Phân cấp quản lý trạm y tế cấp xã ở Tiên Lữ (Hưng yên): Những bất cập cần sớm giải quyết

Thứ hai, 20/08/2012 15:57

Nhằm quản lý tốt hơn các cơ sở y tế cấp xã, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, ngày 24/6/2009 UBND tỉnh có Quyết định số 1162/QĐ-UBND về việc chuyển giao trạm y tế các xã, phường, thị trấn từ UBND các huyện, thành phố về Sở Y tế quản lý.

Tuy vậy, qua khảo sát trạm y tế một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tiên Lữ cho thấy từ đó đến nay, các cơ sở y tế cấp xã hầu như chưa nhận được sự đầu tư về cơ sở hạ tầng từ Sở Y tế hay UBND huyện. Vì thế cơ sở hạ tầng các trạm y tế trên địa bàn đã xuống cấp thì càng thêm xuống cấp. Nguyên nhân chính được cho là từ sự bất cập trong phân cấp quản lý, trong phân định trách nhiệm giữa ngành y tế với UBND huyện về trạm y tế cấp xã.

Có bệnh ngại vào trạm y tế xã

Bà Trần Thị Nụ, xã Lệ Xá (Tiên Lữ) trăn trở: “Trạm y tế xã tôi có 5 cán bộ ai cũng đều tâm huyết, nhiệt tình với công việc. Bác sĩ có, trực 24/24 giờ nhưng bệnh nhân chẳng mấy ai dám đến vì cơ sở hạ tầng quá xuống cấp, trang thiết bị y tế nghèo nàn. Chỗ làm việc của cán bộ trạm còn khó khăn, chật chội, huống chi là nơi chờ đợi, khám bệnh điều trị cho bệnh nhân. Đường lên Trung tâm y tế huyện thì xa, nhân dân xã tôi thiệt thòi vô cùng”. Lần nào cử tri trong xã đi tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, kiến nghị đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho trạm y tế xã đều được cử tri ưu tiên có ý kiến hàng đầu với sự thiết tha, mong mỏi được đầu tư càng sớm càng tốt. Trong các cuộc họp chuyên môn, các cơ quan có liên quan cũng đều có ý kiến về vấn đề này nhưng hơn ba năm qua, những lời đề nghị đó dường như chưa thấu đến cấp, cơ quan có thẩm quyền.

“Mục sở thị” cơ sở vật chất trạm y tế xã Lệ Xá, trước mặt chúng tôi hiện ra hai gian nhà mái bằng nhỏ chừng 10m2/gian. Một gian là nơi làm việc của cán bộ, nhân viên trạm, cũng là nơi đón tiếp khách, được kê một bàn dài, hai tủ thuốc, một giường cá nhân. Gian bên cạnh được kê ba giường cá nhân để làm nơi đón tiếp, khám bệnh cho bệnh nhân và sau đẻ; kê một bàn nhỏ, trên mặt bàn còn chồng cả ghế và một số vật dụng khác. Nghe cán bộ, nhân viên trạm nói là phòng đón tiếp, khám bệnh chúng tôi mới biết vậy, lúc đầu mới nhìn cứ ngỡ đây là phòng chứa đồ bởi không còn khoảng trống nào để y sĩ, bác sĩ ngồi khám bệnh, bệnh nhân cũng không có lối nào để đi lại. Thì ra, phòng chứa đồ của trạm lại ở hai gian đầu nhà, trong đó mới chứa đủ loại thiết bị, dụng cụ mà rất ít dụng cụ thường xuyên được đem ra sử dụng. Khu rộng rãi nhất là dãy nhà năm gian liền kề nhưng được niêm phong, bỏ trống hơn 10 năm nay bởi đã quá xuống cấp không bảo đảm an toàn cho người bệnh.

Cũng trong tình trạng xuống cấp nhưng chưa đến nỗi như trạm xá xã Lệ xá, dãy nhà gồm 3 gian phòng chật chội vẫn được 5 cán bộ nhân viên trạm y tế xã Hoàng Hanh hàng ngày sử dụng làm nơi khám bệnh cho bệnh nhân. Có điều, cùng với tường, nóc nhà bong tróc vôi vữa nham nhở, mốc meo là hệ thống cửa chính, cửa sổ trống hoác, đứa trẻ lên ba dễ dàng lọt qua cánh cửa gỗ mỗi phòng. Là xã được Chương trình phát triển vùng Tiên Lữ quan tâm đầu tư, trạm y tế xã Hoàng Hanh có ưu thế hơn hẳn các xã khác là được Chương trình này đầu tư đầy đủ trang thiết bị y tế chất lượng cao cho trạm. Nhưng ông Dương Văn Vương, trạm trưởng trạm y tế xã Hoàng Hanh lại nói: “Có thiết bị tốt nhưng ngoài các giường inox thì chưa một lần trạm dám bỏ các thiết bị khác ra dùng, nhân dân cũng chưa một lần được hưởng sự ưu đãi đó. Tất cả được chúng tôi cho vào kho, vào tủ khóa chặt. Nguyên nhân bởi cơ sở hạ tầng của trạm không bảo đảm, chúng tôi đem thiết bị ra dùng không bảo quản được, sợ bị mất”.

Ngoài hai xã trên, đến nay trên địa bàn huyện Tiên Lữ còn hai xã nữa gồm Cương Chính, Trung Dũng cũng trong tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, nơi còn sử dụng được thì chật chội, không bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Riêng xã Thụy Lôi, trạm y tế xã còn đang nhờ phòng khám của Trung tâm y tế huyện Tiên Lữ. Duy nhất Trạm y tế xã Thủ Sỹ được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa là chủ yếu thì đàng hoàng nhất, trên đường góp phần xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế. Bác sĩ Phạm Thị Quế, Đội trưởng Đội KHHGĐ (Trung tâm Y tế huyện Tiên Lữ) cho biết: “Cơ sở vật chất của trạm y tế quá kém đã ảnh hưởng rất lớn tới công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Bên cạnh khám bệnh thường xuyên cho nhân dân, mỗi tháng tại trạm y tế phải bố trí một ngày tiêm chủng mở rộng; mỗi tuần Trung tâm y tế huyện xuống xã thực hiện một ngày về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em trong độ tuổi sinh đẻ; ngoài ra còn thực hiện các đợt chiến dịch lồng ghép với các cơ quan chuyên môn khác… Đến trạm y tế xã quá xuống cấp, thiết bị thiếu thốn thì những ngày đó vất vả cho cả xã và Trung tâm Y tế huyện. Xã phải lo bố trí nơi đón tiếp nhân dân đến khám bệnh, Trung tâm Y tế huyện phải lo mang vật tư, thiết bị từ trung tâm về xã mới bảo đảm yêu cầu cho thực hiện công việc chuyên môn. Bản thân cán bộ y tế khi tác nghiệp cũng khó khăn hơn nhiều”.

Nhùng nhằng trách nhiệm quản lý trạm y tế cấp xã

Sau thời gian "trao đi, gửi lại" về quyền quản lý trạm y tế cơ sở, khi thì Sở Y tế quản lý trạm y tế cơ sở về con người, chuyên môn, lúc là UBND huyện quản lý toàn bộ cả con người và cơ sở vật chất, đến đầu năm 2009 toàn huyện Tiên Lữ đã có 12 xã, thị trấn được đầu tư xây dựng và công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trong 6 xã còn lại gồm Cương Chính, Lệ Xá, Hoàng Hanh, Trung Dũng, Thụy Lôi, Thủ Sỹ khi ấy cũng đã được UBND huyện Tiên Lữ lên kế hoạch để phấn đấu xây dựng các xã này đạt chuẩn quốc gia về y tế, chậm nhất đến cuối năm 2010 đầu năm 2011 sẽ hoàn thành. Thể hiện bằng việc làm cụ thể là ngay đầu năm 2009, UBND huyện bố trí hỗ trợ mỗi xã Lệ Xá, Cương Chính, Hoàng Hanh, Trung Dũng 100 triệu đồng để nâng cấp, tu sửa hạ tầng của trạm y tế xã. Một số xã triển khai nhanh đã lập dự toán, thiết kế để chuẩn bị tổ chức tu sửa trạm y tế. Đúng lúc ấy, Quyết định số 1162/QĐ-UBND của UBND tỉnh ra đời, UBND huyện đình chỉ toàn bộ các công việc này lại, số tiền dành cho trạm y tế xã được thu hồi rồi chuyển sang sử dụng cho nhiệm vụ chi khác của chính các xã đó. Theo lãnh đạo huyện Tiên Lữ, ngay sau khi bàn giao trạm y tế xã về Sở Y tế, lãnh đạo UBND huyện đã ký các văn bản để Sở Y tế thuận lợi trong việc đầu tư xây dựng các xã còn lại đạt chuẩn quốc gia về y tế. Khi việc đầu tư xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế theo đề án của Sở Y tế chưa thành, cán bộ và nhân dân trong huyện liên tục có kiến nghị về việc đầu tư nâng cấp các trạm y tế đã quá xuống cấp, UBND huyện mong đợi động thái từ Sở Y tế có đề nghị UBND huyện lo việc xây dựng cơ sở hạ tầng trạm y tế xã nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. Tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Lữ thống nhất quan điểm khi trách nhiệm đầu tư xây dựng hạ tầng trạm y tế xã phân cấp cho huyện thì huyện mới bố trí vốn đầu tư, và sẽ cố gắng cao nhất để đầu tư sớm nhất, đỡ thiệt thòi cho nhân dân. Cùng thực hiện một quyết định của UBND tỉnh nhưng đại diện Sở Y tế lại cho rằng: “Về phía ngành y tế chịu trách nhiệm về con người, chuyên môn chứ không có điều kiện để đầu tư cơ sở hạ tầng, việc này phải do chính quyền địa phương đảm nhiệm”. Sự nhùng nhằng này dẫn đến kết quả là gần 3 năm nay không riêng những xã có cơ sở vật chất trạm y tế quá xuống cấp mà những xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế cũng trong tình trạng không nhận được bất kỳ sự đầu tư nào về cơ sở hạ tầng từ UBND huyện đã đành, mà từ Sở Y tế - cơ quan quản lý cấp trên của trạm y tế xã cũng hầu như chưa có.

Một số ý kiến cho rằng, lâu nay chính quyền cấp huyện vẫn đảm nhận việc đầu tư cơ sở hạ tầng, còn cơ quan chuyên ngành đầu tư về chuyên môn là khá hợp lý. Để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trạm y tế cấp xã, xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế, từ thực tế huyện Tiên Lữ mong rằng cấp có thẩm quyền nên xem xét lại việc phân cấp quản lý trạm y tế cấp xã để đông đảo quần chúng nhân dân thực sự được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm y tế địa phương.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực