|
Phát thanh viên đọc bản tin. Ảnh: báo Hưng Yên |
Trong thời gian qua, Đài Truyền thanh thành phố Hưng Yên đã làm tốt công tác tuyên truyền, phát huy vai trò là “tờ báo nói” của địa phương. Đài luôn bám sát định hướng nội dung tuyên truyền, thông tin và phản ánh kịp thời, sâu rộng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực:
Từ chính trị, kinh tế đến văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng; tập trung tuyên truyền các sự kiện chính trị quan trọng liên quan tới thành phố, nêu gương người tốt việc tốt; đồng thời phê phán những việc làm sai trái, các hiện tượng tiêu cực của xã hội và phòng, chống tham nhũng. Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Với kết quả đạt được, Đài Truyền thanh thành phố đã góp phần định hướng xây dựng xã hội, giáo dục và nâng cao hơn nữa ý thức chính trị, truyền thống cách mạng của quê hương, khơi dậy được phong trào thi đua yêu nước trong từng cơ quan, đơn vị và mọi tầng lớp nhân dân.
Trong năm 2011, Đài Truyền thanh thành phố đã phát sóng được 333 chương trình với số lượng tin, bài lên tới con số 3.050 (tăng 72 tin, bài so với năm 2010). Mỗi ngày Đài duy trì phát sóng hai buổi với tổng thời lượng phát sóng là 150 phút. Ngoài việc phục vụ tuyên truyền trên sóng của đài, Đài Truyền thanh thành phố Hưng Yên còn tích cực cộng tác tin, bài với Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên. Đồng thời, Đài còn phối hợp với các cơ quan ban ngành đóng trên địa bàn thành phố để xây dựng và duy trì thường xuyên một số chuyên đề, chuyên mục như: Văn minh đô thị, Vì an ninh tổ quốc, Bạn nên biết, Phổ biến kiến thức pháp luật, Chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Chuyên đề nông thôn, Chuyên mục sức khỏe, trang tin địa phương… đã làm cho nội dung truyền thanh thêm phần sinh động, phong phú, thu hút được nhiều khán giả nghe đài. Đài Truyền thanh thành phố Hưng Yên luôn là người bạn thân thiết, là kênh thông tin quan trọng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Bà Trần Thị Huê – một người dân ở xã Trung Nghĩa cho biết: “Sáng nào tôi cũng dậy sớm để nghe tin tức trên Đài truyền thanh thành phố Hưng Yên. Qua những thông tin đó, chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều điều và áp dụng vào cuộc sống. Bởi vậy, chúng tôi thấy rằng, Đài đã góp một tiếng nói rất lớn, là cầu nối chuyển tải các chủ trương của đảng và nhà nước đến với người dân".
Cùng với việc mở rộng thêm chương trình thời sự hàng ngày và xây dựng các chuyên mục, chuyên đề, đổi mới việc nâng cao chất lượng chương trình, Đài Truyền thanh thành phố Hưng Yên từng bước thay đổi các trang thiết bị theo hướng đồng bộ và hiện đại, bảo đảm thường xuyên việc sản xuất các chương trình của địa phương, cũng như tiếp âm và phát sóng các chương trình của Đài tỉnh, Trung ương. Đến nay, diện phủ sóng phát thanh của Đài đạt 100% địa bàn dân cư toàn thành phố. Đài Truyền thanh thành phố thực hiện đề án nâng cao chất lượng phát thanh, đổi mới công nghệ truyền thanh hữu tuyến sang hệ thống truyền thanh không dây kỹ thuật số, đã có 11 trong tổng số 12 xã, phường trên địa bàn thành phố được sử dụng và lắp đặt hệ thống loa không dây. Với đặc tính ưu việt vượt trội như: kích thước gọn nhẹ dễ vận chuyển, lắp ráp; chất lượng âm thanh tốt; tránh được tình trạng chạm chập, mất dây dẫn… hệ thống truyền thanh không dây kỹ thuật số là một trợ thủ đắc lực cho đài truyền thanh cơ sở trong việc truyền tin.
Để phát huy tốt vai trò “cầu nối”, Đài Truyền thanh thành phố Hưng Yên xác định bên cạnh việc đổi mới về công nghệ, cơ sở vật chất thì yếu tố con người đóng vai trò quyết định. Dù kinh phí hoạt động, thiết bị máy móc còn gặp nhiều khó khăn nhưng những người làm phát thanh nơi đây rất yêu nghề, đam mê công việc, phấn đấu nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ của một “tờ báo nói” địa phương. Hiện nay Đài Truyền thanh Thành phố Hưng Yên có 10 cán bộ, nhân viên. Cán bộ lãnh đạo vừa làm công tác biên tập vừa làm phóng viên, kỹ thuật viên kiêm phát thanh viên. Ngược lại phóng viên cũng phải làm nhiệm vụ trực máy, phát sóng khi cần thiết. Số ít ỏi cán bộ, nhân viên của Đài học chuyên ngành báo chí, số còn lại chỉ truyền kinh nghiệm cho nhau, song nhờ tinh thần đoàn kết, ý chí siêng năng, vượt khó và sáng tạo nên công tác chuyên môn luôn được cấp trên đánh giá là hoàn thành tốt.
Đối với huyện Ân Thi, xác định hệ thống truyền thanh cơ sở có vai trò quan trọng trong việc chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, văn bản hướng dẫn chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đến với người dân; là phương tiện thông tin giúp người dân tiếp cận được với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đời sống; cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước..., trong những năm qua các cấp chính quyền của huyện đã thường xuyên quan tâm đầu tư trang thiết bị xây dựng hệ thống truyền thanh cơ sở một cách đồng bộ. Hàng tháng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ cùng với Đài truyền thanh, phòng văn hoá - thông tin xây dựng kế hoạch, đề cương nội dung tuyên truyền sát với nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ ở địa phương. Đồng thời, phối hợp với Phòng Văn hoá - Thông tin huyện theo dõi sát sao việc thực hiện nội dung, kế hoạch tuyên truyền của đài truyền thanh huyện và cơ sở, kịp thời khắc phục những hạn chế cả về nội dung và chất lượng thông tin. Nhờ vậy, Ân Thi được đánh giá là một trong những địa phương có hệ thống truyền thanh từ huyện đến các xã, thị trấn hoạt động hiệu quả.
Để tạo thuận lợi cho công tác tuyên truyền, thời gian qua mặc dù còn nhiều khó khăn, song huyện đã quan tâm đầu tư khá đồng bộ cho hệ thống truyền thanh cơ sở. Ngoài hệ thống truyền thanh trung tâm của đài truyền thanh huyện, 21 xã, thị trấn hiện đều có đài truyền thanh, trong đó 9 xã đã được đầu tư lắp đặt hệ thống truyền thanh không dây và 12 xã còn lại đang sử dụng hệ thống truyền thanh hữu tuyến với tổng số 65,7km đường dây và 451 loa; kinh phí hoạt động hàng năm huyện đầu tư cho đài truyền thanh huyện lên đến hàng trăm triệu đồng. Riêng năm 2011 là 1,42 tỷ đồng và năm 2012 là 971 triệu đồng; các xã, thị trấn đầu tư trung bình từ 15 - 25 triệu đồng/đài. Với các xã, thị trấn tuy việc đầu tư cho hoạt động phát thanh chưa nhiều nhưng với những người làm công tác truyền thanh cơ sở vẫn tâm huyết với nghề. 21 đài truyền thanh cơ sở của huyện hiện có 48 cán bộ, nhân viên. Trong đó, người có tuổi đời cao nhất là ông Phạm Văn Quế, đài truyền thanh xã Bắc Sơn 68 tuổi đời, 29 năm gắn bó với sự nghiệp phát thanh của xã, nhưng với trách nhiệm là một đảng viên, bề dầy kinh nghiệm công tác gần 30 năm; ông Vũ Sỹ Phúc, đài truyền thanh xã Hồng Quang, 58 tuổi, 34 năm làm công tác truyền thanh... Những người làm công tác truyền thanh của xã không chỉ làm nhiệm vụ trực đài, biên tập công văn của các cấp uỷ đảng, chính quyền để chuyển tải đến người dân một cách dễ hiểu, dễ nhớ, thì hầu hết cán bộ truyền thanh ở các xã, thị trấn còn kiêm nhiệm thêm một số công việc khác như: kẻ vẽ tranh, chữ cổ động, trang trí khánh tiết hội trường cho các hội nghị… Công việc vất vả, phụ cấp chẳng đáng là bao nhưng họ vẫn yêu và tâm huyết với nghề.
Trong dòng chảy xã hội, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hệ thống truyền thanh cơ sở là một trong những thiết chế văn hoá quan trọng, nó không chỉ là kênh chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân mà còn là diễn đàn thông tin mọi mặt của đời sống xã hội. Dù là phần việc rất nhỏ trong cuộc sống đô thị hoá, nhưng với không ít người dân huyện Ân Thi và nhiều vùng quê khác chỉ cần một ngày không thấy “nhà đài” phát sóng là thấy thiếu vắng và đặt câu hỏi vì sao? Chỉ như vậy thôi đã là động lực để những người làm công tác truyền thanh cơ sở nơi đây thêm hứng khởi lao động sáng tạo cho mỗi chương trình phát thanh mới.