đông Khu đã rậm rịch chuẩn bị cho mùa cá mòi mới. Bởi đánh bắt cá mòi cần có lưới riêng nên khâu mua sắm, đan, thắt lưới cũng khá kỳ công. Các hộ dân cho hay, vào mùa họ phải tự tay đi chọn lưới, thuê thợ làm loại lưới đặc dụng riêng, gọi là “đâu lưới”. Lưới rộng tới 7-8m, nhiều cái rộng trên 10m, dài hàng trăm mét, bảo đảm lưới giăng từ mặt nước cho tới sát đáy sông. Mắt lưới nhỏ, sợi mảnh phù hợp với kích cỡ của con cá mòi.
Ông Trần Văn Tiến, một hộ làm nghề chài lưới đã nhiều năm cho biết: “Nghề chài lưới trên sông của gia đình được ông cha truyền lại, nghề phụ mà đem lại thu nhập hàng ngày cho gia đình. Chúng tôi đánh bắt quanh năm, mùa nào thì loại cá đó, nhưng mùa cá mòi thì sôi động nhất và thu nhập cũng cao nhất”. Giá cá đầu mùa hiện nay lên tới 80- 100 nghìn đồng/kg, rộ mùa cũng được 40- 50 nghìn đồng/kg. Lấy công làm lãi, mỗi ngày các thuyền bắt được 4- 5 kg cá mòi là bình thường, rộ mùa có thể lên tới vài chục kg. Như vậy, khi công việc thuận lợi thì thu nhập của người dân cũng được 200- 300 nghìn đồng/ngày, hỗ trợ họ rất nhiều trong chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Tuy nhiên nghề cá cũng có nhiều vất vả. Các hộ đánh bắt cá mòi đều dùng thuyền nan loại to hoặc thuyền tôn, chèo tay hoặc đạp bằng chân, thời gian đánh bắt kéo dài và theo ca nhất định. Thường chia làm hai ca, ca đêm người dân xuống thuyền từ chiều, đi tới sáng. Ca sáng thì đi lúc 3 giờ sáng tới trưa hoặc tới đầu giờ chiều. Thuyền cá vừa cập bờ người dân nhanh chóng mang ra chợ của địa phương bán lẻ hoặc bán buôn, vận chuyển đi các nơi tiêu thụ. Việc mua bán rất thuận lợi, nhanh chóng bởi loại thuỷ sản thơm ngon, bổ dưỡng này luôn được các bà nội trợ chờ đón. Thậm chí không ít gia đình sẵn sàng đặt trước chủ thuyền để có được những mẻ cá tươi ngon làm quà. Theo ước lượng, khi vào mùa mỗi ngày các thuyền ở Đông Khu cũng đánh bắt được vài tạ cá mòi và nhiều loại cá khác.
Những ngày đầu xuân cũng là những ngày đầu vụ cá mòi, lúc này được cho là thời điểm cá ngon nhất, đắt nhất. Không chỉ vì đầu mùa, số lượng ít mà còn vì thời điểm này cá mới về sông, chớm mùa sinh sản, buồng trứng mới hình thành, cá rất béo, nhiều thịt mà thịt lại thơm ngon. Cá mòi có thể chế biến nhiều cách tuỳ theo sở thích mỗi gia đình. Nhưng ở Đông Khu, cá mòi được chế biến theo cách riêng, rất đặc trưng. Cá mòi tươi sống sau khi sơ chế, khía chéo quanh thân cá, ướp tương gừng rồi làm 3 món là nướng than hoa, hấp lá bưởi và rán ròn bằng mỡ. Không ít nhà hàng trong vùng đã đặt cá của các hộ dân, học công thức này để phục vụ thực khách gần xa. Nhất là khách Hà Nội thường xuyên đặt mua hoặc tìm về địa phương để thưởng thức loại đặc sản dân dã này mỗi độ xuân về.
Để thuận tiện cho việc tiêu thụ cá sau đánh bắt, trong thôn cũng hình thành thói quen tiêu thụ riêng. Cá được bán ở những khu vực nhất định gọi là chợ cá, chợ cá mòi ở trên bến sông hoặc một số khu chợ trong vùng. Ngoài việc đánh bắt, các thành viên khác trong gia đình mà chủ yếu là phụ nữ đảm nhiệm công việc buôn bán cá. Cứ đầu giờ sáng và cuối giờ chiều các “khu chợ cá” lại sôi động, rôm rả hẳn lên vì những mẻ cá mòi tươi rói.
Mặc dù sản lượng đánh bắt không nhiều, hoạt động thủ công song nghề đánh bắt cá cũng như đánh bắt cá mòi ở Đông Khu vẫn luôn được người dân gìn giữ, duy trì, coi đây là nghề truyền thống, đem lại thu nhập ổn định. Các hộ dân còn tích cực vận động nhau tuyệt đối không đánh bắt tận diệt bằng chất nổ, không kích điện để vừa an toàn, vừa bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản nói chung, giữ những mùa cá sung túc cho mai sau.
|