Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Phù Cừ tỉnh Hưng Yên, với lợi thế vị trí thuận lợi, Đảng bộ thị trấn Trần Cao xác định TTCN và thương mại dịch vụ là hướng phát triển trọng tâm, đột phá trong kinh tế.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể luôn bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn khóa XXV để tập trung bàn các giải pháp phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương, đặc biệt chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp nhằm phát huy lợi thế và tiềm năng.
Bí thư Đảng ủy thị trấn Đỗ Xuân Khuê cho biết: Cơ cấu phát triển kinh tế của thị trấn luôn được điều chỉnh hàng năm theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ. Thời gian qua, được sự quan tâm của tỉnh, huyện với những cơ chế, chính sách ưu đãi thuận lợi để thu hút đầu tư, thị trấn tạo môi trường ổn định về an ninh trật tự an toàn xã hội, cùng với đó là sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân nên đã có nhiều dự án thuê mặt bằng, đầu tư sản xuất trên địa bàn. Các dự án được tạo điều kiện ưu đãi vay vốn, nhất là những dự án thu hút nhiều lao động. Đô thị hóa với tốc độ nhanh đã xóa đi hình ảnh một vùng quê nông nghiệp thuần túy. Nhiều cửa hàng cửa hiệu, các đại lý hoạt động sầm uất. Nhiều hộ đầu tư mở rộng cả về quy mô và hình thức kinh doanh. Các sản phẩm vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, hàng hóa tiêu dùng, đồ điện, điện tử, xe máy cùng những vật dụng thiết yếu được bày bán phong phú. Một số cơ sở chế biến nông sản, lương thực hoạt động nhộn nhịp ngày đêm, càng làm cho không khí thêm sôi động. Thời gian qua, trong bối cảnh chung của nền kinh tế, một số hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn cũng gặp khó khăn do thiếu vốn, hàng hóa khó tiêu thụ, lãi suất tín dụng cao. Tuy nhiên, thương mại dịch vụ, TTCN trên địa bàn thị trấn vẫn duy trì ổn định và có chiều hướng phát triển nhanh. Được sự quan tâm của tỉnh, huyện, thị trấn tiếp tục đầu tư nâng cấp khu chợ trung tâm, thu hút đầu tư thương mại, tạo điều kiện cho tiểu thương mở rộng buôn bán hàng hóa. Thương mại, dịch vụ mở mang làm chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Đời sống người dân nâng cao, nhiều hộ giàu có, điều đó chứng tỏ rằng trong khó khăn nhưng nếu có cơ chế, chính sách phù hợp, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vận dụng linh hoạt và chủ động của người dân thì kinh tế nói chung và lĩnh vực thương mại, dịch vụ nói riêng vẫn có nhiều cơ hội phát triển hiệu quả, vững chắc.
Cùng với đẩy mạnh thương mại, dịch vụ, thị trấn không xem nhẹ sản xuất nông nghiệp, mặc dù đây không phải là ngành kinh tế mũi nhọn. Với hơn 60% số hộ thu nhập dựa vào trồng trọt và chăn nuôi nên Đảng bộ thị trấn lãnh đạo nhân dân sản xuất theo hướng hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường. Đảng bộ chỉ đạo các đoàn thể đổi mới nội dung, phương thức vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua lao động sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mở rộng diện tích rau màu xuất khẩu như dưa chuột bao tử, tập trung chỉ đạo khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đồng thời khai thác tiềm năng đất đai, khuyến khích nông dân thâm canh tăng vụ. Thị trấn hỗ trợ nông dân giống lúa, thường xuyên nạo vét kênh mương phục vụ tưới tiêu cho lúa và rau màu kịp thời. Bí thư Đỗ Xuân Khuê cho rằng: Thực hiện nghị quyết của huyện ủy về cơ cấu trà vụ với việc mở rộng diện tích trà xuân muộn gồm các giống ngắn ngày trong vụ xuân là cơ hội để đổi mới, xóa bỏ tư duy manh mún, nếp làm ăn lạc hậu. Những năm gần đây, lúa xuân của thị trấn có trên 95% diện tích được gieo cấy ở trà muộn, chủ yếu là lúa chất lượng cao, lúa hàng hoá. Nhiều nông dân năng động, trong làm ăn đều tính toán đến việc hạn chế tối đa sức lao động, tiết kiệm chi phí đạt lợi nhuận ở mức cao nhất.
Để lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế hiệu quả, Đảng bộ thị trấn gắn trách nhiệm của từng đồng chí trong BCH và hệ thống chính trị ở cơ sở cùng vào cuộc, củng cố sự đoàn kết, nâng cao ý thức trách nhiệm của từng đảng viên đối với nghị quyết của Đảng, khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cũng như năng lực sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên. Đảng bộ khuyến khích đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ các thôn đi đầu trong phát triển kinh tế, động viên, tạo điều kiện cho nhân dân vươn lên làm giàu. Năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị trấn đạt 14%, cơ cấu kinh tế nông nghiệp-CNXD-TMDV tương ứng: 33%-29%-38%, thu nhập bình quân đầu người trên 22 triệu đồng (kế hoạch 20,5 triệu đồng), giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác đạt 80 triệu đồng, cao hơn 15 triệu đồng so với kế hoạch, thu ngân sách gần 1,8 tỷ đồng, vượt hơn 11% kế hoạch. 6 tháng đầu năm nay, diện tích cấy lúa, trồng rau màu của thị trấn đạt 255 ha, giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 7,45 tỷ đồng. Thị trấn phấn đấu năm nay giá trị thương mại, dịch vụ chiếm 40%, công nghiệp xây dựng chiếm 30% cơ cấu kinh tế, nông nghiệp giảm còn 30%, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng, giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác trên 90 triệu đồng.
Với sự năng động, Trần Cao được đánh giá là thị trấn có tốc độ phát triển nhanh, môi trường trong lành, phố xá, nhà dân, trường học, công sở được quy hoạch gọn gàng, đẹp đẽ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thị trấn cùng quyết tâm của người dân, Trần Cao đang từng ngày vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hóa, thương mại dịch vụ của huyện.