|
Trường THPT Trần Hưng Đạo tặng quà khuyến khích các học sinh có thành tích cao trong học tập |
Theo số liệu thống kê của huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, đến ngày 15/9 toàn huyện có 510 học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (trong đó có hai thủ khoa).
Nếu như năm 2005, tỷ lệ học sinh đỗ đại học chỉ bằng 19% so với số học sinh tốt nghiệp THPT, nhưng đến năm 2011 tỷ lệ này lên tới con số trên 30% và điều đặc biệt là 3 năm liên tiếp huyện đều có học sinh đỗ thủ khoa. Có được thành tích trên là do sự cố gắng nỗ lực, ý chí tinh thần vượt khó vươn lên của bản thân mỗi học sinh cộng với sự quan tâm, chăm lo của cả một tập thể (gia đình, dòng họ, nhà trường và xã hội).
Theo lời chỉ dẫn của mấy anh cán bộ huyện, tìm về ngôi trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo – một đơn vị đứng đầu huyện, thứ hai của tỉnh và thứ 131 của toàn quốc về số học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng trong kỳ thi tuyển sinh năm nay. Nhìn những cô, cậu học trò mặc chiếc áo trắng tinh, ánh mắt đang chăm chú như nuốt từng lời giảng của các thầy giáo, cô giáo đã khiến chúng tôi rất cảm phục. Theo lời kể của thầy giáo Trần Mạnh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường thì đại đa số học sinh của trường đều là con em nông dân ở các xã nghèo của huyện. Thậm chí, có những em học sinh nhà rất nghèo, cơm ăn chẳng đủ no, áo mặc chẳng đủ ấm. Nhưng cái nghèo, cái đói đó không làm lu mờ tinh thần ham học hỏi, hiếu chữ của các em. Các em đã vượt lên chính mình để lĩnh hội kiến thức, đạt được nhiều thành tích cao trong học tập. Và em Cao Minh Khiêm là một trong số những học sinh như vậy. Khiêm sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà bố mẹ đều làm nông nghiệp, bố em thần kinh không ổn định khiến mọi lo toan của cuộc sống đều được đặt lên đôi vai nhỏ bé của người mẹ. Mẹ của Khiêm lại thường xuyên đau yếu nên cuộc sống gia đình vốn đã khó nay càng rơi vào cảnh túng quẫn. Những tưởng cái khó, cái khổ sẽ “hạ gục” được cậu học trò nghèo nhưng càng khó càng khổ thì lại càng thôi thúc ngọn lửa đam mê học tập trong Khiêm. Với sự động viên của thầy cô, bạn bè và tình thương yêu cha mẹ, Khiêm đã chiến thắng hoàn cảnh để giành được kết quả cao trong học tập. Em đã giành được 2 giải học sinh giỏi của tỉnh ở 2 bộ môn trong năm học 2010 -2011 đó là: giải Nhất môn Toán, giải Nhì môn Vật lý, ngoài ra Khiêm còn “ẵm” luôn giải khuyến khích quốc gia với bộ môn giải toán trên máy tính cầm tay và đỗ vào Học viện Cảnh sát năm 2011. Còn trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay, một cậu bé mồ côi cha tên Phạm Văn Đích ở xã Hoàng Hanh (trường THPT Trần Hưng Đạo) đỗ thủ khoa trường Học viện Kỹ thuật quân sự với số điểm khá ấn tượng đã làm nức lòng thầy cô và bạn bè. Nhà Đích rất nghèo, nghèo đến mức trong nhà chẳng có vật dụng gì đáng giá. Bố mất từ khi Đích chưa cất tiếng khóc chào đời. Mặc dù chưa một lần trong đời được cất tiếng gọi cha, lại sống trong cảnh thiếu thốn về vật chất nhưng cậu bé Đích đã biết vượt lên số phận để giành vị trí đầu bảng của một trường đại học danh tiếng. Cao Minh Khiêm hay Phạm Văn Đích chỉ là số ít trong số rất nhiều tấm gương sáng về sự vượt khó để vươn lên học giỏi ở vùng đất nghèo Tiên Lữ.
Bà Chu Thị Lan, Trưởng phòng giáo dục huyện Tiên Lữ chia sẻ: Mặc dù cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng tinh thần hiếu học của mỗi người dân, mỗi dòng họ, mỗi thôn, làng ngày càng được hun đúc. Tinh thần hiếu học ấy cùng với nỗ lực, cách làm của mỗi trường, lớp học và các cấp quản lý giáo dục đã góp phần tạo nên những cú huých cho ngành giáo dục huyện vươn lên. Sự chung sức, đồng lòng của người dân được thể hiện rất rõ khi coi trọng việc học của con em. Chính vì có những suy nghĩ đúng đắn và hợp thời nên công tác khuyến học, khuyến tài được các dòng họ trên địa bàn huyện Tiên Lữ rất chú trọng.
Được thành lập cách đây 16 năm, hội khuyến học của dòng họ Nguyễn ở thôn Dung (xã Hưng Đạo) đã có nhiều việc làm thiết thực để động viên, khuyến khích con cháu trong dòng họ vươn lên chiếm lĩnh những tri thức của nhân loại. Trong quy ước chung của dòng họ đã dành nhiều chương, phần nói về khuyến học. Quy ước đề cập khá chi tiết và cụ thể về việc lập quỹ khuyến học, đối tượng được khen thưởng, mức khen, hình thức khen và ngày khen thưởng. Dòng họ cử ra ban khuyến học để quản lý quỹ và chăm lo sự học trong dòng họ. Quy ước quy định ở tất cả các cấp học nếu cháu nào đạt học sinh giỏi, xuất sắc, học sinh tiên tiến thì được dòng họ tuyên dương khen thưởng. Gia đình có con, cháu đỗ đại học, trên đại học được đến nhà thờ họ, đến mộ tổ làm lễ kính cáo tổ tiên có sự chứng kiến của đại diện hội khuyến học thôn, xã và những bậc cao niên, những người đỗ đạt trong dòng họ, được tổ chức cho đi báo công tại Lăng Bác, đi dâng hương ở đền Hùng … nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tự hào dòng họ để khuyến khích, động viên các cháu trong học tập. Hằng năm, đúng ngày chạp họ là dòng họ Nguyễn lại tổ chức lễ trao, phát phần thưởng cho các cháu đỗ đạt có thành tích cao trong học tập. Phần thưởng tuy chỉ là những cuốn vở, cây bút nhưng giá trị tinh thần thì hết sức lớn lao, nó góp phần động viên, khuyến khích các cháu nỗ lực nhiều hơn trong học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp. Cũng chính vì vậy mà từ năm 1996 đến nay, trong họ đã có 59 cháu đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Nhiều cháu đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia. Ngoài dòng họ Nguyễn ở thôn Dung (xã Hưng Đạo) thì các dòng họ như: họ Lê (xã Dị Chế); họ Đỗ (xã An Viên); họ Nguyễn, họ Lê (xã Hải Triều)… cũng làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài.
Trong bối cảnh của một vùng quê nghèo còn lắm khó khăn như Tiên Lữ mà có được kết quả giáo dục như trên quả là điều rất đáng tự hào. Một năm học mới lại bắt đầu, truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của tất thảy mọi người ở vùng quê lúa lại tiếp tục được phát huy và nhân rộng, quê nghèo Tiên Lữ lại tiếp tục gieo mầm những tài năng cho đất nước.