Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên: Coi trọng hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên

Thứ năm, 14/06/2012 09:50

 

 Nhóm sinh viên với đề tài nghiên cứu, thiết kế chế tạo Robot.
Ảnh: Báo Hưng Yên

Xác định hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên có vai trò quan trọng trong việc thực hiện sứ mệnh của nhà trường “nhân đức, nhân tài, nhân tri thức, sáng tạo nhân dân, phục vụ tương lai”, trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên luôn coi trọng phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên.

Ông Nguyễn Đình Hân, Phó trưởng phòng Quản lý khoa học và đối ngoại nhà trường cho biết: “Trong những năm qua, nhà trường đã tạo điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… để khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học cấp trường và cấp Bộ. Số lượng đề tài đăng ký ở các bộ môn, các khoa không ngừng tăng nhanh cả về lượng và chất lượng. Hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên được diễn ra dưới nhiều hình thức và nội dung phong phú như: hội nghị, hội thảo khoa học; giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam; tiểu luận, đồ án môn học...".

Tính từ năm 2007 đến nay, sinh viên nhà trường đã thực hiện được 29 đề tài cấp bộ, 104 đề tài cấp trường. Trong đó, nhiều đề tài có giá trị thực tiễn cao đã đạt giải thưởng trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên. Đề tài “Xây dựng hệ thống hỗ trợ giảng dạy thực hành và quản lý phòng máy” của nhóm sinh viên Đinh Văn Hiển, Đỗ Thị Nhàn và đề tài “Xây dựng một số hàm chức năng trong phần mềm MATLAP phục vụ quá trình khảo sát, thiết kế và mô phỏng hệ thống điều khiển tự động tuyến tính liên tục” của nhóm sinh viên Đỗ Thị Kim Cúc, Nguyễn Cầu Mạnh đã đạt giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Bên cạnh đó để tạo động lực thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên nhà trường, từ năm 2009, công ty TOYOTA Việt Nam đều có những phần thưởng động viên, khuyến khích những đề tài nghiên cứu của sinh viên có giá trị cao. Đó là đề tài “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo Robot phân loại sản phẩm cơ khí loại nhỏ” của nhóm sinh viên Đỗ Văn Thực, Phan Thanh Hải và đề tài “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo bộ mẫu dùng trong kiểm tra không phá hủy" của nhóm sinh viên Nguyễn Tài Biên, Lê Huy Chương.

Nói đến thành tích nghiên cứu khoa học của sinh viên nhà trường không thể không kể đến những kết quả “đáng nể” trong phong trào sáng tạo Robocon. Với niềm khát khao chinh phục đỉnh cao khoa học công nghệ cùng với ước mơ sáng tạo robot, các đội tuyển Robocon của trường ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên “đấu trường” công nghệ. Ngọn lửa đam mê, sáng tạo lan truyền từ thế hệ sinh viên này qua thế hệ sinh viên khác. Năm 2004, trường bắt đầu tham gia thi đấu, kết quả không cao nhưng thất bại không lùi bước, các đội thi đấu của trường đã không ngừng nỗ lực học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao "sức chiến đấu". Đến năm 2009, công sức của các thành viên đã được đền đáp xứng đáng, 4 đội tuyển của trường đã xuất sắc vượt qua hơn 100 đội tuyển khu vực miền Bắc để lọt vào vòng 1/16. Chung cuộc, đội SUNWARD đạt giải 3, đội ICE TEA đoạt giải ý tưởng sáng tạo của cuộc thi.

Sự phát triển của phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên đã tạo không khí nghiên cứu, học tập tích cực trong nhà trường. Điều đó đã được minh chứng bằng những thành tích thi đấu liên tục được nâng cao của các đội Robocon. Năm 2010, 6 đội tuyển của trường được tham dự vòng chung kết, 3 đội lọt vào vòng 1/16 và đội NAT PRO đạt giải 3 chung cuộc. Năm 2011, trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên là một trong số ít các trường có nhiều đội tuyển tham dự vòng chung kết với 6 đội tuyển. Năm 2012, với chủ đề cuộc thi là “Lễ hội hái bánh bao – Tiến tới hòa bình và thịnh vượng”, 4 đội lọt vào vòng chung kết tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đội SKH – Liên gia đã đạt giải Robot bằng tay xuất sắc nhất.

Trở về sau chuyến đi dài nhưng gương mặt các thành viên trong đội tuyển SKH – Liên gia vẫn ánh lên niềm vui, niềm tự hào về kết quả đội đã đạt được. Bạn Trần Văn Hùng (khoa Điện – Điện tử), đội trưởng đội SKH – Liên gia chia sẻ: “Thành tích mà đội đạt được là kết quả của những đêm dài thức trắng, những bữa ăn vội vàng, những giọt mồ hôi… trong thời gian chế tạo robot. Đó là công sức của tất cả các thành viên trong đội và của các thầy, cô giáo – người đã cùng đồng hành với chúng em trong suốt thời gian chế tạo và thi đấu Robocon.” Niềm đam mê robot không chỉ là sở trường của những “đấng mày râu” mà còn là niềm đam mê của các bạn nữ “chân yếu tay mềm” ở ngôi trường kỹ thuật này. Bạn Vũ Thị Diệu Hương (khoa Điện – Điện tử), thành viên nữ duy nhất của đội SKH – Liên gia bộc bạch: “Là phái yếu nên trong quá trình nhập đội và tham gia sáng tạo em gặp nhiều khó khăn về sức khỏe, thời gian... hơn so với các bạn nam. Để chế tạo được một "chú người máy" thông minh đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức, cần sự hợp tác của nhiều bộ môn như công nghệ thông tin, cơ khí, điện học, tự động hóa... Thời gian làm việc theo nhóm đã giúp em biết vận dụng những kiến thức đã học trên giảng đường vào thực tế và trưởng thành hơn rất nhiều. Đây là trải nghiệm đáng nhớ giúp em chuẩn bị hành trang, tự tin trên bước đường lập nghiệp sau này.”

Những thành tích trường Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên đã đạt được trong phong trào nghiên cứu khoa học nói chung, phong trào sáng tạo Robocon nói riêng là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố, trong đó có sự quan tâm ủng hộ cả về vật chất và tinh thần của Ban giám hiệu nhà trường. Trường đã đầu tư xây dựng nhà thi đấu Robot, xưởng thực hành; tạo điều kiện để các giảng viên hướng dẫn các em luyện tập, thực hành; hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học… Đây chính là tiền đề để thắp sáng ước mơ nghiên cứu khoa học, sáng tạo robot trong sinh viên.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực