Phó Chủ tịch tỉnh Hưng Yên chia sẻ "bí quyết" giúp Hưng Yên "thay da đổi thịt"

Thứ ba, 24/11/2015 17:05

"Khi mới tách tỉnh, Hưng Yên là một tỉnh nghèo, công nghiệp, nông nghiệp lạc hậu, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn; song Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã tạo nên sự chuyển biến tích cực, toàn diện và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực..."

So với những năm trước, Hưng Yên hôm nay đã có nhiều “thay da đổi thịt”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang trao đổi với Pháp luật Việt Nam xung quanh thành tựu này.
Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của Hưng Yên sau 18 năm tái lập?


- Khi mới tách tỉnh, Hưng Yên là một tỉnh nghèo, công nghiệp, nông nghiệp lạc hậu, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn; song Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã tạo nên sự chuyển biến tích cực, toàn diện và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt 7,8%; thu ngân sách trên địa bàn vượt kế hoạch Trung ương giao và vượt chỉ tiêu hàng năm, năm 2015 ước đạt 8 ngàn tỷ đồng, trong đó thu nội địa 5.300 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã chuyển đổi mạnh sang hướng hàng hóa chất lượng và giá trị kinh tế cao. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, bình quân 9,87%, cơ cấu công nghiệp chuyển dịch tích cực.

Đặc biệt năm 2015 Hưng Yên thu hút đầu tư thêm 115 dự án mới, trong đó có 75 dự án trong nước với số vốn đăng ký 10,7 nghìn tỷ đồng; 40 dự án nước ngoài với số vốn đăng ký 385 triệu USD; đưa tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 1.288 dự án; tổng số vốn đăng ký 81,4 nghìn tỷ đồng và 3,1 tỷ USD…

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang. Ảnh: báo Hưng Yên 


Cùng với việc phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện hiệu quả; hoạt động cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường, quốc phòng quân sự địa phương được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên.


Đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn,  hẳn Hưng Yên cũng gặp không ít trở ngại?

- Hiện nay, hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, sức mua của thị trường chưa được cải thiện nhiều, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp chưa cao; tiến độ triển khai một số dự án đầu tư sản xuất công nghiệp còn chậm, nhiều dự án phải điều chỉnh mục tiêu đầu tư. Việc đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các cụm công nghiệp chưa đạt mục tiêu. Thương mại, dịch vụ còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh chưa cao. Hạ tầng thương mại của tỉnh vừa thiếu, vừa yếu, tiến độ đầu tư mới, cải tạo hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị còn chậm.

Hoạt động của loại hình kinh tế hợp tác nông nghiệp còn nhiều hạn chế, hiệu quả thấp. Liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu; việc quảng bá, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm nông nghiệp chưa được chú trọng. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng để sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao chưa nhiều…

Những hạn chế đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có nguyên nhân hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, một số cơ chế, chính sách của Nhà nước ban hành chưa kịp thời, thiếu thống nhất; quy trình, thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, tiến độ giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện các dự án đầu tư.

Vậy năm 2016 Hưng Yên có những giải pháp gì để phát triển kinh tế - xã hội đạt mục tiêu đề ra, thưa ông?

- Năm 2016, Hưng Yên đặt ra mục tiêu tổng quát là ổn định kinh tế, kiểm soát giá cả, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư; thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; tạo bước chuyển biến rõ rệt trong xử lý lấn chiếm đất đai, vi phạm các công trình thủy lợi, giao thông, đê điều và tình trạng ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng, lãng phí, đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Theo đó, năm 2016 các giải pháp chủ yếu được UBND tỉnh xác định là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Bên cạnh đó, tỉnh xác định đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư; xây dựng, bổ sung cơ chế mới, thực hiện nhanh công tác giải phóng mặt bằng tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư; triển khai nhanh các dự án phát triển đô thị, thương mại, dự án BT, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các dự án trọng điểm có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tỉnh cũng sẽ tiếp tục triển khai lập các quy hoạch quan trọng của tỉnh nhằm chuẩn bị điều kiện tốt nhất để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển; đẩy mạnh cải cách hành chính; ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất; tiếp tục triển khai các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng các hoạt động y tế, giáo dục, văn hóa, văn nghệ; tập trung giải quyết việc làm cho người lao động…

Trân trọng cảm ơn ông!

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực