|
Bà con nông dân thôn Phù Oanh, xã Nhật Tân (Tiên Lữ) chăm sóc lúa. Ảnh: báo Hưng Yên |
|
Tại Hưng Yên, khi thời vụ gieo cấy lúa mùa vừa xong, cũng là lúc nhu cầu sử dụng phân bón cho cây lúa của người dân trong tỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, giá phân bón tăng cao, trong khi giá thóc lại có xu hướng giảm khá mạnh, khiến bà con nông dân không khỏi lo lắng…
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, vụ mùa này toàn tỉnh gieo cấy hơn 40,3 nghìn ha lúa .Với mỗi ha lúa thì nhu cầu sử dụng phân bón đợt 1 khoảng 2,5 -3 tạ/ha. Nhu cầu phân bón lót cho cây lúa tương đối lớn, trong khi đó, các loại phân bón trên thị trường hiện nay lại tăng giá. Qua khảo sát thị trường được biết, phân urê Phú Mỹ có giá 500 nghìn đồng/bao (lloại 50kg) ở vụ xuân, nay đã tăng lên 590 nghìn đồng/bao; phân urê Trung Quốc tăng gần 100 nghìn đồng/ bao (từ 450 nghìn đồng lên 530 nghìn đồng/1 bao,loại 50 kg); các loại phân bón khác như NPK 513, NPK Đầu trâu màu vàng, NPK Việt – Nhật... có giá dao động từ 500 nghìn đồng đến 620 nghìn đồng, tăng từ 40.000 – 50.000 đồng/ bao (loại 50 kg) so với vụ trước. Anh Lê Văn Khuể, một chủ đại lý phân bón cấp 1 tại Phố Mới (xã An Viên, huyện Tiên Lữ) cho biết: trước đây, khi bước vào vụ sản xuất mới, giá các loại phân bón có tăng nhưng tăng nhẹ và không đáng kể, đến nay mới vào đầu vụ lúa mùa mà giá phân bón đã tăng cao ngất ngưởng, trung bình từ 15- 20% so với vụ lúa trước đó. Mặc dù giá phân bón tăng nhưng bà con nông dân vẫn phải mua bón cho lúa để kịp thời vụ.
Phân bón tăng giá khiến chi phí đầu tư cho cây lúa đang trở thành gánh nặng đè lên vai người nông dân. Gánh lo toan đó càng ngày càng nặng khi giá thóc trên thị trường lại có xu hướng giảm mạnh. Giá thóc thương phẩm dao động từ 5.300 – 5.700 đồng/ kg. Như vậy, tính trung bình mỗi tạ thóc người nông dân lại mất đi từ 200 nghìn – 250 nghìn đồng/1 tạ thóc so với vụ lúa trước. Chị Nguyễn Thị Chinh ở thôn Phù Oanh (xã Nhật Tân, huyện Tiên Lữ) phân trần: vụ lúa mùa năm nay, gia đình tôi gieo cấy 1,4 mẫu lúa, mỗi sào lúa cấy tôi phải chi 250 nghìn đồng mua phân bón; nếu chăm tốt thì bình quân một sào thu hoạch được 1,8 tạ thóc, tương đương với trên 900 nghìn đồng, nếu tính luôn cả tiền thuê máy móc làm đất, tiền thuê thợ cấy, gặt, tiền thuốc trừ sâu... thì gia đình tôi không có lãi. Cùng tâm trạng không vui như chị Chinh, chị Nguyễn Thị Lụa ở thôn Khả Duy (xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ) cho biết thêm: “nếu cứ tình trạng thóc gạo rẻ, phân bón và mọi thứ chi phí cho gieo cấy tăng cao thì bà con nông dân chúng tôi cũng chẳng mặn mà gì với đồng ruộng. Bởi tính kinh tế, thì thu nhập từ việc cấy lúa thấp hơn nhiều lần so với đi làm thợ xây, thợ hồ”. Bên cạnh nỗi lo giá phân bón tăng, thời gian gần đây, tình trạng kinh doanh, buôn bán phân bón giả, nhái nhãn hiệu... đã xuất hiện trên thị trường cũng làm cho bà con nông dân càng thêm lo lắng.
Cùng với sự biến động tăng của nhiều loại mặt hàng trên thị trường hiện nay, thì sự “nhảy múa” của giá các loại phân bón cũng không có gì là lạ. Tuy nhiên, điều nghịch lý và khiến người nông dân trên địa bàn tỉnh “đau đáu” nhất chính là các chi phí đầu vào cho nông nghiệp thường tăng cao hàng năm, trong khi giá cả đầu ra cho nông sản lại không ổn định. Vậy thì đời sống của bà con nông dân đặc biệt là những người nông dân ở vùng độc canh cây lúa vốn đã khó khăn nay lại càng thêm khó khăn gấp nhiều lần.
Ông Nguyễn Văn Tráng – Trưởng phòng Trồng trọt của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết, để tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư phân bón, bà con nông dân, nên sử dụng phân bón theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng kỹ thuật, đúng thời gian tăng trưởng của cây trồng) nhằm tăng hiệu suất sử dụng đạm đối với cây lúa; đồng thời triển khai có hiệu quả chương trình “ba giảm, ba tăng” (giảm: lúa giống, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học; tăng: năng suất lúa, chất lượng gạo, lợi nhuận kinh tế) trong sản xuất để giảm thiểu chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, bà con nông dân nên tận dụng tối đa các chế phẩm thừa của ngành trồng trọt như rơm rạ, thân cây ngô kết hợp ủ với phân vi sinh để tạo thành nguồn phân bón hữu cơ cho lúa, việc làm này không những giảm được chi phí mua phân bón mà còn rất tốt cho đất canh tác.