Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên có bước phát triển mạnh cả về quy mô, năng suất, chất lượng, hình thành một số vùng chuyên canh đạt hiệu quả cao.
Các dự án, đề án của huyện và của tỉnh triển khai thực hiện trên địa bàn huyện có tính khả thi và được nhân rộng như: Dự án duy trì và nâng cao năng lực sản xuất giống lúa, chương trình “nạc hoá” đàn lợn, “sind hoá” đàn bò, dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao cho nông dân vùng bãi, hỗ trợ cây vụ đông, lúa lai vụ xuân, công cụ gieo sạ hàng; Dự án trồng hoa chất lượng cao, mở rộng diện tích nuôi cá rô phi thâm canh, đề án quy hoạch phát triển kinh tế vùng bãi… tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ và rõ rệt trong sản xuất nông nghiệp, bước đầu hình thành nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng, hiệu quả cao, hạ tầng nông thôn phát triển, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Từ những dự án, đề án, mô hình trên đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh như: vùng sản xuất lúa giống đã chủ động cung cấp được khoảng 70% giống lúa tốt cho sản xuất nông nghiệp, thực hiện thành công chương trình cấp 1 hoá giống lúa; giúp nông dân chuyển sang sản xuất lúa hàng hóa chất lượng, hiệu quả cao, với diện tích ngày càng lớn, chiếm gần 50% diện tích lúa của huyện; sản lượng lương thực được duy trì ổn định. Những vùng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao dần được hình thành với tổng diện tích cây ăn quả, cây cảnh đạt trên 1 nghìn ha. Điển hình là vùng trồng cam, bưởi ở các xã Mễ Sở, Liên Nghĩa, Thắng Lợi, Tân Tiến và thị trấn Văn Giang; vùng trồng cây cảnh, cây thế ở các xã Xuân Quan, Phụng Công, thị trấn Văn Giang, Liên Nghĩa và Long Hưng. Chương trình "nạc hóa" đàn lợn, "sind hóa" đàn bò đã góp phần cải tạo chất lượng con giống; các hình thức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giúp nông dân thay đổi phương thức chăn nuôi; đã hình thành và phát triển các mô hình chăn nuôi trang trại quy mô vừa và nhỏ, cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến thực phẩm trong khu vực... Đề án mở rộng diện tích nuôi cá rô phi đơn tính được thực hiện có hiệu quả, góp phần đưa thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, mở rộng các mô hình nuôi thâm canh…
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện còn có những khó khăn, hạn chế như: Sự liên kết giữa "bốn nhà", nhất là giữa nhà nông với nhà doanh nghiệp và nhà khoa học hay giữa sản xuất với thị trường chưa thực sự chặt chẽ; hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn xuống cấp và chưa đồng bộ. Mặc dù có quy hoạch vùng chuyển đổi nhưng chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện phát triển nhanh và mạnh nhưng thiếu bền vững, chưa theo quy hoạch…
Để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá chất lượng, hiệu quả cao, thời gian tới huyện tập trung thực hiện một số giải pháp và xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng lĩnh vực sản xuất. Đối với sản xuất lúa, huyện duy trì diện tích gieo cấy lúa đến năm 2015 khoảng 1.700 ha, năng suất bình quân trên 68,5 tạ/ha. Trong đó, nâng tỷ lệ diện tích lúa chất lượng cao đạt trên 55% tổng diện tích, diện tích lúa còn lại đầu tư phát triển theo hướng cao sản. Tỷ lệ lúa lai chiếm từ 30% tổng diện tích trở lên, còn lại là lúa thuần có năng suất, chất lượng, có khả năng kháng sâu bệnh cao; quy hoạch và phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa, áp dụng sản xuất “3 giảm, 3 tăng”, sản xuất lúa tốt theo hướng Vietgap, cơ cấu 100% trà xuân muộn bằng giống ngắn ngày và được gieo cấy mạ non trên nền cứng và gieo thẳng, tiến tới bỏ hẳn gieo mạ dược ở vụ xuân; vụ mùa chỉ cơ cấu 2 trà, trà mùa sớm bố trí từ 20-25% diện tích để trồng cây vụ đông sớm và 75%-80% trà mùa trung để tăng năng suất, sản lượng. Giữ ổn định diện tích gieo trồng ngô hàng năm khoảng 460 ha, hình thành các vùng sản xuất ngô hàng hoá; đầu tư thâm canh, đưa năng suất ngô đến năm 2015 đạt trên 68 tạ/ha, phấn đấu 100% diện tích trồng giống ngô có năng suất, chất lượng cao, trong đó 80% diện tích trồng ngô lai làm thức ăn chăn nuôi, diện tích trồng tập trung tại xã Xuân Quan, thị trấn Văn Giang, diện tích còn lại gieo trồng giống ngô nếp phục vụ ăn tươi, ngô ngọt, ngô bao tử phục vụ chế biến, tập trung chủ yếu tại các xã Thắng Lợi và Long Hưng. Cây công nghiệp hàng năm như đậu tương, chú trọng sử dụng các giống có chất lượng cao, tăng diện tích cây đậu tương đông, diện tích ổn định 380 ha, tập trung chủ yếu ở Vĩnh Khúc, Tân Tiến.
Với thế mạnh trong trồng hoa, cây cảnh, huyện phấn đấu diện tích vườn hoa, cây cảnh duy trì khoảng trên 740 ha, tập trung ở thị trấn Văn Giang, các xã Xuân Quan, Phụng Công, Liên Nghĩa, Thắng Lợi, Mễ Sở, Long Hưng... Đây là sản phẩm có lợi thế và điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, mang lại lợi nhuận kinh tế cao, do vậy huyện chú trọng phát triển các cơ sở sản xuất hoa, cây cảnh trên cơ sở đầu tư ứng dụng các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất hoa, cây cảnh; đặc biệt là công nghệ sản xuất giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô, kỹ thuật trồng, chăm sóc trong nhà lưới, nhà kính. Mở rộng, phát triển cây ăn quả trên cơ sở cải tạo những diện tích sẵn có, chuyển đổi một phần diện tích đất lúa, đất màu, đất vườn tạp hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả.
Xác định các cây thực phẩm, rau quả tươi là nhóm cây chủ lực cần phát triển mạnh để cung cấp cho các khu đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn huyện và các tỉnh, thành phố lân cận, huyện có kế hoạch bố trí khoảng 1.121 ha, sản lượng cây thực phẩm đạt khoảng trên 2.800 tấn rau, đậu đỗ các loại, tập trung chủ yếu ở các xã Xuân Quan, Thắng Lợi, Mễ Sở… Phấn đấu các vùng chuyên canh rau đều được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, trong đó có từ 20 - 50 ha đạt chứng nhận VietGap.
Cùng với những giải pháp trên, huyện chú trọng phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản và ngành nghề nông thôn. Trong đó, quy hoạch chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và quy hoạch các điểm giết mổ tập trung, bãi rác thải, quản lý và thực hiện tốt quy hoạch, xây dựng một số mô hình nông thôn mới theo hướng hiện đại. Xây dựng và khai thác có hiệu quả nghề và làng nghề trồng hoa lan, cây cảnh, cây thế, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Phát triển các làng nghề sản xuất, chế biến nông sản phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu như: bì bóng lợn, ruốc thịt, phát triển các làng nghề trong lĩnh vực cơ khí, sửa chữa máy móc nông nghiệp. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX phục vụ sản xuất nông nghiệp, khuyến khích HTX phát triển các dịch vụ tổng hợp, HTX chuyên khâu, đa dạng gồm: dịch vụ chế biến, tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp như giống cây, giống con, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, tín dụng... Khuyến khích các HTX thực hiện liên kết, liên doanh giữa các HTX và giữa HTX với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, phát triển các mô hình kinh tế hộ, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp…