|
Một điểm thu mua vải ở Phù Cừ, Hưng Yên. Ảnh: Báo Hưng Yên |
Cây vải lai u mấy năm gần đây được coi là cây “xóa đói giảm nghèo” của nhiều nông dân huyện Phù Cừ. Thế nhưng làm thế nào để tìm kiếm thị trường mang tính ổn định, xây dựng thương hiệu cho cây vải lai u… là điều trăn trở của các cấp, các ngành địa phương và sự mong đợi của đông đảo người trồng vải…
Về vùng trồng vải Tam Đa
Nằm ở vị trí thuận lợi, nơi có con sông Luộc phù sa màu mỡ bồi đắp nên xã Tam Đa (Phù Cừ) có nhiều điều kiện cho trồng và phát triển các loại cây ăn quả, nhất là cây vải lai u (vải chín sớm). Trước đây do chưa có sự chuẩn bị chu đáo về đồng đất nên cây vải được trồng rải rác, sản lượng đạt thấp. Sau nhiều cuộc bàn bạc tìm hướng phát triển kinh tế, xã quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chọn kinh tế vườn làm khâu đột phá và coi cây vải lai u là cây trồng chủ lực. Đặc tính của giống vải lai u là chín sớm, cho thu hoạch trước khoảng nửa tháng so với vải chính vụ nên bán được giá cao hơn. Vì vậy những năm trở lại đây, cây vải lai u đã trở thành cây làm giàu trên mảnh đất Tam Đa và được nhiều người biết đến bởi hương vị thơm ngon.
Về Tam Đa vào vụ thu hoạch vải, chúng tôi mới thấy được không khí náo nhiệt ở nơi đây. Các đoàn xe nối đuôi nhau ra vào để thu mua rồi tỏa đi các nơi tiêu thụ. Khắp các vườn, người trồng vải nhanh tay thu hoạch, vận chuyển vải tới hơn 40 điểm thu mua trên địa bàn xã. Người mua thì tất bật đóng gói, chuyển hàng tỏa khi các nơi. Dọc tuyến tỉnh lộ 202 hay ở bất cứ nơi nào trên địa bàn xã, chúng tôi cũng gặp những hình ảnh kẻ mua – người bán náo nhiệt, phấn khởi. Trong những đoàn xe ô tô tải lớn nhỏ đang nối đuôi nhau chờ xếp hàng, có rất nhiều xe mang biển kiểm soát của các tỉnh phía Nam như: Nghệ An, Huế, Đà Nẵng... Anh Hồ Văn Chính (quê Nghệ An), một trong những người thu mua vải tâm sự: “Năm nào tôi cũng về Tam Đa thu mua vải. Vải Tam Đa có hương vị thơn ngon và giá cả cũng rất hợp lý”.
Ông Bùi Xuân Dục, Phó chủ tịch UBND xã Tam Đa cho biết: Hiện toàn xã có khoảng 150 ha trồng vải. Vải được trồng ở cả ba thôn. 90% số cây vải của xã đã đến kỳ cho thu hoạch. Sản lượng vải năm nay ước thu 1.300 tấn, tăng khoảng 600 - 700 tấn so với năm trước. Dự tính năm 2012 thu khoảng 15 tỷ đồng từ quả vải. Vải năm nay được đánh giá là được mùa, thế nhưng nhiều người trồng vải cảm thấy không vui vì đi liền với quy luật “được mùa, rớt giá”. Vào đầu vụ, giá bán vải lai u được các thương lái trả khoảng 15 nghìn đồng/kg. Thế nhưng chỉ vài ngày giá đã giảm xuống ở mức 8 -10 nghìn đồng/kg. Không dừng lại ở đó, tình trạng tư thương ép giá đối với người trồng vải diễn ra ở hầu hết các điểm thu mua. Theo phản ánh của một số hộ trồng vải, ngoài việc trả giá thấp, mỗi một mã cân bị trừ bì, người trồng vải còn bị trừ thêm vài cân vì tư thương cho rằng “vải bị sâu đầu nhiều”... Chị Trần Thị Vân, thôn Ngũ Phúc lo lắng: “Năm nào cũng vậy, được mùa nhưng bị ép giá vẫn là nỗi ám ảnh lớn của chúng tôi. Cả năm người trồng vải trông chờ vào vụ thu hoạch, ngoài công chăm sóc, còn phải chi phí rất nhiều thứ như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…, do đó giá bán thấp thì người trồng vải rất khó khăn". Cùng với đó việc tiêu thụ hiện nay chỉ thực hiện theo hình thức tự phát, nếu thị trường có nhu cầu cao thì sản phẩm tiêu thụ mạnh và ngược lại. Theo quan sát của phóng viên, ở một số điểm thu mua có rất nhiều xe biển kiểm soát từ các tỉnh khác, thương lái về mua vải Tam Đa rồi đóng vào thùng, dán luôn nhãn mác “vải thiều Lục Ngạn”, sau đó được đưa lên xe vận chuyển đi tiêu thụ. Như vậy các thương lái đang “tận dụng” vải Tam Đa vào mùa trước để thu lợi nhuận bất chính. Trong khi đó, việc xây dựng thương hiệu cho vải Tam Đa hiện đang còn “bỏ trống” nên ít nhiều đã làm ảnh hưởng đến uy tín của người trồng vải lai u.
Cần có sự định hướng cho phát triển cây vải
Ông Nguyễn Xuân Thu, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phù Cừ cho biết: Hiện nay, ngoài được trồng nhiều ở xã Tam Đa, cây vải lai u còn được mở rộng diện tích ra các xã: Minh Tiến, Tống Trân, Tiên Tiến… Diện tích trồng vải được mở rộng qua các năm. Nếu như năm 2005, diện tích trồng vải lai u của huyện có khoảng 120 ha, đến nay cây vải đã được mở rộng diện tích lên khoảng 200 ha. Việc phát triển và mở rộng diện tích trồng vải, trong những năm qua ngoài sự khuyến khích, định hướng của huyện, có nhiều hộ gia đình đã tự ý mở rộng diện tích trồng, thậm chí trồng không theo quy hoạch. Hàng năm cùng với sự hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc của phòng Nông nghiệp, thì một số ban, ngành có liên quan cũng hướng dẫn nông dân chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng và chăm sóc cây vải. Tuy nhiên cái khó hiện nay là đầu ra cho sản phẩm hoàn toàn do người trồng tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ, vì vậy năm nào mất mùa thì được giá và ngược lại. Như vụ vải năm nay, việc tăng sản lượng nhưng giá bán lại không tăng, thậm chí bị giảm, nhiều tư thương tìm mọi cách để ép giá người trồng vải. Đặc tính của vải lai u chủ yếu là để ăn tươi, vụ thu hoạch rộ chỉ khoảng nửa tháng, do đó nếu nông dân không thu hoạch thì sẽ bị hỏng, vì vậy giá cao hay thấp người trồng vải trông chờ cả vào tư thương. Là giống vải chín sớm, có chất lượng vượt trội hơn so với nhiều loại vải khác, những năm gần đây vải lai u Phù Cừ đã được nhiều người tiêu dùng ở gần xa biết đến, thế nhưng việc xây dựng thương hiệu cho cây vải vẫn là việc làm còn dang dở. Năm 2010, huyện cũng đã thành lập được ban vận động hội vải lai chín sớm, hướng tới xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho cây vải. Thành viên là các hộ có diện tích trồng nhiều tham gia. Thế nhưng đến nay công việc này cũng chỉ dừng lại ở việc thành lập ban vận động, chứ chưa có động thái gì tích cực để cho cây vải của địa phương được phát triển mạnh mẽ và có tiếng hơn.
Cây vải lai u hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở Phù Cừ. Vấn đề mở rộng và phát triển vùng chuyên canh vải là hướng đi đúng đắn của chính quyền địa phương trong những năm qua, song để cây vải lai u được nhiều người biết đến hơn nữa thì việc xây dựng thương hiệu đang là bài khó chưa có lời giải? Người trồng vải vẫn canh cánh nỗi lo bị “rớt” giá khi được mùa. Chính vì vậy, hơn lúc nào hết rất cần sự vào cuộc và quan tâm của chính quyền địa phương cũng như các cấp, các ngành trong việc xây dựng thương hiệu cho vải lai u, và sớm có biện pháp ngăn chặn việc vi phạm “bản quyền” của các thương lái từ các nơi như đang và đã xảy ra hiện nay.