|
Bác Hoàng Thanh Sơn đọc bản tin tại đài truyền thanh xã. Ảnh: báo Hưng Yên |
Hàng ngày 3 buổi: sáng, trưa, chiều, các cụm loa trên địa bàn xã Việt Hòa (Khoái Châu, Hưng Yên) lại vang lên giọng đọc quen thuộc của bác Hoàng Thanh Sơn (55 tuổi), là người phụ trách và gắn bó với đài truyền thanh xã đã tròn 30 năm nay. Nhờ sự say mê, tận tụy của mình, bác Sơn đã giúp hệ thống truyền thanh cơ sở ở xã Việt Hòa tạo được chỗ đứng khi kết nối người dân với cấp ủy, chính quyền cơ sở.
Tháng 8/1976, bác Hoàng Thanh Sơn nhập ngũ vào đơn vị Bộ Tư lệnh Thông tin và tham gia học chuyên ngành Báo vụ, thu phát tín hiệu. Sau 6 năm phục vụ trong quân đội, năm 1982, bác trở về địa phương và được Đảng ủy, UBND xã tín nhiệm giao phụ trách lưới điện, đài truyền thanh xã. Mặc dù là một trưởng đài nhưng bác Sơn kiêm nhiều công việc từ viết bài, biên tập, đọc phát thanh đến sửa chữa máy móc, thiết bị của đài. Nói về kỷ niệm trong những ngày đầu đài mới thành lập, bác Sơn vẫn nhớ: "Trước đây, cơ sở vật chất của đài còn thiếu thốn nên chúng tôi thường xuyên phải sửa chữa. Một lần để nâng cao chất lượng âm thanh chúng tôi phải trèo lên cột điện, khi ấy cán bộ phụ trách lưới điện chưa kịp ngắt cầu dao nên khi tháo được chiếc loa cũ ra thì không may vỏ loa chạm vào đường dây điện nên đồng nghiệp của tôi bị điện giật và ngã nhào xuống đất. Rất may, sự cố hôm đó không gây nên hậu quả gì nghiêm trọng nhưng chúng tôi được một bài học kinh nghiệm đáng nhớ trong nghề".
Những năm gần đây, đài truyền thanh xã Việt Hòa đã được đầu tư trang thiết bị, lắp mới máy tăng âm có công suất 500W bảo đảm truyền thanh đến 28 cụm loa ở khắp 4 thôn. Các máy móc thiết bị chuyên dùng cũng được đầu tư mua sắm bổ sung như đầu thu, đầu đĩa, đài catset…. Mỗi ngày đài truyền thanh xã duy trì phát 3 buổi, với thời lượng 2,5 giờ, trong đó có 30 phút là thông tin ở nhiều lĩnh vực của địa phương. Nội dung tuyên truyền chính là về các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phổ biến kiến thức về sản xuất nông nghiệp, biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe, gương người tốt việc tốt, những tin tức về tình hình sâu bệnh, các dịch bệnh và cách phòng bệnh… Đặc biệt, những sự kiện chính trị trọng đại của đất nước cũng như các ngày lễ lớn cũng được tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo người dân.
Trong suốt 30 năm làm công tác truyền thanh xã với giọng đọc truyền cảm, bác Sơn đã chuyển tải đến các tầng lớp nhân dân rất nhiều thông tin thiết thực, bổ ích. Bên chiếc bàn làm việc cũ kỹ cùng những thiết bị còn in dấu thời gian là biết bao kỷ niệm đáng nhớ trong nghề. Hàng ngày, không chỉ mở đài đúng giờ để người dân nghe được các chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh và Đài Truyền thanh huyện, bác Sơn còn thường xuyên phối hợp, cộng tác với các ban, ngành trong xã và tham gia viết tin, bài phản ảnh các hoạt động của địa phương. Không những vậy, bác Sơn còn chịu khó sưu tầm các thông tin bổ ích từ các báo như: Nhân dân, Hưng Yên, Đại đoàn kết… rồi đọc lên loa cho bà con cùng nghe. Mặc dù khoản phụ cấp cho cán bộ đài truyền thanh cơ sở còn ít ỏi (gần 500.000 đồng/tháng) nhưng không vì thế bác Sơn lơ là nhiệm vụ. Các buổi tiếp âm phát thanh của đài, bác thực hiện đều đặn từng ngày, kể cả ngày chủ nhật, lễ, tết. Mỗi lần mở đài lên, bác lại lấy xe máy đi kiểm tra xem trong số 28 cụm loa công cộng có chiếc nào bị hư hỏng không. Bên cạnh việc làm tốt nhiệm vụ, bác Sơn còn tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm do Đài tỉnh, đài huyện tổ chức và thường xuyên đọc báo, xem chương trình Thời sự, nghe đài để trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, nâng cao chất lượng tuyên truyền phục vụ nhân dân.
Với khả năng chuyên môn và lòng nhiệt huyết của mình trong công việc, bác đã được nhận kỷ niệm chương của Đài Tiếng nói Việt Nam trao tặng, nhiều lần được chọn đi dự các buổi liên hoan Truyền thanh đài cơ sở của tỉnh. Đài truyền thanh do bác phụ trách luôn được đánh giá là đài mạnh trong hệ thống đài cơ sở của huyện Khoái Châu, được tặng Bằng khen và nhiều giấy khen của các cấp.