Những việc làm thiết thực ở thị trấn Ân Thi

Thứ ba, 05/06/2012 17:07

Là trung tâm kinh tế, văn hóa của huyện Ân Thi (Hưng Yên), thị trấn Ân Thi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Phát huy những điều kiện thuận lợi cùng với việc mạnh mẽ đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trong những năm qua thị trấn Ân Thi đã đạt được nhiều kết quả khích lệ, góp phần đưa thị trấn ngày càng phát triển.      

Làm cách nào và làm như thế nào để đưa nghị quyết đại hội đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn lần thứ XXVI (2010- 2015) vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất là điều băn khoăn, trăn trở của các lãnh đạo thị trấn Ân Thi. Vì vậy ngay sau đại hội, Ban chấp hành Đảng bộ thị trấn đã họp và đưa ra nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ cho nhiệm kỳ mới. Cùng với việc quán triệt nghị quyết đại hội đến cán bộ, đảng viên, Đảng bộ thị trấn đã tập trung xây dựng chương trình hoạt động toàn khóa của cấp ủy cũng như chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Cùng với đó đã chỉ đạo chính quyền và các ngành, đoàn thể thực hiện tuyên truyền, động viên đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia lao động sản xuất, đẩy mạnh phong trào thi đua để đạt kết quả cao ngay từ những năm đầu thực hiện nghị quyết đại hội.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuy là "thủ phủ" của huyện nhưng thị trấn Ân Thi vẫn coi sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trung tâm trong phát triển kinh tế trong đó hướng mạnh vào sản xuất nông nghiệp và thương mại-dịch vụ. Đảng bộ thị trấn đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất trên cánh đồng có thu nhập cao bằng việc mạnh dạn cho người dân “dồn thửa đổi ruộng”, biến những mảnh ruộng manh mún trước kia thành những cánh đồng mẫu lớn để dễ dàng chuyển giao khoa học công nghệ, đưa giống mới có năng suất chất lượng cao vào gieo trồng. Thị trấn đã vận động nông dân bỏ giống lúa cũ năng suất thấp thay thế vào đó là các giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao như: SYN 6, Thục Hưng 6, QR1... Năm 2011, toàn thị trấn đã gieo cấy được 4182 ha trong đó có trên 75% là lúa có giá trị kinh tế cao. Nhờ mạnh dạn trong việc “dồn thửa đổi ruộng”, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mà giá trị thu nhập bình quân trên một ha đất canh tác của thị trấn năm 2011 đạt 100 triệu đồng/ha, tăng 17% so với năm 2010. Để có được thành quả trên, thị trấn đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hội thảo đầu bờ, rút kinh nghiệm từ các mô hình trồng các loại giống chất lượng cao hiện có trên địa bàn. Đồng thời, thị trấn cũng giao cho Hội nông dân đứng ra tổ chức các đợt tham quan các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao trong và ngoài tỉnh cho nông dân. Với giống lúa mới hỗ trợ 50% giá lúa giống cho nông dân, ngoài ra còn hỗ trợ diệt chuột, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Phát huy lợi thế là trung tâm kinh tế, văn hóa của huyện lại thuận lợi là có quốc lộ 38, tỉnh lộ 200 chạy qua, thị trấn Ân Thi đã khuyến khích phát triển thương mại - dịch vụ. Hiện nay, thị trấn có trên 700 hộ tham gia kinh doanh, buôn bán, có nhiều hộ tham gia buôn bán lớn, với nguồn thu vài trăm triệu đồng một năm. Hiện nay, Công ty may FOREMART đóng trên địa bàn thị trấn và một số công ty khác đã tạo công ăn việc làm ổn định với mức thu nhập khá cho khoảng 500 lao động tại địa phương. Phong trào làm đường giao thông được chú trọng, hệ thống đường làng, ngõ xóm được bê tông, cứng hóa 100%.

 

Công ty may FOREMART đóng trên địa bàn thị trấn Ân Thi đã góp phần giải quyết
 việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Ảnh: báo Hưng Yên

 
Kinh tế phát triển, đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng lên. Bình quân thu nhập đầu người của toàn thị trấn năm 2011 đạt 23 triệu đồng/người/năm; trên 80% số gia đình được công nhận là gia đình văn hóa. Công tác giáo dục được quan tâm toàn diện từ cơ sở vật chất trang thiết bị trường học, đến đội ngũ cán bộ giáo viên. Hàng năm, 100% số trẻ ở độ tuổi đi học được đến trường, các em học sinh đỗ đại học năm sau cao hơn năm trước (năm 2011 toàn thị trấn có 60 em đỗ vào các trường đại học và cao đẳng). Từ sau Đại hội Đảng bộ thị trấn đến nay đã có trường tiểu học được công nhận là trường chuẩn quốc gia. Công tác khuyến học, khuyến tài được duy trì và phát triển, phát huy truyền thống của các dòng họ hiếu học như dòng họ Cáp, dòng họ Nguyễn Trung... Tình hình an ninh trật tự được giữ vững, an toàn xã hội được củng cố và tăng cường.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng được thị trấn đặc biệt chú trọng. Là một đảng bộ có số đảng viên đông của huyện với 542 đảng viên, sinh hoạt ở 20 chi bộ. Chi bộ nhiều nhất có 80 đảng viên. Trong công tác quản lý đảng viên, Đảng bộ thị trấn phân công nhiệm vụ cho mỗi đảng viên phụ trách khu, cụm dân cư để dễ nắm bắt tình hình tư tưởng cũng như thuận lợi trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng. Năm 2010, thị trấn phát triển được 8 đảng viên mới, năm 2011 phát triển được 9 đảng viên mới.

Từ kết quả đạt được cho thấy thị trấn Ân Thi đã cụ thể hóa nghị quyết bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Phó bí thư Đảng ủy thị trấn Hoàng Thế Nhân chia sẻ: để đạt được những kết quả trên, trong công tác lãnh đạo, thị trấn chú trọng 3 mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức. Các chỉ thị, nghị quyết  được quán triệt triển khai đến các chi bộ, các thôn, khu dân cư. Có làm tốt được điều này thì cán bộ, nhân dân trong thị trấn mới tin tưởng, yên tâm lao động sản xuất, góp phần nâng cao đời sống, đưa thị trấn ngày càng phát triển. Kết quả bước đầu của thực hiện nghị quyết chính là bước đệm để thị trấn thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ thị trấn đề ra.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực