Ngày 3/7/1957, Ban Quản lý thị trường (QLTT) Trung ương được thành lập theo Nghị định 290-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đó là tiền thân của hệ thống tổ chức lực lượng QLTT hiện nay. Cùng với sự ra đời của Ban Quản lý thị trường cả nước, Ban Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên được thành lập.
Ngày 19/10/1998 Chi cục QLTT tỉnh Hưng Yên được tái lập theo Quyết định 1880/1998/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hưng Yên. Trải qua 55 năm hoạt động, nhiều lần thay đổi nhưng lực lượng Quản lý thị trường tỉnh vẫn tồn tại với tư cách là một tổ chức chuyên ngành tại địa phương và từng bước trưởng thành về mọi mặt, ngày càng chính quy hiện đại.
|
Cán bộ quản lý thị trường kiểm tra sản phẩm. Ảnh: Báo Hưng Yên |
Ngay sau khi tái lập, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo công tác quản lý thị trường, từng bước tạo điều kiện về bộ máy cũng như cơ sở vật chất. Ngày đầu tái lập Chi cục Quản lý thị trường Hưng Yên chỉ có 4 cán bộ nhân viên đến nay biên chế của Chi cục được giao 56 biên chế, đã có 42 biên chế chính thức gồm 28 công chức, 14 cán bộ hợp đồng theo Nghị định 68 của Chính phủ. Trong số 42 biên chế có 3 đồng chí đang theo học cao học, 5 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 34 đồng chí có bằng đại học. Bộ máy của chi cục hiện có 2 phòng chức năng, 7 đội quản lý thị trường. Trong đó, có 1 đội chuyên trách chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên khâu lưu thông, 1 đội kiểm tra cơ động toàn tỉnh và 5 đội quản lý địa bàn. Các đội quản lý thị trường quản lý địa bàn đóng trụ sở tại các huyện góp phần làm tốt công tác quản lý, ổn định thị trường, bình ổn giá cả bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cho người dân và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng lực lượng QLTT Hưng Yên luôn vượt mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần đáng kể vào những thành tựu quan trọng xây dựng đất nước, thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, đặc biệt đã góp phần ổn định thị trường, từng bước khôi phục và duy trì trật tự kỷ cương trong hoạt động kinh doanh thương mại, đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, chống gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái phép, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và lợi ích chung của toàn xã hội. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ đổi mới trong nền kinh tế thị trường đang phát triển và hội nhập. Nhiều năm qua, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên đã xác định ba nhiệm vụ trọng tâm là: Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; công tác tham mưu giúp việc Ban chỉ đạo 127 tỉnh; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhất là pháp luật thương mại. 15 năm sau ngày tái lập đến nay, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức kiểm tra trên 9 nghìn lượt vụ với tổng số tiền xử lý tang vật và phạt vi phạm hành chính trên 16 tỷ 500 triệu đồng. Trong đó, thu về xử phạt vi phạm hành chính gần 1,6 tỷ đồng; thu từ bán phát mại hàng hóa tịch thu gần 14 tỷ 800 triệu đồng; trị giá hàng hóa chuyển giao làm từ thiện trên 200 triệu đồng. Kết quả đó đã được Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ghi nhận và tặng nhiều phần thưởng cao quý cho tập thể và cá nhân. Năm 2004, Chi cục QLTT tỉnh đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc và nhiều năm liền được UBND tỉnh tặng cờ, nhiều lượt cá nhân và tập thể được tặng bằng khen, giấy khen của Chính phủ, của Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo 127 TƯ và Ban chỉ đạo 127 tỉnh. Đạt được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo; sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các ngành, các địa phương trong tỉnh, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức lực lượng Quản lý thị trường tỉnh.
Trong bối cảnh nước ta đang thực hiện mở cửa thị trường để hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra không ít khó khăn thách thức, nhất là đối với lực lượng QLTT. Nhiệm vụ trong thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi lực lượng QLTT phải không ngừng nâng cao năng lực trình độ; nắm chắc, hiểu biết sâu rộng luật pháp trong nước và quốc tế, nhất là vấn đề sở hữu công nghiệp và thương hiệu hàng hoá; Tập trung xây dựng lực lượng QLTT chính quy hiện đại; Quan tâm đẩy mạnh công tác phối hợp với các lực lượng liên quan, các tỉnh lân cận và hợp tác quốc tế trong công tác QLTT. Góp phần ổn định và lành mạnh thị trường, kiềm chế lạm phát và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2012, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Với tinh thần đó, mỗi đội QLTT, mỗi cán bộ công chức QLTT tỉnh cần tập trung học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức và trách nhiệm nghề nghiệp, nhanh chóng đổi mới tư duy nghiên cứu, có kế hoạch nâng cao tầm hiểu biết, năng lực chuyên môn, phẩm chất, đạo đức, nhận thức và thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 127 tỉnh, Cục QLTT về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Các đội QLTT phải thực hiện tốt chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đồng thời tham mưu kịp thời cho Ban chỉ đạo 127 tỉnh chỉ đạo, đôn đốc và phối hợp hoạt động kiểm tra kiểm soát giữa các sở, ngành, thành viên Ban chỉ đạo 127 tỉnh, UBND các huyện, thành phố để tổ chức và triển khai nhiệm vụ; phân tích, đánh giá và dự báo tình hình, kịp thời phát hiện phương thức, thủ đoạn, tìm ra quy luật hoạt động của các đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại để tổ chức đấu tranh hoặc đề xuất các giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Chặng đường 55 năm qua của lực lượng QLTT Hưng Yên tuy gian nan, vất vả nhưng đã đạt những thành tích rất đáng tự hào. Đó là công sức, trí tuệ của các thế hệ cán bộ, công nhân viên trong toàn lực lượng. Kết hợp với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp uỷ đảng, chính quyền; sự phối hợp, tạo điều kiện của các ban ngành, đoàn thể, và sự giúp đỡ của nhân dân. Trong thời gian tới, lực lượng QLTT Hưng Yên sẽ tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm sự phát triển lành mạnh của thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và phục vụ tốt đời sống nhân dân.