UBND tỉnh Hưng Yên: Tổng kết 10 năm phát triển giao thông nông thôn

Thứ sáu, 03/08/2012 13:56

 

Ông Nguyễn Văn Thông, Ủy viên BCH Trung ương Đảng,
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen
 cho các tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: báo Hưng Yên 

Ngày 2/8, UBND tỉnh Hưng Yên đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phát triển giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2001-2010 và triển khai chiến lược phát triển GTNT đến năm 2020 gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Thông, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị. Đến dự có các ông: Trương Tấn Viên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ: Vũ Văn Toàn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Nguyễn Khắc Hào, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Xuân Thơi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thế Đắc, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ; Nguyễn Thị Kim Loan, Bí thư Thành uỷ thành phố Hưng Yên; Chu Anh Thuyên, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Phan Quang Ngừng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ. Cùng dự có lãnh đạo HĐND tỉnh,  UBND tỉnh, các Ban của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh; Uỷ ban MTTQ tỉnh, đoàn thể và nhiều sở, ngành hữu quan.

Ông Nguyễn Văn Thông, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, dân làm là chính, Nhà nước hỗ trợ”, phong trào phát triển GTNT đã được triển khai rộng khắp. Qua 10 năm, GTNT trên địa bàn tỉnh được đầu tư  phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi căn bản về chất lượng đường. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng GTNT trên địa bàn tỉnh  1.324 tỷ đồng, trong đó 202,5 tỷ vốn ODA; 204,5 tỷ đồng ngân sách nhà nước tỉnh;  561,3 tỷ đồng ngân sách nhà nước huyện, xã và nhân dân đóng góp 355,6 tỷ đồng cùng 536,3 nghìn ngày công. Toàn tỉnh đã sửa chữa nâng cấp được hơn 1.856 km đường các loại; xây dựng được 116 chiếc cầu các loại và xây dựng, cải tạo được 2.335 cống các loại. Năm 2006, tỉnh đã hoàn thành dự án GTNT 2, nâng cấp được 340 km đường thuộc 136 tuyến đường, xây dựng 49 cầu. Tỉnh đang thực hiện dự án GTNT 3 giai đoạn 1 gồm: Hợp phần nâng cấp cải tạo với hơn 32 km thuộc 13 tuyến đường với kinh phí hơn 49,8 tỷ đồng và bảo trì đường huyện hơn 332 km với kinh phí hơn 15,6 tỷ đồng. Được sự quan tâm của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cùng nguồn vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai dự án đầu tư GTNT cho các xã khó khăn trong tỉnh được hơn 61,2 km với tổng kinh phí gần 34,9 tỷ đồng… Đến nay, 100% tuyến đường tỉnh quản lý; trên 80% tuyến đường huyện quản lý, đường đô thị được trải nhựa; 70% các tuyến đường thôn, liên xóm và trên 10% đường ra đồng đã được cứng hóa.

Giai đoạn 2012-2020, tỉnh xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển GTNT phải đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và từng bước đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa nông thôn. Cụ thể là tổ chức dịch vụ vận tải hành khách công cộng thuận lợi từ trung tâm huyện về các trung tâm xã, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân sống ở khu vực nông thôn. Về kết cấu hạ tầng, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% đường huyện, xã bảo đảm giao thông quanh năm; tỷ lệ mặt đường được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng đối với đường huyện quản lý là 100%, đường xã quản lý tối thiểu đạt 70%; tối thiểu 50% các đường thôn, xóm được cứng hóa đạt loại A, theo tiêu chuẩn 22 TCN trở lên; 45% các đường trục chính nội đồng được cứng hóa, phương tiện cơ giới đi lại thuận tiện; Phát triển giao thông nội đồng đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Dự kiến khối lượng đường giao thông nông thôn cần đầu tư giai đoạn này là hơn 689 km đường trục thôn, xóm, hơn 806 km đường xóm ngõ và hơn 1.182 km đường trục chính nội đồng cần nâng cấp mở rộng để đạt chuẩn với tổng vốn đầu tư khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng.

Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Văn Thông nhấn mạnh phát triển GTNT có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong xây dựng nông thôn mới nên được Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cũng như ưu tiên đầu tư cho phát triển GTNT. Nhiều năm qua từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung nguồn lực lớn và nhân dân ủng hộ đóng góp không nhỏ cho xây dựng GTNT. Bởi vậy, hệ thống mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh nói chung và GTNT nói riêng có nhiều tiến bộ, phát triển vượt bậc so với thời kỳ đầu mới tái lập tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển và hoàn thiện hệ thống GTNT trên địa bàn tỉnh, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, việc thực hiện chiến lược phát triển GTNT giai đoạn 2012-2020 phải gắn với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an toàn giao thông trong cả hệ thống. Trước hết cần quán triệt rõ quan điểm phân cấp  việc đầu tư xây dựng GTNT theo hướng Nhà nước đầu tư xây dựng các tuyến đường từ thôn đến xã, nhân dân tự đầu tư xây dựng và được Nhà nước hỗ trợ làm đường ra đồng, nhân dân tự làm đường trong thôn xóm. Đồng thời các huyện, xã cần huy động nguồn lực toàn xã hội, nhất là các doanh nghiệp tham gia xây dựng GTNT. Đặc biệt là các địa phương phải chủ động khởi xướng và thực hiện những việc cụ thể về phát triển GTNT với chủ trương, chính sách chi tiết, rõ ràng, như vậy mới lôi cuốn, phát động được nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia phát triển GTNT, xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh hơn nữa trong việc đầu tư xây dựng các tuyến giao thông huyết mạch qua địa bàn để tỉnh dành nguồn lực cho phát triển GTNT trong giai đoạn tiếp theo, đồng thời tăng cường kinh phí thêm cho các dự án phát triển GTNT đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Bộ nên nghiên cứu và ban hành các quy định để quản lý và bảo vệ các tuyến đường GTNT.

Nhân dịp này, có 24 tập thể và 21 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển GTNT được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực