Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhu cầu vốn đầu tư rất lớn nhưng với những khó khăn về nguồn vốn khiến cho nhiều địa phương trong tỉnh khó có cơ hội đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Trong khi đó, không ít địa phương cho rằng, tìm vốn đầu tư đã khó, nhưng nếu có đủ vốn đầu tư ngay lúc này thì các xã làm điểm cũng khó có thể kịp về đích vào cuối năm 2013.
Theo quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông NTM giai đoạn 2010 – 2020 thì cơ cấu vốn đầu tư xây dựng NTM được thực hiện từ bốn nguồn: vốn ngân sách, chiếm 40%; vốn tín dụng, chiếm 30%; vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác, chiếm khoảng 20%; huy động đóng góp của cộng đồng dân cư, chiếm khoảng 10%. Thực tế cho thấy, để hoàn thành được 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, hầu hết các địa phương cho rằng vốn đầu tư là vấn đề quan trọng nhất. Tuy nhiên đến nay, khi thời hạn về đích của 20 xã làm điểm đang đến rất gần thì các nguồn vốn đều đang ở tình trạng xoay đâu cũng thấy khó.
Là một trong hai xã của huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên được chọn làm điểm xây dựng NTM, mục tiêu phấn đấu đến năm 2013 Hưng Đạo phải cơ bản đạt 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Đến thời điểm này phần việc địa phương đã thực hiện được quá ít ỏi. Ông Trần Văn Độ, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Đạo cho biết: “Quy hoạch chung của xã đã được phê duyệt, nhưng ngay trong quá trình xây dựng quy hoạch chi tiết xã cũng bắt tay ngay thực hiện các phần việc có thể tiến hành làm trước song vốn đầu tư vô cùng nan giải. Nếu như có đủ vốn, đủ lực để tập trung làm thì từ nay đến năm 2013 với 11/19 tiêu chí chưa đạt xã Hưng Đạo cũng khó có thể về đích được”. Theo UBND xã, đến giữa tháng 6/2012 xã mới nhận được 460 triệu đồng kinh phí từ ngân sách cấp trên dành cho công tác lập quy hoạch và một phần kinh phí hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Sau hai năm tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân về chủ trương, lợi ích của xây dựng NTM, từ đầu năm nay cán bộ và nhân dân trong xã mới bắt tay vào xây dựng cơ sở hạ tầng. Đơn vị 10 thôn Dung đang triển khai xây dựng nhà văn hóa trị giá khoảng trên 500 triệu đồng. Đường thôn, xóm chưa đạt yêu cầu nay phải mở rộng, đổ xi măng dầy thêm. Tổng chiều dài hơn 10,6km đường cần tổng kinh phí gần 11,4 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay mới có đơn vị 7 thôn Dung, đơn vị 1 và đơn vị 2 thôn Tam Nông vận động nhân dân hiến đất, chặt cây, đóng góp kinh phí để làm. Cả hai nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng này, xã đều dự kiến hỗ trợ từ ngân sách xã 50%. Nhưng, đó mới chỉ là chủ trương của xã chứ cơ sở chưa nhận được đồng vốn nào.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng NTM của xã Quang Hưng (Phù Cừ) chỉ bằng ¾ so với nhu cầu vốn đầu tư xây dựng NTM của xã Hưng Đạo, nhưng đến nay xã Quang Hưng cũng mới tạm thời đạt được 11/19 tiêu chí. Từ năm 2010 bắt tay vào xây dựng hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là tổ chức quy hoạch lại đồng ruộng, hệ thống mương máng, đường nội đồng, với kinh phí lên tới gần 20 tỷ đồng. Ngoài ra, trong hơn hai năm qua xã nhận được tổng nguồn kinh phí từ ngân sách cấp trên hỗ trợ 5 tỷ đồng cho việc xây dựng trụ sở làm việc Đảng ủy – HĐND - UBND xã, đường giao thông; ngân sách xã chỉ bố trí được gần 1 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân quy hoạch lại đồng ruộng, xây dựng cơ sở hạ tầng. Ông Vũ Mạnh Tuyển, Chủ tịch UBND xã Quang Hưng cho biết: “Đến nay xã chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ về vốn nào của doanh nghiệp, vốn từ ngân sách cấp trên còn hạn chế so với cơ cấu, vốn của xã thì còn trông chờ vào vấn đề xử lý đất xen kẹt, dôi dư, đề nghị bán đấu giá quyền sử dụng đất. Để hoàn thành được 19 tiêu chí, xã cần khoảng hơn 50 tỷ đồng nữa. Nếu cứ tốc độ như hiện nay, vốn chưa thấy đâu thì xã khó có thể về đích vào cuối năm 2013 được”.
Chẳng riêng các xã làm điểm của tỉnh thấy rằng mục tiêu đến năm 2013 phải hoàn thành 19 tiêu chí là quá gấp gáp mà với không ít xã thuộc diện làm điểm của cấp huyện cũng cho rằng đến năm 2015 họ cũng khó có thể về đích xây dựng NTM. Như xã Đặng Lễ(Ân Thi) có thuận lợi hơn các địa phương khác, do có nguồn thu hơn 4,3 tỷ đồng từ tiền bán đấu giá quyền sử dụng đất và hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất thi công tuyến đường bộ nối đường cao tốc ô tô Hà Nội – Hải Phòng và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư và xây dựng, thế nhưng trong ba năm qua nguồn ngân sách xã đối ứng với ngân sách cấp trên cũng chỉ hoàn thành được việc xây dựng trường mầm non, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, một tuyến đường nối liền thôn Nam Trì với thôn Đới Khê dài khoảng 1 km, trụ sở làm việc của Đảng ủy – HĐND – UBND xã và đang đầu tư phấn đấu xây dựng trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Còn hơn ba năm nữa phải về đích, trong khi vốn ngân sách xã đã cạn, nhu cầu đầu tư, xây dựng NTM của xã còn rất lớn như xây dựng 5/7 nhà văn hóa các thôn, nhà văn hóa xã; nâng cấp đường thôn, xóm, cứng hóa đường ra đồng đạt tiêu chuẩn NTM… xã phải trông chờ phần lớn vào sự đóng góp của nhân dân, quyết định cho bán đấu giá, xử lý đất xen kẹt, dôi dư trong khu dân cư, đề nghị cho xã thực hiện dự án cấp đất giãn dân.
Dù chiếm tỷ trọng đầu tư lớn nhất nhưng nguồn vốn từ ngân sách còn khá khiêm tốn trong tổng kinh phí mà mỗi địa phương đã đầu tư cho xây dựng NTM hai năm qua. Trong khi đó, hầu như ở những xã làm điểm khá vắng bóng đồng vốn đầu tư từ khối doanh nghiệp và hợp tác xã. Bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp xã Hưng Đạo phân trần: “Hiện nay HTX dịch vụ nông nghiệp không được nhận một đồng vốn nào từ ngân sách đầu tư, hỗ trợ. Bản thân HTX hoạt động cũng rất khó khăn, vốn thiếu, sức cạnh tranh trên thị trường yếu”. Hưng Đạo là một trong số ít địa phương trong tỉnh có HTX dịch vụ nông nghiệp hoạt động khá hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân song việc góp vốn đầu tư cho chương trình NTM cũng khó khăn. Mặt khác là địa phương hiếm có doanh nghiệp đầu tư vào. Theo UBND xã, toàn xã có một cơ sở may gia công với vài chục lao động nhưng liên tục ngừng, nghỉ từ đầu năm đến nay. Bức tranh ấy phần nào nói lên rằng muốn thu hút doanh nghiệp vào xây dựng NTM cùng Đảng bộ và nhân dân trong xã thật khó.
Những năm gần đây, diện mạo nông thôn từng ngày thay da đổi thịt phải kể đến sự đầu tư thường xuyên của các nguồn vốn tín dụng và sức đóng góp của nhân dân. Nhiều năm bám rễ, ăn sâu, có nhiều chương trình đầu tư, ưu đãi đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nguồn vốn của các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, ngân hàng chính sách xã hội và ngân hàng nông nghiệp và PTNT giúp hàng nghìn nông hộ phát triển kinh tế gia đình, đầu tư máy móc thiết bị để giải phóng sức lao động của con người. Chỉ tính riêng nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng này, trung bình mỗi xã, phường, thị trấn trong tỉnh đang có khoảng 20 – 25 tỷ đồng nguồn vốn tín dụng đầu tư. Đây cũng là nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất so với các nguồn vốn đã được đầu tư xây dựng NTM.
Tuy chiếm tỷ trọng nhỏ nhất trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM nhưng sức đóng góp của nhân dân, từ nguồn xã hội hóa ở mỗi địa phương đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng kinh phí đã đầu tư. Dẫu biết rằng “lấy sức dân để lo cho dân” song sức dân cũng chỉ là hữu hạn.
Nhu cầu vốn đầu tư lớn nhưng sự đầu tư từ ngân sách nhỏ giọt, huy động từ sức dân có hạn khiến cho nhiều địa phương khó có cơ hội đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Trong khi đó, không ít địa phương cho rằng, tìm vốn đầu tư đã khó, nếu có đủ vốn đầu tư ngay lúc này thì với những quy trình, thủ tục đầu tư, xây dựng, các xã làm điểm của tỉnh cũng khó có thể kịp về đích vào cuối năm 2013.
Mong muốn lớn nhất của các địa phương, nhất là những địa phương làm điểm xây dựng NTM là cấp có thẩm quyền có cơ chế tạo vốn đầu tư tốt nhất, thuận lợi nhất, nhanh nhất cho cơ sở. Đồng thời, việc thực hiện cơ cấu nguồn vốn cần bảo đảm số lượng và đạt yêu cầu về thời gian. Mặt khác đề nghị các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm sâu sát, toàn diện hơn nữa nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM ở từng cơ sở, có như vậy mục tiêu Chương trình xây dựng NTM đề ra mới khả thi.