Sở Nông nghiệp và PTNT Hưng Yên: Triển khai công tác 6 tháng cuối năm và đón nhận cờ thi đua của Chính phủ

Thứ sáu, 03/08/2012 11:23

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả sản xuất nông nghiệp và PTNT 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và đón nhận cờ thi đua của Chính phủ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Minh Ngọc, dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.

 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ông Đặng Minh Ngọc, Phỏ Chủ tịch UBND tỉnh
trao cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2011 cho Sở Nông nghiệp và PTNT
 Hưng Yên. Ảnh: báo Hưng Yên


Trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng 2,4%. Tổng giá trị sản xuất đạt 1.866,032 tỷ đồng, trong đó: trồng trọt 951,596 tỷ đồng, chăn nuôi 735,481 tỷ đồng, thuỷ sản 105,472 tỷ đồng, dịch vụ-lâm nghiệp 73,483 tỷ đồng. Tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt trên 61 nghìn ha. Toàn tỉnh trồng được 190.000 cây xanh, đạt 130% kế hoạch; trong đó, cây ăn quả 137.000 cây, cây lấy gỗ và cây bóng mát 54.000 cây. Chăn nuôi phát triển khá so với cùng kỳ năm trước: đàn trâu có 2.249 con, tăng 0,72%, sản lượng thịt trâu đạt 109 tấn, tăng 15,96%; đàn bò có 43.569 con, tăng 0,46%, sản lượng thịt bò đạt 1.311 tấn, tăng 10,26%; đàn lợn có 605.366 con, tăng 1,25%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 51.855 tấn, tăng 4,18%; đàn gia cầm có 8.320.000 con, tăng 3,75%, sản lượng đạt 12.456 tấn, tăng 9,96%. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản khoảng 4.750 ha, sản lượng ước đạt 13.500 tấn... Công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt tỷ lệ cao, chất lượng tốt. Công tác tập huấn, chuyển giao KHKT được quan tâm, toàn ngành tổ chức gần 200 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho trên 20.000 lượt người tham dự, xuất bản trên 10.000 cuốn bản tin sản xuất và thị trường; khảo nghiệm trình diễn hơn 140 ha lúa, cây ăn quả và cá ở các huyện. Trong lĩnh vực thủy lợi và đê điều, 6 tháng đầu năm, tổng số vụ vi phạm mới và tái vi phạm là 83 vụ (tăng 41 vụ). Tổ chức 10 lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và xây dựng nông thôn mới cho trên 1.000 lượt người tham dự. Số dân được sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm 89,44%, số dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn QCVN 02/2009 là 48,89%, tăng 0,6% so với năm 2011.

Để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển nông nghiệp năm 2012, trong những tháng cuối năm ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp hiệu quả cho sản xuất thâm canh vụ mùa 2012. Tiếp tục đổi mới, tạo bước chuyển biến trong khoa học công nghệ, chú ý đến công nghệ sinh học, công nghệ sạch, công nghệ bảo quản và chế biến đối với rau, quả… nhằm nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tăng cường công tác khuyến nông, tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh, tổ chức tốt hoạt động mạng lưới khuyến nông cơ sở. Làm tốt công tác điều tra phát hiện sinh vật gây hại trên đồng ruộng, diễn biến của dịch hại trên những cây trồng chính, chú ý các đối tượng dịch hại như: rầy nâu, bệnh lùn sọc đen…. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý ngăn chặn kịp thời thuốc BVTV và vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng.

Với những thành tích đạt được trong hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp năm 2011, Sở Nông nghiệp và PTNT được Chính phủ tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua; Chi cục Thủy lợi và Trung tâm Khuyến nông được UBND tỉnh tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua ngành nông nghiệp năm 2011. Ngoài ra, nhiều tập thể, cá nhân được Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh tặng bằng khen.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Minh Ngọc biểu dương những kết quả ngành nông nghiệp tỉnh đã đạt được thời gian qua. Để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành nông nghiệp và các địa phương cần thực hiện tốt một số nhóm giải pháp sau: Chủ động phòng chống úng vụ mùa, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, sâu bệnh trên lúa, rau màu, cây ăn quả. Ngành nông nghiệp cần tiến hành rà soát, kiểm tra những diện tích chuyển đổi để đánh giá hiệu quả và có giải pháp ổn định diện tích, tránh tình trạng phát triển tự phát, tràn lan làm giảm hiệu quả. Trong phát triển chăn nuôi cần chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, tăng cường công tác quản lý và xử lý vi phạm công trình thủy lợi.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực