Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Ân Thi (Hưng Yên)

Thứ ba, 23/10/2012 17:27

Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là một trong 3 phong trào lớn được hội nông dân các cấp trong huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên triển khai rộng khắp với nhiều hình thức, nội dung phong phú, nó đã đã tạo ra khí thế thi đua sôi nổi ở khắp các miền quê, góp phần quan trọng khơi dậy tinh thần cần cù, năng động, sáng tạo trong sản xuất của các hộ nông dân.

 

Trang trại chăn nuôi lợn nái của anh Nguyễn Thành Luận (xã Cẩm Ninh)
 cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ảnh: báo Hưng Yên


Bà Nguyễn Thị Lạng, Chủ tịch Hội nông dân huyện Ân Thi cho biết: Xác định đây là phong trào có tác động tích cực đến đời sống vật chất và tinh thần của bà con nông dân, vì vậy bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cấp hội đã tạo điều kiện cho hội viên vay nguồn vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng CSXH, vốn vay chương trình giải quyết việc làm, quỹ hỗ trợ nông dân… để bà con nông dân phát triển sản xuất. Hàng năm, hàng trăm lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi và trồng trọt được Hội tổ chức để “bổ trợ” thêm cho nhà nông những kiến thức mới, hiện đại, những cách làm hay mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng phát triển, thu hút đông đảo hội viên tham gia đăng ký phong trào…

Công tác tuyên truyền và các hoạt động hỗ trợ nông dân sản xuất được các cấp hội thường xuyên tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả. Các hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Mô hình cánh đồng thu nhập cao ngày càng được nhân rộng. Trong năm 2011, Hội nông dân huyện chủ động liên hệ, phối hợp với các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp… mở 130 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân về chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại lúa, kỹ thuật chăn nuôi và thủy sản thu hút 17.550 lượt hội viên tham dự. Các cấp hội thực hiện cung ứng 1.844 tấn phân bón trả chậm cho 6.080 hộ gia đình hội viên nông dân, trị giá trên 7 tỷ đồng. Đây là một chương trình hữu ích giúp các hộ nông dân chăm sóc lúa kịp thời, cân đối, đúng kỹ thuật… Cùng với đó, hội đã tạo điều kiện cho hội viên vay 65.043 tỷ đồng từ Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế. Ông Lương Tuấn Bào (thôn Đỗ Thượng, xã Quang Vinh) chia sẻ: “Hội nông dân các cấp luôn tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp cận các nguồn vốn một cách nhanh nhất. Vốn vay tuy không nhiều nhưng đã giúp chúng tôi phần nào vơi bớt khó khăn để tự tin làm giàu từ chính đồng ruộng quê hương. Mô hình kinh tế VAC của gia đình tôi ngày càng phát triển: đàn vịt thịt 1000 – 2000 con/1 lứa, với 12 – 13 lứa/1 năm cùng 20 con lợn thịt và các loại cây đặc sản như nhãn, bưởi Diễn đã mang lại thu nhập trên 100 triệu cho gia đình tôi mỗi năm".

Đến thăm trang trại nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Thành Luận (thôn Cẩm La, xã Cẩm Ninh), một hộ nông dân nhiều năm liền được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, chúng tôi không khỏi khâm phục ý chí quyết tâm làm giàu trên đồng đất quê hương của anh. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thuần nông, ngay từ bé anh đã thấu hiểu được sự vất vả, lam lũ sớm hôm của người nông dân trên đồng ruộng. Trước đây, cũng giống như bao hộ gia đình khác, gia đình anh nuôi lợn theo qui mô nhỏ lẻ,  hiệu quả kinh tế không cao. Anh Luận chia sẻ: “Được tham gia các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật do Hội nông dân xã và Hội nông dân huyện tổ chức, kết hợp thêm những lần “mắt thấy tai nghe” các mô hình kinh tế trạng trại hiệu quả đã giúp tôi có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm về chăn nuôi. Đầu năm 2009, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng khu chuồng trại rộng 600m2, khép kín, kiên cố với hệ thống quạt làm mát… Từ đây, trang trại nuôi lợn của gia đình tôi đã bắt đầu gặt hái được những thành công bước đầu, tình hình dịch bệnh trên đàn lợn giảm hẳn, hiệu quả kinh tế thấy rõ.” Hiện nay, trang trại của gia đình anh có 70 con lợn nái và 20 con lợn hậu bị. Trung bình mỗi con lợn nái đẻ 2 – 3 lứa/năm mang lại hàng trăm triệu đồng từ việc bán lợn giống. Ngoài chăn nuôi lợn, gia đình anh còn có 7 mẫu ao nuôi thả cá các loại để tận dụng các tầng nước và thức ăn thừa của lợn, hàng năm trừ mọi chi phí cũng thu lãi 40 – 50 triệu đồng. Vơi những kết quả đã đạt được, nhiều năm liền gia đình anh được công nhận là hộ nông dân sản xuất kinh doanh  giỏi cấp tỉnh. Ông Ngô Quang Thạo, Chủ tịch Hội nông dân xã Cẩm Ninh: Đây chỉ là một trong số các trang trại làm ăn có hiệu quả trên địa bàn xã. Những năm gần đây, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, có sức lan tỏa lớn tạo thành khí thế thi đua sản xuất trong từng thôn, từng xóm. Tính đến năm 2011, toàn xã có 31 trang trại vừa và nhỏ có những cách làm hay, khai thác được các lợi thế của địa phương, vươn lên thoát nghèo nhờ đồng đất quê hương. Hàng năm có trên 500 hộ đăng ký danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi…

Bằng những viêc làm thiết thực, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh đã góp phần làm thay dổi diện mạo nông thôn, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn. Năm 2011, toàn huyện Ân Thi có 360 hộ nghèo vượt khó, 9.089 hộ đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó 3 hộ đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 185 hộ cấp tỉnh, 564 hộ cấp huyện, 8.337 hộ cấp cơ sở. Trong thời gian tới, Hội nông dân huyện sẽ phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận về vốn; thực hiện tốt liên kết 4 nhà để đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất… đây chính là những bước đi tích cực để đưa phong trào này ngày càng phát triển.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực